Một đại biểu quân đội đọc tờ China Daily trước phiên họp toàn thể lần thứ hai của Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc (Trung Quốc) tại Bắc Kinh, ngày 9/3/2009. (REUTERS/David Gray)

(Theo VOA Việt ngữ).

Chính quyền Tổng thống Trump ngày 18/2 cho biết sẽ bắt đầu đối xử với chín thực thể truyền thông quốc doanh Trung Quốc hoạt động tại Mỹ như các tòa đại sứ nước ngoài, yêu cầu họ phải đăng ký nhân viên và tài sản tại Mỹ với Bộ Ngoại giao.

Hai nhân viên cao cấp Bộ Ngoại giao nói quyết định này được đưa ra vì Trung Quốc thắt chặt sự kiểm soát của nhà nước đối với truyền thông, và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tích cực sử dụng các cơ quan này để tuyên truyền thân Bắc Kinh.

“Việc kiểm soát nội dung và biên tập chỉ được củng cố dưới thời Tập Cận Bình nắm quyền,” một giới chức nói. “Những tổ chức này trên thực tế là cánh tay tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc.”

Trung Quốc không được báo trước về quyết định này và sẽ được thông báo vào chiều ngày 18/2, một giới chức nói.

Việc kiểm soát của Bắc Kinh đối với truyền thông quốc doanh Trung Quốc đã trở thành “càng ngày càng khắc nghiệt,” giới chức thứ hai nói.

Cả hai giới chức này nói với phóng viên với điều kiện ẩn danh.

Căng thẳng Mỹ-Trung

Căng thẳng giữa hai siêu cường leo thang kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức cách đây 3 năm, với những tranh chấp từ thuế quan thương mại cho đến cáo buộc Trung Quốc do thám Hoa Kỳ đến việc Mỹ ủng hộ Đài Loan.

Quyết định ngày 18/2, các giới chức nói, không liên hệ đến những phát triển mới đây về các quan hệ Mỹ-Trung và được cứu xét trong một thời gian.

Chỉ định mới được áp dụng cho Tân Hoa Xã, Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc, Đài Quốc tế Trung Quốc, Công ty Phát hành Hàng ngày Trung Quốc và Công ty Phát triển Hai Tian tại Mỹ, các giới chức nói.

China Daily là một nhật báo bằng tiếng Anh của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Công ty Phát triển Hai Tian tại Mỹ phân phối Nhân dân Nhật báo, tờ báo chính thức thức của Ủy ban Trung ương Đảng.

Qui định mới

Năm thực thể hoạt động tại Mỹ sẽ phải tiết lộ nhân viên của họ, quyết định tuyển mộ và sa thải và đăng ký các tài sản thuê mướn hay sở hữu tại Mỹ với Bộ Ngoại giao, các giới chức nói.

Những thực thể này cũng phải được chấp thuận trước khi thuê hay mua tài sản mới của Mỹ, những giới chức này nói.

Được hỏi là liệu có những lo ngại là Bắc Kinh sẽ trả đũa truyền thông phương Tây tại Trung Quốc hay không, một giới chức nói các công ty truyền thông nước ngoài ở đó đã phải làm việc dưới những qui định khắc nghiệt và qui định mới không hạn chế hoạt động tại Mỹ của 5 thực thể quốc doanh Trung Quốc.

“Những thực thể này hoạt động trong một môi trường tự do hơn nhiều tại Mỹ hơn bất cứ báo chí nước ngoài ngoài nào được hưởng tại nước Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc,” giới chức này nói.