Tổng thống Nga Putin, tại điện Kremlin (Cẩm Linh), Moscow (Mạc Tư Khoa), Nga, ngày 14/05/2025. AP - Alexander Nemenov

 

 

Những ngày qua, các chuyên viên quan sát cả thế giới hướng về Thổ Nhĩ Kỳ, hy vọng một cuộc gặp thượng đỉnh giữa Vladimir Putin và Volodymyr Zelenskyy diễn ra vào ngày 15/05/2025, để có thể sớm đạt hòa bình cho Ukrainr. Nhưng kịch bản này đã không xảy ra vì những toan tính chính trị và ngoại giao của tổng thống Nga.

 

 

Để đàm phán trực tiếp với Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ cuối cùng tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ cử một phái đoàn cấp thứ trưởng đến đàm phán với Kyiv. Ông Putin không đến Istanbul để đối thoại trực tiếp với tổng thống Zelenskyy bất chấp lời kêu gọi từ Kyiv. Các cuộc đàm phán, dù trực tiếp, diễn ra hôm 15/05 tại Istanbul sẽ chỉ là khởi đầu của một quá trình lâu dài và phức tạp.

 

Từ nhiều tuần qua, để lấy lòng Donald Trump, Volodymyr Zelenskyy và Vladimir Putin đã chơi trò đổ lỗi nhau không muốn hòa bình. Mục đích của tổng thống Ukraine là muốn bảo đảm với tổng thống Mỹ về thiện chí của mình, chứng minh rằng tổng thống Nga không sẵn sàng cho hòa bình hay thỏa hiệp, để thuyết phục Donald Trump tiếp tục viện trợ vũ khí cho Ukraine. Chiến lược của Kyiv được phối hợp với các đồng minh Âu Châu để tạo thêm sức ép với Moscow (Mạc Tư Khoa).

 

Trong Khi đó, Vladimir Putin không muốn từ bỏ mục tiêu giành tối đa lãnh thổ của Ukraine, đồng thời tranh thủ thiện cảm của Donald Trump. Tổng thống Nga cũng muốn tránh các trừng phạt mới của Âu Châu và Mỹ nhắm vào dầu lửa và ngân hàng Nga vào lúc mà nền kinh tế của nước này đang trong tình trạng suy kiệt vì chiến tranh, cùng những tác động không nhỏ của các lệnh trực phạt trước đó. Tổng thống Nga đã làm ra vẻ lùi một bước trên bàn cờ ngoại giao, nhưng không từ bỏ mục tiêu chính ở Ukraine.

 

Đáp lại tối hậu thư của Âu châu, ông Putin cho biết sẵn sàng đàm phán nhưng không ngừng bắn, trong khi Âu Châu và Ukraine yêu cầu ngừng bắn trước khi đàm phán. Tổng thống Mỹ Donald Trump hối thúc Ukraine chấp nhận lời đề nghị của Nga “ngay lập tức”.

 

Vladimir Putin không đến Thổ Nhĩ Kỳ để đối thoại trực tiếp với Zelenskyy vì những tính toán chiến lược chính trị. Tổng thống Nga muốn duy trì hình ảnh là người đang kiểm soát cuộc chơi, không bị ép buộc. Việc cử phái đoàn cấp thấp cho thấy ông ta "tham gia đàm phán" mà không thực sự cam kết. Tuy nhiên, ông Putin vẫn yêu cầu thảo luận về "nguyên nhân gốc rễ" của cuộc xung đột, mà theo ông là liên quan đến sự hiện diện của lực lượng NATO ở Âu châu. Tây phương phải ngừng viện trợ cho Ukraine. Cả hai điều kiện này đều bị các nước đồng minh Âu Châu của Ukraine từ chối.

 

Đến Thổ Nhĩ Kỳ mà không nhượng bộ, chẳng hạn như từ chối ngừng bắn, ông Putin sẽ bị Donald Trump, người đang rất nôn nóng có được thỏa thuận hòa bình, xem là kẻ phá hoại.

 

Trên một khía cạnh khác, nếu Putin đến Thổ Nhĩ Kỳ gặp Zelenskyy, có nghĩa ông thừa nhận Zelenskyy là tổng thống hợp pháp của Ukraine, điều mà Putin công khai phủ nhận. Trên mặt trận ngoại giao, Nga luôn tìm cách làm mất uy tín và hạ thấp vị thế của chính quyền Kyiv.

 

Nhiều chuyên viên quan sát nhận thấy Putin muốn giữ “cuộc chơi ngoại giao” ở mức tranh thủ, không bị ràng buộc. Nếu tham dự trực tiếp, ông khó rút lui mà không chịu trách nhiệm chính trị. Với Putin, ngừng bắn chỉ là chiến thuật, chứ không phải cam kết hòa bình.

 

Tóm lại, Putin không đến Istanbul vì muốn giữ thế thượng phong, né tránh các ràng buộc trong một tiến trình đàm phán thực sự. Đó là nước cờ trì hoãn và kiểm soát hình ảnh hơn là thiện chí hòa bình.

 

Nhiều lần khẳng định bản chất của cuộc chiến ở Ukraine là cuộc đối đầu giữa Nga và Tây phương, Vladimir Putin được giới phân tích cho rằng muốn kéo dài thời gian, làm suy mòn sự ủng hộ của các nước Âu Châu và Hoa Kỳ trong các cuộc đàm phán kéo dài bất tận, cho đến khi làm tan vỡ sự đoàn kết mong manh xuyên Đại Tây Dương.

 

Cuộc đàm phán trực tiếp Nga-Ukraine dù ở cấp nào vẫn là cần thiết và quan trọng. Tuy nhiên, mọi ánh mắt vẫn hướng về tổng thống Mỹ Donald Trump, được cho là người duy nhất có thể chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine, nếu ông chọn nghiêng về bên nào. Nhưng bản thân Trump lại là người khó đoán và bị ảnh hưởng của các cố vấn có tiếng là thân Nga. Câu hỏi đặt ra là liệu ông Trump sẽ chấp nhận các điều kiện của Nga để nhanh chóng có hòa bình, hay ông sẽ quay lưng lại với Putin?

 

 

(Theo RFI)