Một khách tham quan Triển lãm Công nghệ cao Quốc tế Bắc Kinh Trung Quốc lần thứ 21 nhìn vào một con chip máy tính. Ảnh: AAP / Ng Han Guan/AP

 

Các phân tích mới cho thấy, Úc có thể bị cuốn vào cuộc cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong lãnh vực công nghệ. Một phúc trình của Viện Lowy chuyên nghiên cứu chính sách quốc tế cho biết, sự cạnh tranh giữa hai siêu cường trong lãnh vực này, có thể ảnh hưởng đến khả năng tạo ra những bước đột phá về khoa học và y tế của nước Úc.

 

Một phúc trình mới đây của Viện Lowy cho biết, Úc có thể gặp bất lợi do sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ về mặt công nghệ.

 

Báo cáo xác định xu hướng gần đây trong chi tiêu của chính phủ ở Hoa Kỳ và Trung Quốc, với việc cả hai quốc gia đều tăng cường hỗ trợ đáng kể cho ngành công nghệ của mình, thông qua các khoản trợ cấp lớn của chính phủ.

 

Tiến sĩ John Edwards, thành viên cao cấp của Viện Lowy cho biết, mặc dù các khoản trợ cấp gia tăng này có thể giúp tăng tốc độ đổi mới công nghệ, nhưng chúng cũng có thể chia nền kinh tế toàn cầu thành các khối cạnh tranh theo những cách thức gây tổn hại.

 

Ông nói rằng, xu hướng này có thể gây ra những thách thức lớn đối với các quốc gia nhỏ hơn như Úc, cũng như những quốc gia không có khả năng cạnh tranh.

John Edwards nói “Chẳng hạn, chúng tôi chắc chắn không thể sánh được với các loại trợ cấp do Hoa Kỳ, Trung Quốc và Châu Âu chi trả".

"Có vẻ như các khoản trợ cấp do Hoa Kỳ khởi xướng năm rồi, tương đương với khoảng một nửa GDP của chúng tôi".

"Vì vậy, không có cách nào chúng ta có thể tiến gần đến mức, mà các nền kinh tế lớn có thể cung cấp cho các ngành công nghiệp của họ”.

 

Được biết các ngành liên quan đến sản xuất và sử dụng chip máy tính tiên tiến cho chất bán dẫn, được tìm thấy trong điện thoại thông minh, máy tính, thiết bị gia dụng, v.v. đã nhận được sự hỗ trợ lớn nhất của chính phủ, ở cả Trung Quốc và Hoa Kỳ trong những năm gần đây.

 

Phúc trình của Viện Lowy cho biết, chính sách gần đây của chính phủ Hoa Kỳ cũng nhằm mục đích, ngăn chặn khả năng sản xuất chip máy tính tiên tiến của Trung Quốc, bằng cách từ chối xuất cảng các mặt hàng liên quan sang Trung Quốc.

 

Tiến sĩ Edwards, nói Hoa Kỳ có một tham vọng đặc biệt trong ý định.

“Hoa Kỳ muốn ngăn chặn Trung Quốc có được những con chip tiên tiến nhất, chẳng hạn như chip video, bởi vì họ muốn hạn chế hoặc có thể ngăn chặn sự tiến bộ của Trung Quốc trong lãnh vực Trí thông minh nhân tạo AI”.

 

Ngoài ra không chỉ trí tuệ nhân tạo AI, có thể bị ảnh hưởng bởi những hạn chế và kiểm soát chặt chẽ hơn, Giáo sư Torsten Lehman là chuyên gia về công nghệ vi mạch, tại Đại học New South Wales cho biết.

Giáo sư Torsten Lehman nói “Thực tế là bất cứ thứ gì có thiết bị điện tử bên trong, như là máy tính, điện thoại, đầu đọc thẻ cho cửa ra vào của bạn, đồ chơi... ngày nay bạn không thể tạo ra một ngọn đuốc, mà không đặt chất bán dẫn vào trong đó”.

 

Trong khi đó Tiến sĩ Edwards cho biết, trong khi những biện minh cho việc kiểm soát xung quanh công nghệ vi mạch thường nhấn mạnh việc sử dụng nó cho mục đích quân sự, thì số lượng lớn các ứng dụng cho công nghệ này là thương mại và công nghiệp.

 

Ông nói rằng việc ngăn cản Trung Quốc sản xuất, hoặc sử dụng công nghệ vi mạch tiên tiến, sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế và tiến bộ của nước này, trên diện rộng lớn hơn.

Tiến sĩ John Edwards nói “Chẳng hạn, không thể phủ nhận sự tiến bộ của Trung Quốc trong Trí thông minh nhân tạo, vốn có thể cản trở một số hoạt động quân sự, mà không cản trở và thậm chí còn đáng kể hơn, đó là sự tiến bộ của toàn bộ nền kinh tế”.

 

Ngoài ra phúc trình của Viện Lowy dự đoán, nếu Hoa Kỳ tăng cường từ chối xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc, thì đồng minh Úc của họ sẽ làm điều tương tự.

 

Bà Marina Giang là Phó giáo sư nghiên cứu tại Viện Quan hệ Úc-Trung Quốc, tại Đại học Công nghệ Sydney UTS.

 

Bà nói rằng những căng thẳng địa chính trị này, có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho mối quan hệ bền chặt trước đây của Úc và Trung Quốc, trong các lãnh vực nghiên cứu khoa học và đổi mới.

Bà Marina Giang nói “Nghiên cứu đòi hỏi sự hợp tác, nhưng có vẻ như trong thời kỳ cạnh tranh ngày càng tăng về địa chính trị xoay quanh cạnh tranh công nghệ này, thì các nghiên cứu chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng”.

 

Bà cho biết cộng đồng khoa học Úc đã bị kiểm soát chặt chẽ hơn, do những căng thẳng địa chính trị ngày càng sâu sắc này.

Bà nói “Ngay cả đối với bản thân tôi với tư cách là một nhà nghiên cứu người Úc, nhưng ý tôi là rõ ràng là tôi có rất nhiều mối liên hệ với Trung Quốc, vì vậy tôi cần phải lo lắng về bất kỳ sự phức tạp chính trị tiềm tàng nào".

"Nếu tôi ở quá gần Úc, hoặc quá thiên với Trung Quốc, hoặc nếu bạn biết, tôi có thể duy trì sự độc lập nghiên cứu của mình, khỏi bất kỳ căng thẳng chính trị nào”.

 

Bà cũng nói rằng, việc tăng cường kiểm soát ảnh hưởng đến nghiên cứu là nguyên nhân gây lo ngại lớn, vì nó có thể chấm dứt hàng ngàn mối quan hệ đối tác quan trọng với các học giả Trung Quốc.

 

Bà cho biết Úc sẽ buộc phải đưa ra một số quyết định quan trọng, khi những căng thẳng địa chính trị này tiếp diễn. Bà nói “Vì vậy câu hỏi đặt ra là, Úc nên ứng phó với điều này như thế nào, liệu Úc có nên củng cố các chính sách công nghiệp của mình, hay tiếp tục khuyến khích tinh thần kinh doanh và mở ra những đổi mới”.

 

Được biết phúc trình của Viện Lowy cũng nói rằng, Úc sẽ cần xem xét cách tiếp cận của mình.

 

Do bị kẹt giữa Trung Quốc với tư cách là đối tác thương mại lớn nhất và Hoa Kỳ là đồng minh an ninh hàng đầu của mình, Tiến sĩ Edwards nói rằng Úc cần bảo đảm các bước tiếp theo của mình, là nhạy cảm với mối quan hệ quan trọng, mà Úc có với cả hai cường quốc.

Tiến sĩ John Edwards nói “Tôi không chắc điều đó đã xảy ra hay chưa, nhưng sẽ xảy ra trường hợp Hoa Kỳ yêu cầu chúng tôi tuân theo chính sách của họ".

"Khi yêu cầu đó đến, chúng tôi cần có chính sách rõ ràng về cách đáp ứng”.