Tàu phá băng Rồng Tuyết (Xuelong) của Trung Quốc. (Ảnh: STR / AFP qua Getty Images)
QUỐC TẾ - Bắc Cực là khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên mà Trung Quốc luôn thèm muốn. Nếu Nga chiến thắng ở Ukraine, Trung Quốc sẽ được trao chìa khóa tới Bắc Cực để đánh bắt cá và khai thác khoáng sản số lượng lớn mà không lo sợ trừng phạt.
Một tuần sau khi Nga xâm lược Ukraine, bảy quốc gia gồm Canada, Mỹ, Na Uy, Iceland, Thụy Điển, Đan Mạch và Phần Lan đã thông báo rút khỏi Hội đồng Bắc Cực (Arctic Council) cho đến khi có thông báo mới. Hiện tại, thành viên duy nhất còn lại là Nga.
Hội đồng Bắc Cực là diễn đàn liên chính phủ hàng đầu thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia Bắc Cực, cộng đồng bản địa Bắc Cực và các cư dân khác sống ở Bắc Cực về các vấn đề chung của khu vực này, đặc biệt là về các vấn đề về phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.
Trước việc Mỹ và Canada quay lưng lại với hội đồng, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã nhanh chóng nắm lấy sơ hở này. Ông Tập Cận Bình và các cộng sự cực kỳ hứng thú với việc khai thác Bắc Cực. Câu hỏi đặt ra là tại sao?
Tôi đã liên hệ với Giám đốc nghiên cứu Brigt Dale của Nhóm Nghiên cứu Môi trường và Xã hội tại Viện Nghiên cứu Nordland để tìm câu trả lời.
Nguyên nhân ĐCSTQ cực kỳ quan tâm đến Bắc Cực
Dale nói, Bắc Cực có nguồn tài nguyên phong phú ở trạng thái “sẵn sàng để khai thác”.
Các cuộc thảo luận trong lĩnh vực địa chính trị thường xoay quanh ý tưởng làm thế nào có thể khai thác tài nguyên ở Bắc Cực để phục vụ lợi ích cho những người sống ở nơi khác, trong khi thế giới vẫn tưởng rằng Bắc Cực đang được ‘chăm sóc’ cẩn thận, Dale cho biết.
Dale nói thêm, từ nhiều thế kỷ trước, thậm chí là hàng thiên niên kỷ trước, nhiều người dân Bắc Cực sinh sống bằng buôn bán lông thú, cá và các sản phẩm từ việc săn bắt các loài động vật biển có vú.
Vì vậy, việc khai thác “tài nguyên ở Bắc Cực không có gì mới”. Tuy nhiên, mối quan tâm ngày càng tăng hiện nay đối với khoáng sản, đặc biệt là các loại khoáng sản dùng trong phát triển công nghệ xanh, đã khiến Bắc Cực được các quốc gia Bắc Cực và các nước khác đặc biệt ‘dòm ngó’.
Với Nga, đồng minh thân cận của Trung Quốc, trọng tâm vẫn là dầu khí và khoáng sản, bởi đây là nền tảng của nền kinh tế của họ. Trung Quốc cũng như thế, Dale nói.
Ngoài ra, theo Dale, “tuyến đường biển phía Bắc từ biển Barents đến eo biển Bering có tầm quan trọng lớn đối với người Trung Quốc”, vì nó cho phép nước này tiếp cận các ngư trường mới.
Trữ lượng cá ở khu vực do Trung Quốc kiểm soát ngày càng sụt giảm. Trong khi đó, cá là thành phần chính trong nhiều món ăn được ưa chuộng nhất của đất nước tỷ dân. Bắc Cực mang đến cơ hội cho Bắc Kinh ngăn chặn cuộc khủng hoảng ‘thiếu cá’.
Hơn nữa, Dale nhấn mạnh về sự phong phú của các loại khoáng chất đất hiếm ở Bắc Cực. Như học giả Mark Rowe đã viết trước đây, những kim loại đất hiếm như neodymium, praseodymium, terbium và dysprosium “là chìa khóa cho các cuộc cách mạng xe điện và năng lượng tái tạo trên thế giới, thúc đẩy công nghệ pin và tuabin gió cùng những công nghệ khác”.
Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới cả về cuộc cách mạng xe điện và năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, để duy trì vị thế của mình, Bắc Kinh cần đảm bảo quyền tiếp cận với các khoáng sản có giá trị. Và Bắc Cực đáp ứng được yêu cầu này.
Tác động địa chính trị của tham vọng Bắc Cực của Trung Quốc là gì?
Tôi đã hỏi Indra Overland, nhà nghiên cứu hàng đầu tại Viện Các vấn đề Quốc tế Na Uy, về những tác động địa chính trị tiềm tàng của việc Trung Quốc ‘càn quét’ Bắc Cực.
Overland nói, điều mà Nga thực sự muốn là Trung Quốc giúp các dự án Khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của họ trên Bán đảo Yamal tiến triển thuận lợi.
Theo Overland thì hiện tại, “người Trung Quốc không có công nghệ cần thiết cho việc này”. “Cho đến giờ, nếu người Nga không thể dễ dàng có được nó, thì nó không phải là thứ mà người Trung Quốc có thể nhanh chóng sao chép từ các công ty phương Tây và Nhật Bản”. Tuy nhiên, “Trung Quốc và Nga sẽ cố gắng hết sức để hợp tác cùng nhau trên Bán đảo Yamal”.
Khả năng hợp tác của Nga và Trung Quốc ở khu vực Bắc Cực phụ thuộc rất nhiều vào những gì xảy ra ở Ukraine. Overland nói với tôi rằng “cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine thể hiện cả những mặt tiêu cực và tích cực có thể xảy ra đối với Trung Quốc”.
Mặt tiêu cực là, “Nga có thể bị đánh bại; quyết tâm của các nước phương Tây trong việc bảo vệ nền dân chủ được củng cố”.
Mặt tích cực là Trung Quốc có thể mua tài nguyên thiên nhiên của Nga với giá rẻ, bao gồm khí đốt tự nhiên, dầu, than, kim loại và ngũ cốc; trong khi nhu cầu của phương Tây đối với các tấm pin mặt trời và các hàng hóa năng lượng sạch khác của Trung Quốc tăng vọt - do họ ngừng nhập khẩu từ Nga, Overland nói.
Nếu Nga bị đánh bại ở Ukraine, thì tham vọng Bắc Cực của Trung Quốc có thể bị trì hoãn vô thời hạn. Tuy nhiên, nếu Nga chiến thắng, Trung Quốc sẽ được trao chìa khóa tới Bắc Cực, cho phép các doanh nghiệp của họ đánh bắt cá và khai thác khoáng sản số lượng lớn mà không bị trừng phạt.
Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.
Tác giả John Mac Ghlionn là một nhà nghiên cứu và nhà viết luận. Bài viết của ông được đăng trên nhiều tờ báo như New York Post, Sydney Morning Herald, Newsweek, National Review, The Spectator US, và những tờ báo uy tín khác. Ông cũng là một chuyên gia tâm lý xã hội, rất quan tâm đến các rối loạn chức năng xã hội và thao túng truyền thông.
(ntdvn.net - Theo The Epoch Times)