Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình (phải), và cựu Thủ tướng Lý Khắc Cường, đến dự phiên bế mạc Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (NPC) tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 13 tháng 3 năm 2023. (Ảnh: NOEL CELIS/POOL/AFP via Getty Images)
TRUNG QUỐC - Đã hơn nửa tháng trôi qua kể từ khi cựu thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường qua đời, nhưng những bí ẩn về cái chết của ông vẫn chưa được giải đáp. Hầu hết mọi người đều không tin rằng ông Lý chết vì đau tim và nỗ lực giải cứu đã thất bại, tuy nhiên lại rất khó để có được bằng chứng cho thấy ông đã bị ám sát. Vì vậy, việc phân tích ai là người hưởng lợi nhiều nhất sau cái chết của ông đã trở thành một phương án khác để truy ra thủ phạm.
Vào ngày 30/10, một bức thư ngỏ của ông Cố Vạn Minh, một phóng viên kỳ cựu của Tân Hoa Xã, với tiêu đề rằng: “Hãy điều tra rõ nguyên nhân cái chết của ông Lý Khắc Cường và cho người dân cả nước một lời giải thích” đã được lan truyền rộng rãi. Bức thư yêu cầu dừng bố trí việc hỏa táng thi thể ông Lý Khắc Cường, tiến hành khám nghiệm tử thi, toàn bộ quá trình cứu chữa và điều trị đều phải được điều tra kỹ lưỡng, và toàn bộ sự việc phải được công khai. Bức thư nêu rõ Lý Khắc Cường đến Thượng Hải để "nghỉ ngơi" vào ngày 25/10, hai ngày sau đó được thông báo đột ngột qua đời. Nhiều tình tiết trong đó vẫn chưa được làm rõ, và rất có thể chúng đều là manh mối then chốt trong chuyện này.
Thông tin gần đây cho thấy, một ngày trước khi qua đời, ông Lý Khắc Cường đã đi khám sức khỏe, điều này khiến mọi nghi ngờ càng thêm sâu sắc hơn. Hiện tại vẫn chưa có câu trả lời cho những nghi vấn này. Ông Lý Khắc Cường đã được hỏa táng và bằng chứng trực tiếp đã biến mất, mọi người chỉ có thể phân tích những người có thể được hưởng lợi từ cái chết của ông và tiếp tục tìm kiếm sự thật.
Với cái chết của Lý Khắc Cường, người gánh chịu áp lực lớn nhất từ dư luận chắc chắn là ông Tập Cận Bình, bởi ông Tập dường như là người được hưởng lợi nhiều nhất.
Đã từ lâu người ta nói rằng hai ông Tập - Lý vốn bất hòa với nhau. Tại Đại hội Đảng lần thứ 20, ông Lý Khắc Cường và ông Uông Dương buộc rời khỏi chính trường, ông Hồ Xuân Hoa mất chức Ủy viên Bộ Chính trị, ông Hồ Cẩm Đào bị áp giải khỏi hội trường… điều đó chứng tỏ phe cánh ông Tập sợ phe Đoàn Thanh niên nên đã tìm cách loại bỏ càng sớm càng tốt.
Ông Tập thà thỏa hiệp với phe cánh ông Giang Trạch Dân - Tăng Khánh Hồng, cho phép "kẻ hai mặt" Vương Hỗ Ninh và Triệu Lạc Tế ở lại giữ chức Ủy viên Thường vụ, đồng thời để ông Hàn Chính thuộc băng nhóm Thượng Hải lên làm Phó Chủ tịch nước, cũng không muốn cho ông Lý Khắc Cường tiếp tục ở lại. Sau cái chết của ông Giang Trạch Dân, phe cánh ông Giang gần như đã tan rã, phe Đoàn như có như không của ông Lý Khắc Cường trái lại bị xem là mối đe dọa lớn nhất của ông Tập.
Sau cái chết của ông Lý, phe Đoàn Thanh niên gần như đã biến mất, và dường như không ai trong Trung Nam Hải có thể thay thế ông Tập. Ở khía cạnh này, ông Tập quả thực là người được hưởng lợi lớn nhất, và mũi giáo của dư luận đang hướng nhiều hơn về ông.
Để xoa dịu dư luận, Bắc Kinh đã cố tình đơn giản hóa tang lễ của ông Lý Khắc Cường, không dám công khai cưỡng chế cấm đoán các hoạt động tưởng niệm của người dân, nhưng đã áp dụng những biện pháp ngầm để kiểm soát người dân. Đây được cho là quyết định được đưa ra tại phiên họp của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc ( ĐCSTQ) ngày 27/10. Hôm thi thể ông Lý Khắc Cường được đưa về Bắc Kinh, tất cả các thành viên của Bộ Chính trị đều ở Trung Nam Hải suốt cả ngày, không ai dám ra ngoài nghênh đón ông Lý Khắc Cường.
Những nơi gắn liền với cuộc đời ông Lý Khắc Cường như ngôi nhà cũ ở thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy; quê quán ở huyện Định Viễn, thành phố Từ Châu, tỉnh An Huy và các nơi khác, người dân đã đặt hoa tưởng niệm, nhà chức trách Trung Quốc đã không ngăn cản, mà cử nhân viên an ninh cải trang đến hiện trường để thúc giục mọi người rời đi. Biển hoa tưởng niệm do người dân tạo nên đã trống rỗng chỉ sau một đêm. Có thông tin cho rằng 3 triệu người dân ở An Huy đã tham gia đặt hoa tưởng niệm, chính quyền trung ương sau đó đã chỉ trích nặng nề đối với lãnh đạo tỉnh An Huy.
Thông báo liên quan được đưa ra trên mạng nêu rõ rằng: “Tất cả các đơn vị phải bày tỏ lời chia buồn theo sự sắp xếp tang lễ và chia buồn thống nhất của Trung ương Đảng, tuyệt đối không được phép có những tiếng nói khác với chính quyền trung ương. Các đơn vị phải quản tốt người của mình, quản tốt mặt trận của mình, đặc biệt là lời nói và việc làm trên mạng của cán bộ, nhân viên công chức đã về hưu”.
Điều này có thể dễ dàng khiến mọi người cảm thấy như thể những người lãnh đạo cao nhất của Bắc Kinh tự biết mình đuối lý và muốn che đậy điều gì đó, nó càng làm tăng thêm sự nghi ngờ của dư luận.
Vào ngày 2 tháng 11, các quan chức cấp cao của ĐCSTQ đã đến Nghĩa trang cách mạng Bát Bảo Sơn để đưa tiễn ông Lý Khắc Cường. Đoạn video ông Tập bắt tay với vợ ông Lý Khắc Cường là bà Trình Hồng cũng thu hút sự chú ý của ngoại giới. Cả hai khi bắt tay chỉ nhìn nhau thoáng qua, rồi mỗi người quay mặt sang một bên. Ánh mắt hai người nhìn nhau không chỉ trông rất miễn cưỡng, mà còn cho người xem cảm giác thấy một sự thù hằn vô hình nào đó, hay ít nhất là không ưa nhau. Khi bà Trình Hồng bắt tay các quan chức cấp cao khác của Trung Quốc, cơ bản vẫn nhìn nhau một cách lịch sự và nói với nhau vài ba câu.
Vào ngày 2 tháng 11, báo cáo của Tân Hoa Xã dường như muốn phá tan sự gượng gạo này khi nói rằng “trong thời gian ông Lý Khắc Cường cấp cứu và sau khi qua đời”, nhóm những người Tập Cận Bình, Lý Cường, Triệu Lạc Tế, Vương Hỗ Ninh, Thái Kỳ, Đinh Tiết Tường, Lý Hy, Hàn Chính, Hồ Cẩm Đào “đã đến bệnh viện thăm”, hoặc thông qua hình thức khác nhau bày tỏ sự tiếc thương vô hạn đối với sự ra đi của ông Lý Khắc Cường và bày tỏ lời chia buồn sâu sắc tới người thân của ông.
Tuy nhiên, khả năng họ không có thời gian đến bệnh viện thăm ông Lý Khắc Cường, bài viết cũng không tiết lộ họ bày tỏ lời chia buồn hay hỏi thăm như thế nào.
Sau ngày 2 tháng 11, vụ việc của ông Lý Khắc Cường bị Bắc Kinh gác lại, nhưng ngoại giới vẫn tiếp tục nghi ngờ ông Tập Cận Bình dường như là người được hưởng lợi lớn nhất từ cái chết của Lý Khắc Cường; nhưng nó cũng mang đến những rủi ro khó lường cho cục diện chính trị của ĐCSTQ và bản thân ông Tập.
Cái chết của ông Lý Khắc Cường là con dao hai lưỡi đối với ông Tập, mối đe dọa lớn nhất được cho là đã bị loại bỏ nhưng nó cũng có thể dễ dàng khiến ông Tập Cận Bình trở thành mục tiêu của hàng nghìn người. Vậy còn có ai khác có thể được hưởng lợi từ vụ việc này không?
Sau cái chết của ông Lý Khắc Cường, truyền thông Nhật Bản lại một lần nữa nhận được những tiết lộ nội bộ, cho rằng việc nhóm người thuộc phe cánh ông Tăng Khánh Hồng gây khó dễ cho ông Tập trong thời gian ở Bắc Đới Hà đã đại diện cho ý muốn của ông Lý Khắc Cường, đồng thời cho rằng nếu ông Tập bị hạ bệ, thì ông Lý Khắc Cường được coi là ứng cử viên thay thế ông ta.
Cuộc đấu đá nội bộ tam giác giữa phe cánh ông Tập, phe đoàn Thanh niên và phe cánh ông Giang một lần nữa được phơi bày một cách trần trụi. Đây hẳn là nhóm người ông Tăng Khánh Hồng lợi dụng cái chết của ông Lý Khắc Cường, lần nữa gây thêm rắc rối cho ông Tập, điều này phản ánh trực tiếp rằng ông Lý đã bị ông Tập hại. Tuy nhiên, nhiều tiết lộ tương tự trước đó của truyền thông Nhật Bản đều không đề cập đến ông Lý Khắc Cường, mà nhân vật nổi bật nhất vẫn là ông Tăng Khánh Hồng.
Trước Đại hội 20, từng có tin đồn ông Hồ Cẩm Đào bắt tay với các trưởng lão nắm quyền điều hành quân đội đã kiểm soát ông Tập sau khi ông đi thăm nước ngoài trở về. Điều này cũng có thể là do nhóm người ông Tăng Khánh Hồng tung tin đồn, cố tình kích động mâu thuẫn, đồng thời cũng bao gồm cả những tin đồn trước đó rằng “Tập xuống Lý lên”, cho đến ông Uông Dương được chuyển lên làm Thủ tướng Quốc vụ viện. Ông Tăng Khánh Hồng muốn trở thành thủ lĩnh của phe chống Tập, nhưng ông ta đã không còn thực lực và chỉ có thể gieo rắc sự bất hòa.
Sau cái chết của ông Lý Khắc Cường, ông Tăng Khánh Hồng và các cựu quan chức cấp cao đã nghỉ hưu khác của phe cánh ông Giang có được coi là người hưởng lợi hay không? Tất nhiên họ đều rất hy vọng ông Tập sẽ ngã ngựa, nhưng có lẽ họ cũng không muốn ông Lý Khắc Cường đi lên, họ càng nguyện ý ủng hộ những người có thể bắt tay với họ. Họ biết rằng mối đe dọa mà ông Lý Khắc Cường đã nghỉ hưu gây ra cho ông Tập cũng rất hạn chế, vậy nên trong tin đồn liên quan đến ông Tập bị chất vấn tại hội nghị Bắc Đới Hà ban đầu vốn không có ông Lý Khắc Cường, nhưng sau khi ông Lý qua đời, ông ta đột nhiên trở thành nhân vật chính của tin đồn.
Nếu nhóm người ông Tăng Khánh Hồng đã gây ra cái chết đột ngột của ông Lý Khắc Cường nhằm giá họa cho ông Tập, thì cần phải có sự thao túng dư luận lớn hơn, thậm chí còn kích động người dân xuống đường, nhưng hiện chúng ta vẫn chưa thấy. Cái chết của ông Lý Khắc Cường đã tạo thành áp lực lớn lên ông Tập, nhưng nhóm ông Tăng không chắc đã thật sự được hưởng lợi, giờ họ đã trở thành đối thủ duy nhất còn lại của phe cánh ông Tập. Sau này nếu phe cánh ông Tăng muốn tung tin đồn, thì ít nhất họ cũng mất đi chút gia vị; chưa kể đám người ông Tăng có lẽ không có năng lực ám sát ông Lý Khắc Cường, thậm chí còn không biết rằng ông Lý đã tới Thượng Hải. Nếu nhóm ông Tăng thật sự đã ám sát ông Lý Khắc Cường, điều đó cũng bằng như họ cũng có khả năng đe dọa đến sự an toàn của ông Tập, ngược lại còn rước lấy họa sát thân.
"Các thế lực thù địch ở nước ngoài", thường được Bắc Kinh nhắc đến, coi ông Lý Khắc Cường là người ủng hộ cải cách và mở cửa. Cả Trung Quốc và người dân Trung Quốc đều không được hưởng lợi gì từ cái chết của ông Lý, thay vào đó họ hoàn toàn thất vọng.
Trong số phe Đoàn Thanh niên không ai có thể nghĩ ra ai có thể hưởng lợi từ cái chết của Lý Khắc Cường. Phe cánh ông Giang cũng khó có thể được hưởng lợi. Phe chống Tập rộng rãi hơn, lỏng lẻo hơn, vốn hy vọng ông Lý có cơ hội quay trở lại chính trường, cũng sẽ không được hưởng lợi. Thế thì, những người có khả năng hưởng lợi vẫn quay về phe cánh ông Tập.
Nếu bản thân ông Tập không tự mình ra lệnh, hoặc nếu ông ấy không thực sự biết về việc đó, thì ai trong phe cánh ông Tập sẽ tự mình đứng ra làm việc đó?
Những người xung quanh ông Tập Cận Bình có chừng 4 người, hay nói chính xác hơn là 4 nhóm người có điều kiện ra lệnh ám sát ông Lý Khắc Cường.
Thứ nhất là ông Thái Kỳ là Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương, khách sạn Đông Giao ở Thượng Hải, nơi ông Lý Khắc Cường nghỉ dưỡng, nằm dưới sự quản lý của ông, các nhân viên an ninh và y tế đi cùng ông Lý Khắc Cường đến Thượng Hải theo lý thì phải do ông Thái Kỳ hoặc cấp dưới của ông ta bí mật sắp xếp. Đội ngũ bảo vệ và phục vụ ông Lý Khắc Cường đều rất đáng bị nghi ngờ, nhưng họ tuyệt đối sẽ không dám tự mình hành động, mà phải nhận lệnh trực tiếp từ ai đó.
Thứ hai là ông Vương Tiểu Hồng là Bộ trưởng Bộ Công an, tháng 7 năm nay ông thôi giữ chức Cục trưởng Cục Mật vụ Bộ Công an. Cấp dưới của ông ta khả năng có đủ điều kiện để ám sát ông Lý Khắc Cường.
Thứ ba là ông Trần Nhất Tân là Bộ trưởng Bộ An ninh Quốc gia, ông nắm trong tay một số lượng lớn các điệp viên tình báo bí mật, và bọn họ cũng có đủ điều kiện để ám sát ông Lý Khắc Cường.
Và thứ tư là đội mật vụ của quân đội Trung Quốc, nhóm này chuyên được trang bị để thực hiện các nhiệm vụ ám sát.
Nhìn bề ngoài, có vẻ như 4 người hay 4 nhóm người trên không thể trực tiếp hưởng lợi từ việc này, nếu bí mật thực hiện các vụ ám sát mà không có lệnh của ông Tập thì vẫn sẽ gặp phải những rủi ro nhất định. Tuy nhiên, những người này là tâm phúc của ông Tập, họ có thể suy đoán được ý muốn của ông Tập, cho rằng làm như vậy là đang chia sẻ những lo lắng với ông ta; việc này không thông qua ông Tập, thì có thể nói là không liên quan gì đến ông Tập.
Họ biết ông Tập muốn giải mã những lời tiên đoán về đảo chính, ám sát. Trong cuốn sách tiên tri “Thôi Bối Đồ” cảnh báo một người “mang cung” sẽ chống lại ông Tập. Trước đó ông Lý Khắc Cường đã bị coi là mối đe dọa, và trong tên ông ta cũng có chữ "cung". Những thân tín của ông Tập có thể đã ra tay với ông Lý, và mượn nhờ điều này để lập công nhằm đạt được địa vị cao hơn.
Đồng thời, bằng cách này, phe cánh ông Tập có thể đổ lỗi mọi vấn đề kinh tế cho ông Lý Khắc Cường mà không chút đắn đo, đồng thời có thể gửi lời cảnh báo đến các đối thủ chính trị.
Tất nhiên, không thể loại trừ một khả năng khác thâm độc hơn, đó là phe cánh ông Tập thực chất không hề trung thành. Họ xuống tay tàn độc với ông Lý Khắc Cường, bề ngoài là loại bỏ mối đe dọa cho ông Tập, nhưng thực chất lại cố gắng gây hỗn loạn. Chuyện của ông Tần Cương và ông Lý Thượng Phúc đã khiến ông Tập rất lo lắng, giờ lại thêm việc ông Lý Khắc Cường lại đột tử vào thời điểm nhạy cảm này, nói không chừng sẽ mang đến hỗn loạn hơn nữa, những kẻ dã tâm xung quanh ông Tập sẽ có cơ hội thay thế ông Tập, bản thân một bước lên mây.
Nếu đúng như vậy, những lời trong dự ngôn có thể sẽ trở thành sự thật và bước hỗn loạn tiếp theo của ĐCSTQ cũng đã được định sẵn.
(Theo Epochtimes)
(ntdvn.net - Viên Minh biên dịch)