Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 6h sáng ngày 26/7, thế giới có 16.185.100 người nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra. Trong đó, gần 650.000 người đã tử vong và hơn 9 triệu người hồi phục. Ba tâm dịch lớn nhất vẫn là Mỹ, Brazil và Ấn Độ.
Ca nhiễm mới tại Bắc Hàn là một người đào tẩu quay trở về Bắc Hàn từ Nam Hàn hôm 19/7. (Nguồn: Reuters)
Hãng thông tấn trung ương Bắc Hàn, KCNA, ngày 26/7 đưa tin Bình Nhưỡng đã thông báo về ca nghi nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên. Đây là một người trở về Bắc Hàn hôm 19/7.
Theo KCNA, nhà lãnh đạo Kim Jong-un ngày 25/7 đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Bắc Hàn để thảo luận về “một sự việc khẩn cấp xảy ra ở thành phố Kaesong”.
Tại cuộc họp khẩn cấp của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Bắc Hàn ngày 25/7, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã thông qua “hệ thống tình trạng khẩn cấp tối đa” để ngăn chặn đại dịch Covid-19.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA dẫn phát biểu của ông Kim Jong-un tại cuộc họp trên nhấn mạnh đến quyết định triển khai “biện pháp ưu tiên phong tỏa toàn bộ Kaesong” sau khi “đối tượng đào tẩu” quay trở về thành phố biên giới này hôm 19/7.
Cũng theo KCNA, bệnh nhân nghi nhiễm virus SARS-CoV-2 đang được cách ly nghiêm ngặt và “mọi người ở thành phố Kaesong đã tiếp xúc với nhân vật đó và những người đã tới thành phố này trong 5 ngày gần nhất đang được điều tra cặn kẽ, kiểm tra y tế và đặt dưới chế độ cách ly”.
Tình hình dịch Covid-19 tại Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi số ca nhiễm mới tăng theo ngày vẫn ở mức cao. Trong 24h qua, Mỹ đã ghi nhận trên 61.000 ca bệnh mới. Trước đó, ngày 25 và 24 là hai ngày liên tiếp Mỹ chứng kiến số ca mắc Covid-19 tăng ở mức trên 70.000 ca và số ca tử vong tăng trên 1.000 ca.
Sau khi ghi nhận tỷ lệ lây nhiễm giảm vào cuối mùa xuân, Mỹ đã chứng kiến số ca mắc Covid-19 tăng cao trở lại, đặc biệt ở các tiểu bang miền Tây và miền Nam như California, Texas, Alabama và Florida.
Trong 11 ngày vừa qua, số ca mắc Covid-19 ở Mỹ đều ở mức trên 60.000 ca/ngày. Các nhà khoa học cho rằng tỷ lệ tử vong thường tăng trong khoảng 3-4 tuần sau khi số ca nhiễm tăng. Trong khi đó, trong 3 ngày qua, số ca tử vong mỗi ngày ở Mỹ đã ở mức trên 1.000 ca, sau khi vượt mức 500 ca/ngày vào khoảng cuối tháng 6.
Theo số liệu tổng hợp của Reuters, Mỹ có 98 ngày để chạm mốc 1 triệu ca mắc Covid-19 nhưng chỉ cần 16 ngày để tăng từ mức 3 triệu ca lên 4 triệu ca.
Trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Thư ký báo chí của Tòa Bạch Ốc, Kayleigh McEnany, cho rằng trẻ em vẫn nên trở lại trường học kể cả khi các kết quả nghiên cứu cho thấy trẻ em có thể lây truyền virus SARS-CoV-2 nếu mắc phải.
Cũng trong ngày 24/7, nhiều quan chức giáo dục và y tế của Chính phủ Mỹ cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải mở lại trường học. Theo lý giải, việc mở cửa lại trường học là quan trọng đối với sức khỏe tinh thần của trẻ em, cũng như cho phép cha mẹ đi làm trở lại để thúc đẩy nền kinh tế, vốn là một ưu tiên của Tổng thống Donald Trump khi ông tìm kiếm nhiệm kỳ thứ hai.
Theo khảo sát của Reuters/Ipsos công bố hồi tuần trước, chỉ có 25% số người Mỹ cho rằng việc mở lại trường học là an toàn, trong khi 10% cho biết sẽ cho con ở nhà nếu trường mở cửa trở lại
Chính quyền thành phố Sao Paolo - thành phố lớn nhất Brazil với 12 triệu dân, thông báo hoãn lễ hội đường phố carnival năm tới do những lo ngại từ dịch bệnh.
Phát biểu họp báo, Thị trưởng thành phố Sao Paolo - ông Bruno Covas, cho biết việc tổ chức lễ hội carnival vào tháng 2/2021 là không khả thi. Ông Covas không nêu rõ thời điểm dời sự kiện này, nhưng cho biết có thể là cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 7 năm sau.
Chính quyền thành phố Rio de Janeiro, thành phố đăng cai lễ hội carnival lớn nhất Brazil và một trong những lễ hội nổi tiếng nhất trên thế giới, cũng đang cân nhắc quyết định tương tự. Lễ hội carnival ở Sao Paolo, mặc dù ít được biết đến hơn, nhưng vẫn thu hút hàng chục nghìn người tham gia trong những năm gần đây.
Hiện Brazil ghi nhận số ca mắc Covid-19 và tử vong cao thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Mỹ, với hơn 2,3 triệu ca bệnh và hơn 86.000 ca tử vong. Tiểu bang Sao Paolo là tâm dịch của Brazil, chiếm gần 25% số ca tử vong ở nước này. Tình hình dịch bệnh tại thành phố Rio de Janeiro diễn biến phức tạp và nghiêm trọng.
Chính phủ Anh 25/7 đã khuyến cáo người dân nước này không đến Tây Ban Nha và đưa quốc gia nằm trên Bán đảo Iberia khỏi danh sách những địa điểm an toàn đối với hoạt động du lịch sau khi xuất hiện làn sóng bùng phát Covid-19 mới.
Theo tuyên bố của Bộ Giao thông Anh, kể từ 23h ngày 25/7 (giờ địa phương), bất cứ công dân nào trở về sau kỳ nghỉ ở Tây Ban Nha sẽ đều phải tự cách ly.
Tuyên bố viết: “Sau một thay đổi lớn hồi tuần trước về cả mức độ và tốc độ của các ca bệnh được xác nhận, Tây Ban Nha đã được đưa khỏi danh sách những quốc gia mà mọi người không phải tự cách ly khi đến Anh… Bảo vệ sức khỏe cộng đồng là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi, và chúng tôi đưa ra quyết định này nhằm hạn chế bất kỳ nguy cơ lây nhiễm tiềm tàng nào vào Anh”.
Những người đang đi nghỉ ở Tây Ban Nha được hối thúc trở về nhà như bình thường và cập nhật thêm thông tin khuyến cáo từ Bộ Ngoại giao Anh.
Đức có thể yêu cầu xét nghiệm sàng lọc virus SARS-CoV-2 bắt buộc đối với những hành khách trở về từ các quốc gia có nguy cơ cao. Đây là tuyên bố được Bộ trưởng Y tế Liên bang Đức Jens Spahn đưa ra hôm 25/7 trong bối cảnh số ca bệnh mới ở nước này tăng lên mức cao nhất trong vòng 2 tháng qua.
Phát biểu trên Đài phát thanh Đức, Bộ trưởng Spahn cho biết Chính phủ Đức muốn làm mọi cách có thể để chặn đà lây lan của đại dịch Covid-19, đồng thời đảm bảo tôn trọng các quyền cơ bản của người dân.
Ngoài ra, Berlin đang cân nhắc khả năng yêu cầu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 bắt buộc đối với một cá nhân cụ thể, bởi hành động này được cho là xâm phạm đến quyền tự do của mỗi người dân. Cũng theo ông Spahn, các tòa án ở Đức đang xem xét và kiểm tra tất cả những biện pháp phòng chống, dịch bệnh để đảm bảo rằng những biện pháp này không ảnh hưởng tới các quyền cơ bản.
Tuyên bố trên của Bộ trưởng Y tế Liên bang Đức được đưa ra trong bối cảnh số ca bệnh mới ở nước này trong ngày 24/7 đã tăng mạnh trở lại với 815 trường hợp, mức cao nhất kể từ giữa tháng 5. Trong khi đó, theo các số liệu từ Viện Dịch tễ Robert Koch (RKI) của Đức, số ca mắc Covid-19 mới được ghi nhận trong ngày 25/7 mặc dù đã giảm nhẹ so với một ngày trước đó, song vẫn ở mức cao với 781 trường hợp.
Ngày 25/7, đặc khu hành chính Hong Kongthông báo đã ghi nhận 133 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó 126 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất kể từ khi dịch bùng phát tại đặc khu này.
Khi số ca nhiễm mới không ngừng tăng từ đầu tháng 7 này, chính quyền đặc khu Hong Kong đã triển khai hàng loạt biện pháp giãn cách xã hội như bắt buộc đeo khẩu trang tại các địa điểm công cộng trong nhà cũng như trên các phương tiện giao thông công cộng, đóng cửa các khu giải trí.
Trưởng Đặc khu Hong Kong, Lâm Trịnh Nguyệt Nga, nhấn mạnh tình hình hiện nay rất đáng lo ngại, khẳng định chính quyền đang nhanh chóng ứng phó thông qua việc cải thiện năng lực xét nghiệm và xây dựng thêm các cơ sở chống dịch.
Theo thống kê, kể từ khi dịch bùng phát vào cuối tháng 1, tổng số ca nhiễm tại Hong Kong đến nay lên tới khoảng 2.000 ca, số ca tử vong là 18 ca.
Tại Nhật Bản, thủ đô Tokyo đã ghi nhận thêm 295 ca nhiễm trong ngày 25/7. Đây là ngày thứ 5 liên tiếp số ca nhiễm mới tại thành phố này ở mức trên 200 ca. Tổng số ca nhiễm tại Tokyo hiện là 10.975 ca.
Thị trưởng Tokyo Yuriko Koike tiếp tục kêu gọi người dân đeo khẩu trang, thực hiện các biện pháp phòng dịch, tránh đi ra ngoài nếu không cần thiết trong kỳ nghỉ lễ kéo dài 4 ngày. Bà cho biết số người trong độ tuổi 20-30 hiện chiếm khoảng 60% số ca nhiễm, song dịch bệnh cũng đang lây lan trong nhóm có độ tuổi 40-50, từ trung tâm thành phố tới quận Tama, phía Tây thủ đô. Bà cũng đã nâng cảnh báo đại dịch tại thành phố lên mức cao nhất trong thang cảnh báo gồm 4 cấp, đồng nghĩa dịch bệnh đang lây lan.
Trong khi đó, một số khu vực đô thị khác cũng ghi nhận số ca nhiễm tăng mạnh kể từ khi Nhật Bản dỡ bỏ hoàn toàn tình trạng khẩn cấp quốc gia vào cuối tháng 5. Tổng số ca nhiễm tại Nhật Bản tính đến nay là khoảng 30.000 ca, bao gồm khoảng 700 ca trên du thuyền Diamond Princess được cách ly ngoài khơi Yokohama vào tháng 2 vừa qua.
Sau hội nghị trực tuyến do Malaysia chủ trì ngày 25/7, các nền kinh tế tham gia diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đã tái khẳng định ưu tiên phục hồi kinh tế do đại dịch Covid-19.
Trong một tuyên bố chung, bộ trưởng phụ trách thương mại các nước APEC đã tái khẳng định cam kết "tích cực giảm bớt tác động kinh tế của đại dịch Covid-19, nhanh chóng đưa khu vực hướng tới lộ trình phục hồi kinh tế mau hồi phục, bao quát và hiệu quả. Tuyên bố có đoạn: "Chúng tôi công nhận tầm quan trọng của môi trường thương mại và đầu tư tự do, mở cửa, công bằng, minh bạch và có thể dự đoán để hồi phục kinh tế vào thời điểm đầy thách thức như vậy".
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế và Công nghiệp Malaysia Mohamed Azmin Ali cho biết, các nền kinh tế tham gia cũng đã nhất trí với một tuyên bố chung về tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa thiết yếu.