Văn phòng Deloitte tại 2 New Square ở London, Anh Quốc, vào ngày 02/10/2018. (Ảnh: Jack Taylor/Getty Images)

 

QUỐC TẾ - Các công ty kế toán, kiểm toán lớn trong nhóm Big Four từ lâu đã bị phía Mỹ để ý vì đã thông đồng với các công ty Trung Quốc. Tuy nhiên, giờ đây, có vẻ họ đã hết giá trị lợi dụng và bị chính phía Trung Quốc 'ghẻ lạnh'.

 

Hãng kế toán, kiểm toán (kế - kiểm) Deloitte đã bị Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) phạt 20 triệu USD vì bao che cho các công ty Trung Quốc trước sự giám sát của Mỹ. Mới đây, công ty này đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phạt hơn 30 triệu USD. Làm thế nào mà Deloitte lại rơi vào một vị trí khó xử ở giữa hai cường quốc như vậy? Một chuyên gia đã nói chuyện với The Epoch Times để phân tích lý do tại sao các công ty kế - kiểm Big Four (Deloitte, Ernst & Young, KPMG, PricewaterhouseCoopers) đang bị chính quyền ĐCSTQ trừ bỏ sau khi họ bị Mỹ trừng phạt.

 

Deloitte Touche Tohmatsu, văn phòng Bắc Kinh của Deloitte, một trong bốn công ty kế - kiểm lớn nhất thế giới, đã bị phạt 211,9 triệu CNY (khoảng 30,8 triệu USD) và bị đình chỉ hoạt động trong ba tháng vì không kiểm toán tốt China Huarong Asset Management, Bộ Tài chính Trung Quốc thông báo vào ngày ngày 17/03.

 

Trong khi đó, Bộ Tài chính Trung Quốc cáo buộc Huarong và các bộ phận đầu tư của công ty này đã thất bại trong việc kiểm soát rủi ro và nội bộ, đồng thời bóp méo nghiêm trọng thông tin kế toán từ năm 2014 đến năm 2019.

 

Huarong là công ty trung tâm trong hệ thống tài chính Trung Quốc. Công ty này là một trong bốn tổ chức do ĐCSTQ thành lập vào cuối những năm 1990 để giải quyết vấn đề nợ xấu tại các ngân hàng quốc doanh. Sau đó, Huarong đã xây dựng nên một đế chế bằng cách cho các công ty có rủi ro cao vay, sử dụng khả năng tiếp cận các khoản vay giá rẻ từ các ngân hàng quốc doanh, theo báo cáo của New York Times.

 

Bộ Tài chính Trung Quốc là cổ đông lớn thứ hai của công ty sau Citic Group thuộc sở hữu nhà nước. Báo cáo thường niên năm 2020 của Huarong cho thấy khoản lỗ ròng lớn 102,9 tỷ CNY (16 tỷ USD). Không lâu sau khi thông tin này được tiết lộ, ông Lai Xiaomin, cựu bí thư chi bộ ĐCSTQ và chủ tịch của Huarong đã bị kết án tử hình với các tội danh bao gồm tham ô và hối lộ.

 

Deloitte là một trong những công ty kế - kiểm “Big Four” của thế giới, cùng với PricewaterhouseCoopers (PwC), KPMG và Ernst & Young (EY). Các công ty Big Four đều có trụ sở tại các nước phương Tây. Trong số đó, Deloitte, PwC và Ernst & Young có trụ sở tại London; và KPMG có trụ sở tại Amstelveen, ngoại ô Amsterdam, Hà Lan.

 

Big Four thực hiện kiểm toán tài chính của nhiều công ty đại chúng và tư nhân nổi tiếng quốc tế. Theo báo cáo tháng 11 của Financial Times, 99% công ty thuộc Financial Times Stock Exchange (FTSE) 100 và 87% công ty thuộc FTSE 250 được kiểm toán bởi Big Four. Tại Mỹ, các công ty trên S&P 500 hầu như được kiểm toán độc quyền bởi các công ty Big Four.

 

Một lá cờ bên ngoài trụ sở Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) ở Washington, D.C., Mỹ, vào Thứ Tư, ngày 23/02 2022. (Ảnh: Al Drago/Bloomberg qua Getty Images)

 

 

Ở Trung Quốc, Big Four đã kiểm toán cho gần 1/4 trong số 98 doanh nghiệp nhà nước trung ương của Trung Quốc vào năm 2021, theo bài báo vào tháng 3 của China Project. Theo Bộ Tài chính Trung Quốc, Big Four đã ghi nhận doanh thu 20,6 tỷ CNY (3 tỷ USD) từ các hoạt động tại Trung Quốc vào năm 2021.

 

Thông đồng sâu rộng

Tuy nhiên, trong nhiều năm, các chi nhánh tại Trung Quốc của Big Four đã từ chối cung cấp cho Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) các tài liệu kiểm toán của các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ. Bảo mật dữ liệu được viện dẫn như là cái cớ bao che cho gian lận kế toán của các doanh nghiệp trung ương của ĐCSTQ.

 

Vào tháng 12/2012, SEC đã đệ trình thủ tục hành chính chống lại các chi nhánh Trung Quốc của Big Four và một công ty kế - kiểm lớn khác của Mỹ vì đã từ chối cung cấp hồ sơ kiểm toán của chín công ty Trung Quốc bị nghi ngờ gian lận kế toán. Vào tháng 02/2015, SEC đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các bộ phận tại Trung Quốc của các công ty kế - kiểm Big Four vì từ chối xuất trình tài liệu. Mỗi công ty kế - kiểm đã trả 500.000 USD để dàn xếp vụ việc.

 

Vào ngày 19/03, ông David Huang, một nhà kinh tế học làm việc tại Mỹ, nói với The Epoch Times rằng, từ vụ việc ĐCSTQ đổ lỗi cho Deloitte về những tổn thất của Huarong và từ cáo buộc của SEC rằng Big Four đã từ chối giao nộp hồ sơ kiểm toán của họ, “không khó để thấy rằng 'Big Four' có một lịch sử lâu dài trong việc 'hợp tác chéo ở mức độ sâu sắc' với các công ty Trung Quốc và rằng quy mô của nó là tương đối lớn, sâu sắc và rộng".

 

Tệ hơn nữa, ông Huang cho biết, các công ty kiểm toán, vốn được cho là “người gác cổng”, vẫn đang thông đồng với các công ty được kiểm toán.

 

 

Vụ việc của RYB

Vào tháng 02/2021, một nhân viên của Deloitte đã đăng thông tin về những bất thường trong hoạt động kiểm toán lên mạng. Trong một bài thuyết trình PowerPoint được lan truyền trên mạng xã hội, người tố giác này đã đưa ra những cáo buộc về các vụ việc liên quan đến 10 khách hàng. Theo thông tin, khi Deloitte đang kiểm toán công ty giáo dục Trung Quốc RYB Education vào năm 2017, một thành viên của dự án kiểm toán đã nói với người tố giác rằng “đừng cẩn thận như vậy, hãy điền các con số [vào tài liệu]” khi người tố giác phát hiện ra số tiền kiểm toán không khớp với số tiền trên hóa đơn thực tế.

 

Người tố giác cũng cáo buộc rằng hầu hết các chi phí hành chính được liệt kê bởi một công ty con của RYB Educations thực chất là các khoản mua sắm ở nước ngoài và chi phí cho các giám đốc điều hành và con cái của họ. Một ví dụ là học phí chơi gôn cho con của người sáng lập ở New York.

 

Trường mẫu giáo RYB Education ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 24/11/2017. Ngôi trường này là trung tâm của một vụ bê bối lạm dụng. (Ảnh: Nicolas Asfouri/AFP/Getty Images)

 

 

Theo người tố cáo, để ngăn hành vi kế toán sai trái bị đưa ra ánh sáng, một cộng sự của Deloitte đã quyết định xác định chi phí chung (overhead) là một hạng mục kế toán không cần xem xét chi tiết trong quá trình kiểm toán trước khi niêm yết của RYB Education ở New York.

 

Người tố giác cho biết cộng sự Deloitte phụ trách dự án kiểm toán RYB đã nhận được thẻ quà tặng thẩm mỹ viện trị giá hàng chục nghìn CNY từ RYB Education. Điều này đã làm tăng đáng kể phí kiểm toán. Theo báo cáo thường niên của công ty, vào năm 2017, năm RYB Education niêm yết, phí kiểm toán đã tăng lên 1,52 triệu USD từ 240.000 USD vào năm 2016.

 

RYB được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán New York vào tháng 09/2017. Ngay sau đó, công ty đã vướng vào rắc rối. Vào tháng 11/2017, các cáo buộc lạm dụng tại một trường mẫu giáo thuộc sở hữu của công ty đã được đưa ra ánh sáng. Pomerantz LLP, một công ty luật kỳ cựu ở Phố Wall, đã đệ đơn kiện ở New York cáo buộc rằng RYB đã đưa ra những tuyên bố sai lệch và có tính lừa dối nghiêm trọng về hoạt động kinh doanh, vận hành và chính sách tuân thủ của công ty, đặc biệt có liên quan tới việc công ty không thiết lập các chính sách an toàn để ngăn chặn hoặc khắc phục tình trạng lạm dụng. Hành vi của công ty khiến giá trị cổ phiếu bị thổi phồng và dẫn đến những tổn thất đáng kể sau đó cho các nhà đầu tư.

 

Vào tháng 09/2022, SEC đã cáo buộc chi nhánh của Deloitte tại Trung Quốc không tuân thủ các yêu cầu kiểm toán cơ bản của Mỹ trong quá trình kiểm toán các công ty nước ngoài niêm yết trên sàn giao dịch của Mỹ. Deloitte liên tục yêu cầu khách hàng tự chọn mẫu kiểm tra và tự chuẩn bị tài liệu kiểm toán của riêng họ. Deloitte làm ra vẻ đã thực hiện các bài kiểm tra cần thiết đối với báo cáo tài chính của khách hàng trong khi thực tế không phải vậy. SEC đã phạt Deloitte-Trung Quốc 20 triệu USD.

 

Chỉ sáu tháng sau, Deloitte bị chính quyền ĐCSTQ phạt 211,9 triệu CNY.

 

 

'Giá trị lịch sử' đã hết

Manh mối đầu tiên về kế hoạch trấn áp Big Four của ĐCSTQ đã xuất hiện vào tháng 02/2023.

Tại thời điểm đó, Bloomberg đưa tin rằng, chính quyền ĐCSTQ đã ra lệnh cho các công ty nhà nước chấm dứt hợp đồng với các công ty kế - kiểm Big Four. Các doanh nghiệp nhà nước của ĐCSTQ, đặc biệt là những doanh nghiệp liên quan đến công nghệ tiên tiến, được chính quyền yêu cầu sử dụng các hãng kiểm toán Trung Quốc để hỗ trợ ngành kiểm toán địa phương và “bảo vệ dữ liệu doanh nghiệp nhà nước”.

 

Biểu tượng của Deloitte. (Ảnh: Tim Boyle/Getty Images)

 

 

Tại sao các công ty Big Four, vốn từng giúp các công ty Trung Quốc niêm yết thành công tại Mỹ, giờ lại rơi vào tầm ngắm của ĐCSTQ?

 

Theo ông Huang, có một số lý do khiến chính quyền ĐCSTQ nhắm mục tiêu tới các công ty kế - kiểm mà họ từng cho là hữu ích.

 

Trước hết, sự hỗ trợ của Big Four đối với các doanh nghiệp Trung Quốc là con dao hai lưỡi: trong khi nó giúp các công ty Trung Quốc vượt qua sự dò xét của SEC và được niêm yết tại Mỹ, thì việc bỏ qua gian lận cũng dẫn đến việc mất mát các tài sản thuộc sở hữu nhà nước ở Trung Quốc.

 

Thứ hai, mức phạt 20 triệu CNY của SEC đối với văn phòng Deloitte ở Bắc Kinh cho Trung Quốc biết rằng Mỹ nhận thức rõ về các vấn đề của công ty này.

Ông nói “'Giá trị lịch sử' của Deloitte đã đi tới điểm kết thúc. Việc yêu cầu Deloitte ‘đơn phương giúp đỡ’ trong tương lai là không thực tế nữa”.

 

Hơn nữa, trong mắt ĐCSTQ, các công ty kế - kiểm Big Four đều do phương Tây kiểm soát. Đặc biệt, Mỹ đã giương cao thanh kiếm từ Đạo luật về trách nhiệm giải trình của các công ty nước ngoài, vốn được ký thành luật vào năm 2020. Luật hạn chế quyền tiếp cận thị trường vốn của Mỹ đối với các công ty đại chúng nước ngoài nếu Mỹ không thể kiểm tra đầy đủ hoạt động kiểm toán của họ do can thiệp từ các chính phủ nước ngoài.

 

Vào tháng 08/2022, ĐCSTQ đã ký một thỏa thuận và hứa hẹn sẽ chuyển giao tài liệu kiểm toán của các công ty niêm yết tại Mỹ và cho phép Ủy ban Giám sát Kế toán Công ty Đại chúng (PCAOB) (của Mỹ) tiến hành kiểm tra và điều tra theo tiêu chuẩn của Mỹ.

 

Thỏa thuận này khiến các công ty kế - kiểm trong Big Four gặp khó khăn trong việc hợp tác với ĐCSTQ.

 

Kể từ khi PCAOB bắt đầu điều tra các công ty Trung Quốc vào tháng 9, khoảng 60 công ty tư nhân và nhà nước Trung Quốc niêm yết tại Hong Kong đã thay đổi hãng kiểm toán. Ông Huang cho biết, việc rời xa Big Four cho thấy ĐCSTQ muốn tiếp tục nhận đầu tư quốc tế vào các lĩnh vực không cốt lõi nhưng vẫn duy trì việc “có tiếng nói và quyền kiểm soát” đối với dữ liệu kinh tế cốt lõi.

 

Ông nói: “ĐCSTQ muốn loại bỏ Mỹ và Châu Âu, bởi vì nếu họ có thể tìm thấy ‘sự cân bằng mong manh trong vấn đề này’, thì họ có thể kiểm soát các thỏa thuận để các công ty cụ thể ‘ra nước ngoài’ vì lợi ích tối đa về kinh tế".

 

(Theo The Epoch Times)

(ntdvn.net, Bảo Nguyên biên dịch)