Ảnh chụp đảo Minamitorishima, phía nam Nhật Bản, nơi được cho là có trữ lượng lớn các nguyên tố đất hiếm. (Ảnh: Wikimedia Commons)
Nhật Bản đã phát hiện hơn 200 triệu tấn nốt sần mangan (manganese nodule) giàu kim loại hiếm tại một mỏ khoáng sản ở dưới biển sâu gần một hòn đảo biệt lập trong vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. Hàm lượng cobalt trong đó tương đương với khoảng 75 năm tiêu thụ trong nước của Nhật Bản, và hàm lượng niken tương đương với khoảng 11 năm tiêu thụ.
Đại học Tokyo và Quỹ Nippon đã công bố thông tin này tại cuộc họp báo chung ở Tokyo, Nhật Bản vào chiều thứ Sáu (21/06). Năm 2016, một nhóm nghiên cứu từ Đại học Tokyo và các tổ chức khác đã phát hiện ra các mỏ mangan ở vùng biển gần đảo Minatori thuộc quần đảo Ogasawara, phía cực đông của Nhật Bản.
Quỹ Nippon Nhật Bản đã tiến hành thăm dò chi tiết từ tháng Tư đến tháng Sáu năm nay và cuối cùng xác nhận có 230 triệu tấn nốt sần mangan dưới đáy biển ở độ sâu 5,500 mét nước và trong diện tích khoảng 10,000 km vuông. Dựa trên phân tích các mẫu thu thập được, trữ lượng ước tính khoảng 610,000 tấn coban và 740,000 tấn niken.
Quỹ Nippon sẽ tìm kiếm sự hợp tác với các công ty ở châu Âu và Hoa Kỳ có công nghệ khai thác nốt sần mangan ở dưới biển sâu. Chi phí khai thác ban đầu ước tính vượt quá 5 tỷ yên (khoảng 31 triệu USD), chủ yếu do Quỹ Nippon đầu tư. Trường Đại học Tokyo sẽ tiếp tục giúp đỡ cho dự án này từ góc độ học thuật.
Đoàn nghiên cứu dự kiến bắt đầu khai thác thử nghiệm vào năm 2025, mỗi ngày sẽ thu về hàng ngàn tấn nốt sần mangan để cung cấp cho các nhà máy luyện kim của Nhật Bản. Quỹ Nippon cũng dự kiến thành lập một công ty tư nhân liên doanh, với mục tiêu thương mại hóa dự án, sớm nhất là vào năm 2026.
Nốt sần mangan (còn gọi là nốt sần đa kim) là một nguồn tài nguyên chiến lược có ứng dụng rất rộng rãi. Nốt sần mangan có kích thước bằng nắm tay được tạo thành từ oxit sắt và mangan, chứa khoảng 20% mangan, dưới 1% cobalt và niken. Cả ba nguyên tố này đều được sử dụng trong sản xuất pin, bao gồm cả pin xe điện.
Ngoài nốt sần mangan, ngoài khơi gần đảo Minamitorishima còn phát hiện được các “lớp vỏ giàu cobalt” (một loại khoáng sản chứa kim loại hiếm) và “bùn đất hiếm” (chứa các vật liệu được sử dụng rộng rãi trong sản xuất công nghiệp cường độ cao). Tuy nhiên, các vấn đề về chi phí và kỹ thuật khiến cho việc khai thác dưới biển sâu và tinh chế trở thành một nhiệm vụ rất khó khăn.
(Epochtimes Việt ngữ; Vương Quân Nghi thực hiện, Hoa Hưng biên dịch)
(Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ)