Ông chủ mạng X Elon Musk. © Czarek Sokolowski / AP

 

 

Tối ngày 23/08/2024, cảnh sát Pháp bắt giữ ông chủ mạng Telegram, Pavel Durov, với gần một tỉ người sử dụng tại một phi trường gần Paris. Vụ việc gây chấn động : Lần đầu tiên lãnh đạo một mạng xã hội quy mô lớn như vậy bị bắt giữ tại Âu châu. Một trong những người lên tiếng phản đối đầu tiên và mạnh mẽ nhất là tỉ phú Mỹ Elon Musk, nhân danh bảo vệ quyền tự do ngôn luận.

 

Nhưng vấn đề không chỉ liên quan riêng đến quyền tự do ngôn luận. Truyền thông Pháp ghi nhận việc tạm giữ ông chủ Telegram cũng là một ‘‘cảnh cáo’’ của Liên Âu gửi đến ông chủ của mạng xã hội X nổi tiếng, với các cáo buộc liên quan đến những hoạt động vi phạm pháp luật quy mô lớn được dung túng trên mạng xã hội này.

 

 

Vì sao nói đây là một cảnh cáo của Liên Âu đối với Elon Musk ? 

 

Vụ bắt giữ Pavel Durov diễn ra vào dịp tròn một năm ngày Ủy Ban Âu Châu ra Quy chế giám sát kỹ thuật số Âu châu, gọi tắt là DSA - Digital Services Act (ngày 25/08/2023). Đây là các quy định buộc các mạng xã hội có quy mô hơn 45 triệu người sử dụng hàng tháng tại Liên Âu phải tuân thủ các đòi hỏi của Liên Âu về giám sát và minh bạch, nhằm bảo vệ môi trường thông tin trên mạng. 

 

Kể từ tháng 12/2023, mạng X (tức Twitter cũ) bị Ủy Ban Âu Châu chính thức mở điều tra, đặc biệt liên quan đến hai mảng chính. Thứ nhất là việc ‘‘không tuân thủ các nghĩa vụ trong việc chống lại các nội dung bất hợp pháp và các hoạt động bóp méo thông tin’’ và thứ hai là nghĩa vụ ‘‘tuân thủ tính minh bạch’’. Ngày 12/07/2024 vừa qua, về mảng ‘‘minh bạch’’ trong cuộc điều tra này, Ủy Ban Âu Châu đã đưa ra một nhận định sơ bộ, theo đó mạng xã hội này đã vi phạm nhiều quy định DSA của Âu châu, trong đó có quy định về minh bạch trong lĩnh vực quảng cáo, cũng như việc tạo điều kiện để giới điều tra truy cập các dữ liệu.

 

 

Musk - đối thủ hàng đầu của Cơ chế giám sát kỹ thuật số Âu châu DSA

 

Hiện tại, theo nhật báo kinh tế Les Echos, dẫn lời một số người thân cận với ủy viên Âu châu phụ trách thị trường Nội Địa, Thierry Breton, cuộc điều tra của Ủy Ban Âu Châu đang trong ‘‘giai đoạn đối chất’’. Các luật gia của mạng X đang tiếp cận với toàn bộ các bằng chứng mà Ủy Ban Âu Châu thu thập được, và sẽ phải chuẩn bị các phản hồi. Trong những tuần tới, và có thể những tháng tới, Ủy Ban Âu Châu sẽ phải đưa ra các quyết định cuối cùng, rất có thể là với một án phạt tiền kèm theo.

 

Về mảng thứ nhất, ‘‘chống lại các nội dung bất hợp pháp và các hoạt động bóp méo thông tin’’, theo Les Echos, kể từ khi Liên Âu chính thức mở điều tra, mạng xã hội X của tỉ phú Elon Musk đã có một số hợp tác, đặc biệt trong giai đoạn bầu cử Nghị Viện Âu Châu, đầu tháng 6/2024. Một trong các kết quả thấy rõ tác động của quy định DSA của Âu châu đến X là mạng xã hội này đã hoãn tung ra GROK, tức dịch vụ Trí thông minh nhân tạo trên X, đến sau kỳ bầu cử Âu châu. Dịch vụ Trí thông minh nhân tạo này bị nghi ngờ là phương tiện phát tán tin giả, tin bịa đặt quy mô lớn. Theo ủy viên phụ trách Thị trường Nội Địa Liên Âu, thái độ hợp tác của mạng X sẽ được xem xét thích đáng. Kết quả sơ bộ về mảng điều tra các nội dung bất hợp pháp và bóp méo thông tin sẽ được công bố trong những tháng tới.

 

 

Án phạt 6% doanh thu toàn cầu… và mạng có nguy cơ bị đình chỉ

 

Trên thực tế, bất chấp một số nhân nhượng, theo giới quan sát, mạng xã hội của tỉ phú Elon Musk vẫn tỏ ra rất cứng rắn với Liên Âu. Ngày 12/08/2024, ủy viên Âu châu phụ trách thị trường nội địa gửi một công văn đến ông chủ mạng X để nhắc nhớ về vấn đề này. Đáp lại cảnh báo của Liên Âu, Elon Musk tung lên mạng X ‘‘những lời lẽ miệt thị’’. Căng thẳng giữa Liên Âu và mạng X được công chúng chú ý theo dõi. Công văn của ủy viên Âu châu gửi tỉ phú Mỹ thu hút đến 95 triệu người xem chỉ trong ít ngày.

 

Hệ quả cuộc đọ sức này có thể rất lớn. Bởi về nguyên tắc, án phạt đối với một công ty vi phạm quy định DSA của Liên Âu có thể lên đến 6% doanh thu toàn cầu hàng năm, 6% tiền phạt nói trên không phải chỉ của riêng mạng X, mà của công ty mẹ, tức bao gồm doanh thu của hãng xe hơi Tesla, và công ty vũ trụ SpaceX…. Nếu tái phạm, theo quy định của Âu châu, mạng xã hội liên quan có thể bị ngừng hoạt động tại thị trường 450 triệu người tiêu dùng của Âu châu. 

 

Theo giới quan sát, Pavel Durov và Elon Musk được ghi nhận như là hai ông chủ mạng xã hội có quan điểm tương đồng về chủ trương bảo vệ tuyệt đối các hoạt động trên mạng xã hội, nhân danh tự do ngôn luận, gần như bất hợp tác với đòi hỏi hợp tác, từ phía chính quyền các nước. Tuy nhiên chủ trương này cũng bị cáo buộc là dung dưỡng như hoạt động thông tin phạm pháp đủ loại trên mạng, từ gieo rắc tin giả, thù hận. Vụ cảnh sát Pháp bắt giữ Pavel Durov, ông chủ mạng Telegram, để điều tra về các cáo buộc ‘‘đồng lõa’’ về các hành động phạm pháp trên mạng, chỉ gần hai tuần sau phản ứng khinh thường của chủ nhân mạng X đối với đại diện của Liên Âu, được nhiều người ghi nhận là một cảnh cáo gián tiếp nhắm vào tỉ phú Mỹ. 

 

 

Mạng X ‘‘gần như bất khả xâm phạm’’ và cuộc bạo động bài ngoại ở Anh

 

Sau gần một năm Liên Âu ban hành các quy định giám sát các mạng xã hội DSA, theo ghi nhận của Ủy Ban Âu Châu tình hình đã được cải thiện một phần. Khoảng 20 tập đoàn lớn, với các mạng xã hội như Tiktok, Facebook, Linkedln, … các nền tảng tìm kiếm như Google, hay mạng thương mại điện tử, như Amazon… đã hợp tác. Tuy nhiên, mạng X vẫn được coi là một thách thức lớn.

 

Nhiều nhân vật quan sát nói đến tình trạng mạng X được dung túng đến mức ‘‘gần như bất khả xâm phạm’’. Trong cuộc bạo động bài ngoại dữ dội chưa từng có tại Anh từ 13 năm nay, bùng lên hồi tháng 7 – đầu tháng 8/2024, mạng xã hội của tỉ phú Elon Musk bị truyền thông Anh và giới chuyên gia mạng cáo buộc đã góp phần đáng kể vào việc thổi bùng lên ngọn lửa thù hận. Mạng X bị tố cáo là không gian ngôn luận tự do của giới khủng bố, ấu dâm, và các thành phần cực hữu, theo cáo buộc của Imran Ahmed, giám đốc tổ chức phi chính phủ Anh quốc về phòng chống hận thù trên mạng CCDH. 

 

Tuy nhiên, chính quyền Anh hiện gần như thúc thủ trước mạng X, bởi thiếu các quy định pháp lý. Trường đấu chống lại việc lợi dụng các mạng xã hội vào các hoạt động phạm pháp giờ đây diễn ra trước hết tại Âu châu. Theo giám đốc ONG phòng chống hận thù trên mạng, Elon Musk là một doanh nhân, chắc chắn ông ta biết phải cân nhắc làm gì có lợi, để có thể tiếp tục các hoạt động kinh doanh tại Âu châu.

 

(Theo RFI Việt ngữ)