Henry Kissinger (Ảnh: SBS)

 

Henry Kissinger là Ngoại trưởng Hoa Kỳ từ năm 1973 đến năm 1977 dưới thời Tổng thống Richard Nixon và Gerald Ford, và trước đó giữ chức Cố vấn An ninh Quốc gia. Ông được trao giải Nobel Hòa bình năm 1973 vì có công chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam - một vai trò gây nhiều tranh cãi, đã qua đời vào hôm thứ Tư, thọ 100 tuổi.

 

Heinz Alfred Kissinger, sau này khi sang Mỹ đổi tên thành Henry Kissinger, sanh ra trong một gia đình người Đức gốc Do Thái năm 1923 tại thành phố Fürth trong vùng Bavaria, nước Đức.

 

Năm 1938, gia đình ông di cư qua New York để lánh nạn Đức Quốc Xã, ông nhập quốc tịch Mỹ năm 1943 và bị động viên gia nhập Quân Đội Mỹ.

 

Sau khi giải ngũ, Kissinger vào học ở Đại học Harvard và đậu tiến sĩ hạng ưu.

 

Cuộc tranh cử tổng thống giữa Hubert Humphrey và Richard Nixon năm 1968 là cơ hội giúp Kissinger chính thức bước vào con đường hoạt động chính trị.

 

Nhiều người ủng hộ Việt Nam Cộng Hoà quy lỗi cho ông Kissinger là đã tiếp tay với cộng sản miền Bắc để thôn tính miền Nam đưa tới sự cáo chung của chế độ Việt Nam Cộng Hoà.

 

Những người khác cho rằng điều mà ông Kissinger làm chỉ là chấm dứt sự can dự của người Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.

 

Tiến sĩ Larry Berman, một chuyên gia về chính trị và chính sách đối ngoại từng nghiên cứu về các nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ, cũng là một chuyên gia về chiến tranh Việt Nam, nói đó có thể là một trong những vai trò gây nhiều tranh cãi nhất của ông Kissinger.

"Tôi nghĩ các tài liệu lịch sử đã chứng minh việc này. Ông ta đã đánh lạc hướng miền Nam Việt Nam rồi nuốt lời hứa với Tổng thống Thiệu."

"Ông ấy quan tâm hơn tới việc thương thuyết với Lê Đức Thọ của Bắc Việt hơn là ông Thiệu, và việc ông đi đêm với Hà Nội mà không hề tham khảo ý kiến của đồng minh Việt Nam Cộng hòa, dẫn đến một ‘hiệp định tự sát’ đối với miền Nam.”

 

Năm 1973 hai ông Kissinger và Thọ được trao giải Nobel Hòa bình sau khi Hiệp định Paris được ký kết nhưng chỉ có ông Kissinger nhận giải.