(Ảnh minh họa: g0d4ather/ Shutterstock)

 

 

Huawei đang thử nghiệm chip trí thông minh nhân tạo (AI) mới Ascend 910C, hy vọng thách thức vị thế thị trường của NVIDIA. Buôn lậu chip đã thúc đẩy sức mạnh AI quân sự của Trung Quốc, cho thấy có vấn đề trong hiệu quả kiểm soát chip của Mỹ đối với Trung Quốc.

 

 

Chip AI của Huawei thách thức NVIDIA.

 

Theo WSJ ngày 13/8, Huawei sắp ra mắt chip AI mới có tên Ascend 910C với hiệu năng có thể vượt xa các sản phẩm khác cùng loại hiện có của Huawei. Công ty tuyên bố rằng chip AI sắp ra mắt của họ sẽ sánh ngang với GPU AI H100 của NVIDIA – một trong những sản phẩm AI bán chạy nhất ở Trung Quốc trước khi Bộ Thương mại Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt.

 

Vì vậy, sự cạnh tranh trên thị trường lúc này sẽ trở nên khốc liệt hơn khi Ascend 910C của Huawei cạnh tranh với H100 của NVIDIA.

 

Tuy nhiên, Huawei vẫn phải đối mặt với một số vấn đề, đặc biệt là chậm trễ trong sản xuất các chip hiện có của hãng. Do Huawei không thể đáp ứng nhu cầu lớn nên một số công ty Trung Quốc đã lựa chọn giải pháp thay thế của NVIDIA (H20 hoặc 4090/4090D). Trong bối cảnh về các hạn chế tiếp theo của Mỹ, Huawei lo ngại họ có thể bị tước đi các linh kiện và máy móc cần thiết để xây dựng chuỗi cung ứng ổn định, tuy nhiên Huawei cho biết họ không bi quan về tương lai.

 

Được biết, các công ty Trung Quốc như ByteDance và Baidu đang thảo luận về việc mua chip AI Huawei 910C. Có tin đồn rằng các công ty này sẽ đặt hàng chung 70.000 chip trị giá tương đương 2 tỷ USD, từ đó có thể suy ra giá của một con chip là khoảng 28.000 USD.

 

Đáng chú ý, chuyên gia Dylan Patel của SemiAnalysis tuyên bố rằng Huawei 910C hoạt động tốt hơn chip AI Blackwell B20 đơn giản hóa của NVIDIA. Vì có tin đồn rằng chip AI Blackwell B20 không được Tòa Bạch Ốc cho phép [xuất cảng sang Trung Quốc], do đó Huawei có thể sẽ chiếm được thị phần khổng lồ của NVIDIA. Với khả năng duy trì nguồn cung ổn định đối với các quy trình hiện có, người ta cho rằng vào năm 2025 Huawei có thể bán được 1,3 triệu đến 1,4 triệu chip 910C.

 

Do ảnh hưởng của xung đột chính trị, giới phân tích cho rằng sự thống trị của NVIDIA tại thị trường Trung Quốc trong tương lai sẽ khó duy trì.

 

 

Hiệu quả biện pháp kiểm soát của Mỹ bị nghi ngờ

 

Chính phủ Mỹ kể từ tháng 10/2022 đã áp đặt các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với hoạt động xuất cảng chip sang Trung Quốc, nhằm hạn chế khả năng Trung Quốc mua và sản xuất chip bán dẫn cao cấp cho mục đích quân sự. Nhưng có bằng chứng cho thấy vô số công ty bình phong và các hoạt động buôn lậu kiểu “tằm ăn dâu” có thể đã giúp phía thực thể Trung Quốc có đủ chip để đáp ứng nhu cầu đào tạo AI quân sự cho quân đội, đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả lệnh cấm chip của Mỹ đối với Trung Quốc. Các chuyên gia liên quan cho rằng Washington nên thay đổi suy nghĩ về lệnh cấm này.

 

Cục Công nghiệp và An ninh (BIS) của Bộ Thương mại Mỹ vào ngày 7/10/2022 đã ban hành các quy định mang tính bước ngoặt về kiểm soát xuất cảng chip sang Trung Quốc. Loại bị kiểm soát xuất cảng bao gồm chip H100 tiên tiến nhất của công ty công nghệ NVIDIA, nhưng các cuộc điều tra liên quan cho thấy Trung Quốc vẫn có thể có được con chip này số lượng lớn.

 

Nguồn tin vào ngày 12/8 từ trang tin Information của Mỹ tiết lộ, một công ty thiết bị điện ở miền đông Trung Quốc đã thông qua bên trung gian Malaysia mua được số lượng lớn máy chủ với tổng giá trị là 1,2 tỷ USD, những máy chủ này chứa tổng cộng khoảng 2400 chiếc chip cao cấp [NVIDIA]. Nguồn tin cho biết bên trung gian đã giúp bên mua Trung Quốc thành lập công ty bình phong ở Malaysia để che giấu danh tính Trung Quốc của người mua.

 

Theo NYT, nhiều tổ chức nghiên cứu khoa học Trung Quốc (bao gồm cả những tổ chức liên kết với Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc và Đại học Tôn Trung Sơn) đã sử dụng chip của NVIDIA, AMD và các công nghệ khác của Mỹ để phát triển quân sự như vũ khí nguyên tử, ngư lôi, trinh sát hình ảnh… Nghiên cứu hợp tác giữa NYT và Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng C4ADS (tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Washington), cho thấy hơn chục thực thể liên quan đến chính phủ Trung Quốc đã mua chip do Mỹ kiểm soát thông qua các kênh như các công ty bình phong. Một số thực thể này có quan hệ với quân đội Trung Quốc.

 

Báo NYT cũng cho biết, một thương gia điện tử ở Thâm Quyến đã giúp người mua Trung Quốc mua hàng trăm, thậm chí hàng ngàn con chip cao cấp bị cấm vận, trong đó có chip H100 và chip A100 cũng bị cấm bán cho các thực thể Trung Quốc.

 

Hồi tháng Bảy, WSJ có đưa tin, Trung Quốc tuyển sinh viên nước ngoài mang hàng hóa từ nước ngoài về, trả cho họ 100 USD mỗi con chip, thông qua các hình thức vận chuyển nhỏ lẻ liên tục chuyển về Trung Quốc những chip bị Mỹ cấm vận.

 

Theo một thông tin ngày 14/8 từ Đài VOA Mỹ, bằng cách thành lập các công ty bình phong ở nước ngoài và hợp tác với những người trung gian nước ngoài, một số khách hàng giàu có tại Trung Quốc chỉ trong một giao dịch đã có thể mua hơn 2000 chip NVIDIA H100.

 

 

Chuyên gia  phân tích Jacob Feldgoise, nghiên cứu dữ liệu tại Trung tâm An ninh và Công nghệ mới nổi của Đại học Georgetown, nói với VOA: “Ngay cả đối với những mô hình (AI) lớn nhất mà chúng tôi từng thấy, số lượng chip cần thiết để đào tạo các mô hình này không phải là hoàn toàn không thể có được đối với Trung Quốc”. “Nếu chúng tôi thấy một đơn đặt hàng (chip) trong số hàng nghìn đơn đặt hàng, tôi nghĩ điều đó cho thấy rằng Trung Quốc ít nhất có đủ số chip này để cho phép quân đội… có được số lượng lớn chip mà họ cần”, ông nói.

 

Theo thống kê của ngành, giá trung bình của một máy chủ chứa 8 chip NVIDIA H100 là 380.000 USD. Dựa trên tính toán này, Trung Quốc cần đầu tư tới 530 triệu USD để lách lệnh trừng phạt của Mỹ thông qua buôn lậu và mua số chip này cho mục đích quân sự.

 

Giới chuyên gia pháp lý tin rằng các hãng sản xuất chip lớn như NVIDIA và AMD nhìn chung đang tích cực hợp tác trong việc thực thi lệnh cấm xuất cảng sang Trung Quốc các sản phẩm và công nghệ chip của Mỹ, việc chip bị cấm vẫn tràn vào Trung Quốc là trách nhiệm thuộc về những bên trung gian.

 

Ông William Reinsch, giám đốc nghiên cứu kinh doanh quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nhận định, cuối cùng việc thực thi kiểm soát xuất cảng là một trò chơi “mèo vờn chuột”. Ông nói với VOA: “Nếu công ty của bạn bị đưa vào Danh sách Thực thể, bạn sẽ thành lập một công ty mới trên cùng một con phố với một cái tên khác”.

 

Ông Reinsch cho biết Bộ Thương mại Mỹ thiếu nguồn lực và vẫn điều tra thủ công từng đối tượng xuất cảng đáng ngờ. Hậu quả là họ luôn đi sau kẻ xấu một hoặc hai bước. Họ cố gắng hết sức để bắt kịp. Nhưng mỗi khi họ xác định và cấm một thực thể mới, lại có người lại thành lập một thực thể khác. Ông đề nghị chính phủ Mỹ nên tăng ngân sách cho Cục Công nghiệp và An ninh để có thể mua và áp dụng các công nghệ tiên tiến, bao gồm cả AI, nhằm giảm gánh nặng về nhân lực.

 

 

(Văn Long, Vision Times)