Dân biểu Hạ viện John Moolenaar (Cộng Hòa-Michigan), Chủ tịch Ủy ban Đặc Hạ viện về ĐCSTQ, nói trong một hội nghị bàn tròn ở Hoa Thịnh Đốn, hôm 23/05/2024. (Ảnh: Được đăng dưới sự cho phép của Ủy ban Đặc biệt Hạ viện về ĐCSTQ)

 

 

Các viên chức lập pháp cho biết Đảng Cộng sản Trung Quốc là một ‘địch thủ độc tài mới’ mà các đồng minh NATO phải đối mặt.

 

Hai viên chức lập pháp Hạ viện Hoa Kỳ đang thúc giục NATO thiết lập các văn phòng liên lạc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, vì liên minh xuyên Đại Tây Dương này đang phải đối mặt với những thách thức mới do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đặt ra.

 

Trong một tuyên bố hôm 11/07, các dân biểu John Moolenaar (Cộng Hòa-Michigan) và Raja Krishnamoorthi (Dân Chủ-Illinois), chủ tịch và là thành viên cấp cao của Đảng Dân Chủ trong Ủy ban Đặc biệt Hạ viện về ĐCSTQ, cho biết Tokyo có thể là một trong những địa điểm đặt văn phòng liên lạc.

 

Đề nghị của họ được đưa ra trong bối cảnh các đồng minh NATO gọi Trung Quốc cộng sản là “nhân tố chủ đạo” trong cuộc chiến của Nga với Ukraine trong một tuyên bố chung tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Hoa Thịnh Đốn. Hội nghị thượng đỉnh năm nay có sự tham gia của bốn đối tác Châu Á-Thái Bình Dương của NATO là Nhật Bản, Nam Hàn, Úc, và New Zealand.

 

Các viên chức lập pháp lưu ý rằng NATO đã được thành lập cách đây 75 năm để “thúc đẩy khả năng phòng thủ tập thể của các quốc gia chung chí hướng chống lại sự xâm lược của Liên Xô.”

 

Tuyên bố viết: “Ngày nay, những quốc gia đó và những nguyên tắc chung của họ đang bị đe dọa từ một địch thủ độc tài mới – Đảng Cộng sản Trung Quốc.”

 

“Việc NATO hiện nay kêu gọi Đảng Cộng sản Trung Quốc chấm dứt hậu thuẫn Nga đồng thời tái khẳng định sự trợ giúp của liên minh cho Ukraine là một bước tiến quan trọng đối với an ninh khu vực và toàn cầu, cũng như sự công nhận về tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đối với an ninh của các quốc gia thành viên NATO.”

 

Trong tuyên bố chung này, các quốc gia thành viên NATO cho biết Trung Quốc nên ngừng gửi tới Nga các vật liệu lưỡng dụng, gồm các linh kiện vũ khí và vật liệu thô.

 

 

Có thể mở văn phòng ở Nhật Bản

Tuyên bố viết: “Để tiếp tục tiến bộ này và tăng cường hơn nữa an ninh quốc tế, liên minh nên mở thêm các văn phòng liên lạc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, gồm cả ở Tokyo, đồng thời kết hợp với Philippines và các đối tác khác trong khu vực tại các hội nghị thượng đỉnh NATO trong tương lai.”

Ý tưởng thiết lập văn phòng liên lạc NATO tại Nhật Bản lần đầu tiên được đưa ra vào năm ngoái. Tháng 05/2023, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã công nhận ý tưởng của NATO về việc mở văn phòng tại đất nước của ông.

 

NATO có các văn phòng liên lạc tương tự tại nhiều quốc gia như Áo, Ukraine, và Thụy Sỹ.

 

Trong hội nghị thượng đỉnh NATO được tổ chức tại Hoa Thịnh Đốn từ ngày 09-11/07, NATO tuyên bố sẽ mở văn phòng liên lạc tại Amman, thủ đô của Jordan.

 

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã đến thăm Nhật Bản hồi tháng 01/2023. Ông nói trong một cuộc họp báo chung với ông Kishida, “Không có đối tác NATO nào gần gũi hoặc có năng lực hơn Nhật Bản.”

 

Ông Stoltenberg đã ca ngợi Nhật Bản trong hội nghị thượng đỉnh NATO ở Hoa Thịnh Đốn. Ông nói với các phóng viên khi ông Kishida đứng ngay cạnh: “Nhật Bản thực sự là một trong những đối tác thân thiết và có năng lực nhất mà NATO có.”

 

Cũng trong cuộc họp báo này, ông Kishida cho biết an ninh của khu vực Châu Âu-Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương “không thể tách rời” đồng thời công bố kế hoạch hợp tác an ninh sâu rộng hơn với NATO.

 

 

(Epochtimes Việt ngữ - Minh Anh lược dịch)

(Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times)

 

 

 

Frank Fang

BTV EPOCH TIMES TIẾNG ANH

 

Anh Frank Fang là một ký giả tại Đài Loan. Anh đưa tin về Hoa Kỳ, Trung Quốc và Đài Loan. Anh có bằng Thạc sĩ về khoa học vật liệu tại Đại học Thanh Hoa ở Đài Loan.