(Ảnh: cắt từ bài viết của Jack S.Levy)

 

Nguồn: Jack S. Levy, “The Diversionary Theory of War” (Chapter 11), in Manus I. Midlarsky (ed.), Handbook of War Studies (Boston: Unwin Hyman, 1989), pp. 259-288.

 

Biên dịch: Lê Thùy Trang | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp (nghiencuuquocte.org)

 

 

 

(tiếp theo phần đầu)

 

Thảo luận trên cho thấy mặc dù phần lớn các tài liệu thực nghiệm định lượng về mối quan hệ xung đột trong và ngoài nước và các bài điểm các tài liệu này đều cho rằng mối quan hệ này tương đương với giả thuyết con dê tế thần nhưng thật ra không phải vậy. Cơ chế con dê tế thần là một trong số các cơ chế nhân quả nhất định gây ra xung đột quốc tế từ xung đột nội bộ và ngược lại. Kết quả là, việc quan sát mối quan hệ thực nghiệm trong cách hành xử của các quốc gia giữa xung đột trong và ngoài nước không nhất thiết đồng ý với giả thuyết con dê tế thần. Sự kết hợp thực nghiệm đó có thể phản ánh (1) sự nội bộ hóa xung đột bên ngoài, (2) sự ngoại hóa xung đột trong nước thông qua các cơ chế can thiệp của (a) sự thay đổi cân bằng quyền lực giữa hai quốc gia hoặc (b) sự can thiệp từ bên ngoài vào công việc nội bộ của một quốc gia khác. Có thể phân biệt trường hợp 1 với giả thuyết con dê tế thần bằng việc sử dụng độ trễ thời gian, nhưng không thể phân biệt với trường hợp 2. Xác định người khởi xướng chiến tranh không phải lúc nào cũng giải quyết được vấn đề vì hành động đánh lạc hướng không nhất thiết phải là chiến tranh.[16] Nó có thể là một hành động chưa đến mức chiến tranh nhằm khiêu khích hoặc khiến mục tiêu bên ngoài tự bắt đầu một cuộc chiến thật sự. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể thấy sự khác nhau giữa giả thuyết con dê tế thần và giả thuyết nhóm trong/ nhóm ngoài. Giả thuyết nhóm trong/ nhóm ngoài thường xem xung đột bên ngoài là biến ngoại sinh và chấp nhận kết quả một chiều, trong khi giả thuyết con dê tế thần thừa nhận mối quan hệ qua lại sinh động giữa các điều kiện trong nước và xung đột bên ngoài và ngược lại.

 

 

Có một lý do khác giải thích tại sao giả thuyết con dê tế thần lại khác biệt về mặt phân tích so với mối quan hệ giữa xung đột trong và ngoài nước. “Xung đột” trong nước không phải là điều kiện cần để sử dụng vũ lực đánh lạc hướng chống lại một quốc gia khác nếu “xung đột” ở đây có nghĩa là các cuộc biểu tình, bạo động, tổng đình công, thanh trừng, khủng hoảng chính phủ lớn hoặc các hành động khác vốn thường được dùng để định nghĩa “xung đột” trong văn liệu định lượng. Có các điều kiện khác góp phần vào sự bất an của giới tinh hoa và tham vọng sử dụng vũ lực đánh lạc hướng dù không có xung đột nội bộ công khai. Ví dụ như các nước dân chủ được cho là có nhiều khả năng sử dụng vũ lực bên ngoài trong năm bầu cử, đặc biệt khi bầu cử diễn ra vào thời điểm kinh tế bị trì trệ (Ostrom và Job 1986; Russett 1989a). Do đó, câu hỏi chính ở đây không phải là mối liên hệ giữa xung đột trong và ngoài nước mà là dạng điều kiện nội bộ nào thường dẫn đến các hành động thù địch bên ngoài vì mục đích đánh lạc hướng dư luận trong nước. Chúng ta sẽ trở lại câu hỏi này trong phần tiếp theo.

 

 

 

 

-*-*-

 

 

[1] Nghiên cứu này được hỗ trợ bời Trung tâm An Ninh và Kiểm soát Vũ khí Quốc tế (ĐH Stanford), Tập đoàn Carnergie và Hội đồng Nghiên cứu Khoa học Xã hội/ Học bổng MarArthur Foundation về An ninh và Hòa bình quốc tế. Quan điểm ở đây không nhất thiết là quan điểm của các cơ quan tài trợ. Tác giả cảm ơn các lời bình luận và đề xuất hữu ích của Bud Duvall, John Frreman, Alexandre George, Pat James, Brian Job, Robert Pape, Joe Scolnick, Kack Snyder và David Sylvan.

 

[2] Ở các tài liệu khác tác giả đã nhấn mạnh sự tương phản giữa việc các nhà khoa học chính trị thiếu chú ý vào các nguồn nội bộ của xung đột nước ngoài và việc các nhà sử học hiện nay rất chú ý tới các yếu tố này (Levy 1988a; Iggers 1984). Lưu ý rằng gần đây có sự quan tâm trở lại đối với khái niệm của Kant về “Liên hiệp hòa bình” giữa các quốc gia dân chủ tự do (Doyle 1986). Xem Levy (1989) để biết một đánh giá chung về lý thuyết cấp độ xã hội của chiến tranh.

 

[3] Schumpeter (1939) cho rằng dù chiến tranh đã từng có chức năng phục vụ sự phát triển của quốc gia hiện đại thì giờ đây chiến tranh là “không có mục đích” và “phản văn minh”. Trong một đoạn được trích dẫn nhiều viết về cỗ máy chiến tranh và giới tinh hoa quân sự mà cỗ máy đó phục vụ, ông cho rằng cỗ máy “được tạo ra vì chiến tranh cần đến nó, nay đến lượt cỗ máy tạo ra cuộc chiến tranh mà nó cần” (trong Art và Jervis 1973, 296)

 

[4] Để biết cuộc thảo luận về thay đổi của Coser (1956) đối với cách nghĩ của Simmel (1956), xem Sylvan và Glassner (1985, chương 2). Họ cho rằng lý thuyết của Coser là mang tính “cơ giới” hơn lý thuyết của Simmel, nghĩa là ít nhạy cảm hơn đối với các biến số bối cảnh ảnh hưởng đến giả thuyết xung đột – cố kết, và rằng nó mang tính chức năng hơn về định hướng.

[5] Phương pháp thống kê được sử dụng bao gồm tương quan, hồi quy và phân tích yếu tố (Rummel, 1963; Tanter 1966), mô hình Markovia (Zinnes và Wilkenfeld 1971), phân tích tương quan chính tắc (canonical analysis) và phân tích đường dẫn (path analysis) (Hazelwood 1973). Một số nghiên cứu này có áp dụng độ trễ về thời gian còn một số thì không.

 

[6] Tính xác thực của bằng chứng về trường hợp Nga – Nhật bị Blainey nghi ngờ (1973, 76-77).

 

[7] Có những giải thích tương tự về chủ nghĩa đế quốc xã hội Anh quốc trong 4 thập kỷ trước Thế chiến I (Semmel 1960).

 

[8] Để biết một phê phán đối với việc Lebow nhấn mạnh các biến số chính trị nội bộ trong các trường hợp này, xem Orme (1987).

 

[9] Khái niệm ngoại hóa và nội bộ hóa xung đột được Ward và Widmaier (1982) đề xuất nhưng tác giả có cách định nghĩa khác. Ward và Widmaier (1982,78) định nghĩa nội bộ hóa xung đột bên ngoài là tình huống mà một quốc gia A trở thành mục tiêu của tấn công quân sự của quốc gia khác bởi vì xung đột nội bộ của quốc gia A tạo ra sự yếu kém và cơ hội cho sự tấn công từ bên ngoài. Nhưng kết quả của quá trình này là xung đột bên ngoài giữa các quốc gia và các điều kiện dẫn tới xung đột này là xung đột nội bộ bên trong một quốc gia, ngay cả khi cơ chế nhân quả của quá trình này khác với việc tìm kiếm con dê tế thần. Vì lý do này tác giả phân loại nó là một dạng ngoại hóa xung đột trong nước. Tác giả định nghĩa sự nội bộ hóa xung đột nước ngoài như một quá trình mà qua đó xung đột nước ngoài có ảnh hưởng nhân quả đến xung đột trong nước. Những cơ chế nội bộ hóa và ngoại hóa có thể có ảnh hưởng tiêu cực cũng như tích cực, cho nên xung đột bên ngoài có thể làm giảm hay tăng xung đột trong nước (và ngược lại). Hơn nữa, hai quá trình này có thể có tác động qua lại lẫn nhau.

 

[10] Liên kết cuối cùng trong dây chuyền, sự giảm thật sự xung đột trong nước, có thể bị loại khỏi mô hình nếu chúng ta chỉ tập trung vào các quyết định dẫn đến việc tìm kiếm con dê tế thần hơn là hiệu quả thực sự của nó trong việc giảm xung đột nội bộ. Quyết định sử dụng vũ lực đánh lạc hướng dựa trên các mong đợi về ảnh hưởng chính trị nội bộ hơn là tính chính xác của những mong đợi này.

[11] Stohl (1980) báo cáo chỉ có một nghiên cứu duy nhất ( Kegley et al. 1978) về mối quan hệ tiêu cực giữa xung đột trong và ngoài nước.

 

[12] Xung đột ở A có thể tạo cơ hội cho đối thủ B tấn công C dựa trên dự đoán rằng A quá yếu và bị bận tâm nội bộ đến mức không thể phản ứng lại, điều tới lượt nó có thể khiến A can thiệp vì lý do đánh lạc hướng công chúng trong nước hay để cân bằng quyền lực (Levy 1982).

 

[13] Các ví dụ có thể bao gồm Chiến tranh thừa kế Tây Ban Nha (1700-1713), Chiến tranh thừa kế Ba Lan (1733-1738), chiến tranh thừa kế Áo (1740-1748) và chiến tranh thừa kế Bavaria (1778-1779)

 

[14] Điều kiện để xung đột trong nước có thể dẫn đến việc tìm kiếm con dê tế thần có thể hoàn toàn ngược lại: quốc gia mạnh hơn có thể dễ vận dụng việc đánh lạc hướng ra ngoài hơn quốc gia yếu vì sức mạnh của họ giúp giảm thiểu rủi ro quân sự nước ngoài. Sự khác biệt về điều kiện để hai quá trình này xảy ra củng cố thêm sự cần thiết phải phân biệt cơ chế nhân quả khác nhau dẫn đến mối quan hệ được giả thuyết hóa.

 

[15] Chú ý rằng các công cụ kinh tế và chính trị ít chi phí hơn so với can thiệp quân sự trong việc tác động tới kết quả đấu tranh quyền lực ở các quốc gia khác.

 

[16] Câu hỏi định nghĩa người bắt đầu chiến tranh như thế nào gặp phải một vấn đề phân tích khó khăn. Vấn đề này nhận được ít sự chú ý trong các tài liệu. Blainey (1973) đã không chú ý đến nó.

 

(nghiencuuquote.org)