Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken thảo luận về Trung Quốc tại Thính phòng Jack Morton tại Đại học George Washington, Hoa Kỳ, hôm 26/05/2022. (Ảnh: Alex Wong/Getty Images)

 

HOA KỲ - Hôm thứ Tư (26/10), Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken cáo buộc Trung Quốc phá hoại hiện trạng eo biển Đài Loan kéo dài hàng thập kỷ, và nhấn mạnh rằng Bắc Kinh đang nỗ lực "đẩy nhanh" tốc độ chiếm đóng hòn đảo.

 

Phát biểu tại một sự kiện do tờ Bloomberg tổ chức hôm 26/10, Ngoại trưởng Mỹ Blinken cho biết, Trung Quốc đã thay đổi sự đồng thuận cơ bản hàng thập kỷ giữa Washington và Bắc Kinh rằng, những khác biệt giữa hai bên eo biển sẽ được giải quyết một cách hòa bình.

 

Ông cho hay: "Điều đã thay đổi ở đây là: chính phủ Bắc Kinh không còn chấp nhận hiện trạng ở eo biển Đài Loan nữa, họ muốn đẩy nhanh quá trình thống nhất hòn đảo".

"Và theo tôi, họ cũng đã đưa ra quyết định về cách thức thực hiện, bao gồm việc gây áp lực nhiều hơn đối với Đài Loan, cưỡng bức, khiến cuộc sống của người dân hòn đảo trở nên khó khăn hơn bằng nhiều cách khác nhau. Họ hy vọng rằng điều đó sẽ đẩy nhanh quá trình thống nhất và không loại trừ việc sử dụng vũ lực".

 

Sự lên án mới nhất của ông Blinken đối với Trung Quốc là một phần của cuộc khẩu chiến giữa Mỹ và Trung Quốc, diễn ra ngay sau khi nước này kết thúc Đại hội 20 hôm 23/10.

 

Mỹ không can thiệp vào câu chuyện nội bộ của Trung Quốc

Ông Blinken cho biết Mỹ đang tập trung vào cách hình thành trật tự thế giới xung quanh Trung Quốc thông qua tăng cường quan hệ đối tác với các đồng minh, thay vì cố gắng gây ảnh hưởng đến nội bộ ĐCSTQ.

 

Ông Blinken nói rằng, Mỹ sẽ không làm bất cứ điều gì để định hình môi trường nội bộ của ĐCSTQ. Đây là những quyết định riêng của Bắc Kinh và Washington sẽ không can thiệp.

 

Hôm 24/10, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết trong một cuộc họp báo rằng, Đại hội 20 của ĐCSTQ sẽ "không làm thay đổi thái độ của Mỹ đối với Trung Quốc".

 

Ông nói “Chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc bao gồm cạnh tranh về các vấn đề an ninh trong khi vẫn tiếp tục hợp tác với Trung Quốc về các vấn đề toàn cầu như: biến đổi khí hậu và sức khỏe toàn cầu, chống ma túy cũng như không phổ biến vũ khí hạt nhân.”

 

Ông Price cũng cho biết, Mỹ sẽ tập trung vào việc quản lý cạnh tranh với Trung Quốc một cách có trách nhiệm. "Đây có lẽ là mối quan hệ song phương quan trọng nhất mà chúng tôi đang có".

 

Vấn đề Đài Loan là điểm nóng trong quan hệ Mỹ - Trung

Năm ngoái, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ nói với Quốc hội nước này rằng, Trung Quốc có thể tấn công Đài Loan trong vòng sáu năm.

 

Trong bài phát biểu trước Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ, Tổng Bí thư Tập Cận Bình nhắc lại rằng Bắc Kinh sẽ nỗ lực "thống nhất hòa bình" với Đài Loan dân chủ, nhưng không bao giờ hứa từ bỏ việc sử dụng vũ lực.

 

Ông Ma Xiaoguang, phát ngôn viên của Văn phòng phụ trách các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc, nói trong một cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh hôm 26/10 rằng, Trung Quốc sẵn sàng nỗ lực để "tái thống nhất" với Đài Loan.

 

ĐCSTQ chưa bao giờ cai trị Đài Loan, nhưng họ tuyên bố chủ quyền đối với hòn đảo.

 

Sau Cách mạng Tân Hợi (năm 1911), ngày 1/1/1912, ông Tôn Trung Sơn đã thành lập Chính phủ lâm thời tại Nam Kinh, tuyên bố lập nên Trung Hoa Dân Quốc và trở thành nước cộng hoà dân chủ đầu tiên ở châu Á được quốc tế công nhận. Sau cuộc nội chiến lần thứ hai (cuộc chiến tranh chấp quyền kiểm soát Trung Quốc giữa ĐCSTQ và Quốc dân Đảng), chính phủ trung ương của Trung Hoa Dân Quốc đã chuyển đến Đài Loan vào cuối năm 1949. Cộng đồng quốc tế thường sử dụng "Đài Loan" làm tên gọi thông dụng cho Trung Hoa Dân Quốc.

 

Ông Tạ Hà, chủ tịch Caixin Media, từng nói: “Một sự thật không thể chối cãi là quân đội ĐCSTQ chưa bao giờ chiếm một tấc đất của Đài Loan”.

 

Đài Loan nhận được hàng tỷ USD vũ khí tối tân từ Mỹ. Tổng thống Joe Biden đã nhiều lần tuyên bố rằng, Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan nếu hòn đảo này bị Trung Quốc xâm lược.

 

Ông Blinken nói hôm thứ 26/10 rằng "Tôi cho rằng, vấn đề eo biển Đài Loan nhận được rất nhiều sự quan tâm của công chúng. Trước tiên, tôi xin nói rõ với tất cả các bên liên quan rằng, thế giới không muốn chứng kiến ​​bất kỳ loại khủng hoảng nào đối với Đài Loan cũng như bất kỳ hình thức hủy diệt nào. Cộng đồng thế giới cho rằng, những khác biệt trên eo biển Đài Loan cần phải được giải quyết một cách hòa bình".

 

Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh để định hình các vấn đề quốc tế

Ông Blinken cho hay, Mỹ và Trung Quốc rõ ràng đang tham gia vào một cuộc cạnh tranh toàn cầu để định hình các vấn đề quốc tế. Trong đó, Bắc Kinh chống lại Mỹ để bảo vệ trật tự thế giới "phi tự do" của họ.

 

Ông Blinken khẳng định "Chúng tôi không tìm kiếm xung đột. Chúng tôi không muốn chiến tranh lạnh. Chúng tôi không cố gắng kiềm chế hoặc hạn chế Trung Quốc",

"Nhưng một lần nữa, chúng tôi xin khẳng định quyết tâm bảo vệ lợi ích và các giá trị của Mỹ. Một lần nữa, chúng tôi nhấn mạnh về một tuyên bố đã có từ một thập kỷ trước rằng, những khác biệt trên eo biển Đài Loan cần phải được quản lý và giải quyết một cách hòa bình".

 

Hôm 17/10 tại một sự kiện do Viện Hoover và Đại học Stanford đồng tổ chức, ông Blinken cho biết ĐCSTQ muốn thống nhất Đài Loan sớm hơn dự kiến.

 

Ngoại trưởng Mỹ cho hay: “Đã có những điều chỉnh trong cách tiếp cận của Bắc Kinh đối với Đài Loan trong vài năm gần đây”.

 

Ông Blinken nói “Thay vì giữ nguyên tình trạng hiện tại - vốn được thiết lập theo hướng tích cực, một quyết định quan trọng đã được [Trung Quốc] đưa ra rằng tình trạng hiện tại không còn được chấp nhận và rằng Bắc Kinh quyết tâm theo đuổi tái thống nhất ở thời điểm sớm hơn nhiều”.

“Và nếu các biện pháp hòa bình không hiệu quả, thì Trung Quốc sẽ sử dụng các biện pháp cưỡng ép; và nếu các biện pháp cưỡng ép không hiệu quả, có thể là các biện pháp vũ lực - để đạt được mục tiêu. Đó là những gì đang phá vỡ sâu sắc hiện trạng, đồng thời tạo ra căng thẳng nghiêm trọng”.

(ntdvn.net; Lam Giang-Theo The Epoch Times)