Ảnh chụp màn hình từ Youtube kênh PBS NewsHour.

 

 

QUỐC TẾ - Chính quyền của Tổng thống Biden đang thúc đẩy việc yêu cầu Tiktok tách khỏi công ty mẹ của Tiktok là ByteDance. Còn các quan chức Trung Quốc thì gửi tín hiệu đến ByteDance là không được bán Tiktok.

 

Vì sao Tiktok thà bị chặn còn hơn phải bán cho Mỹ? Có ba nguyên nhân thật sự ở đằng sau: Thứ nhất là chủ nghĩa dân tộc, thứ hai là Tiktok cần che đậy thuật toán của phần mềm và nhật ký trong quá khứ. Đây là vấn đề rất nghiêm trọng. Thứ ba là Tiktok cần hoạt động như một phần mềm gián điệp ở những nơi không bị chặn. Rốt cuộc đây là sự việc gì?

 

 

Trong chương trình 'Chính luận thiên hạ' đăng ngày 20/3, nhà bình luận các vấn đề thời sự - Giáo sư Chương Thiên Lượng đã nhìn nhận vấn đề này như sau.

 

Ngày 18/3, tờ Wall Street Journal đăng bài viết với tiêu đề: 'Trung Quốc đưa ra dấu hiệu phản đối việc Mỹ ép bán Tiktok'.

 

Trong đó nói rằng, những doanh nghiệp Mỹ có ý mua lại Tiktok đã lần lượt xuất hiện, bởi vì đây xác thực là một thương vụ rất tốt, có thể giúp những công ty Mỹ trở thành ông lớn trong lĩnh vực mạng xã hội trên Internet.

 

Hiện nay, chính phủ Trung Quốc đã ám chỉ rằng, sẽ không cho phép bất kỳ ai bán Tiktok cho Mỹ.

 

Trung Quốc chỉ trích nặng nề việc Mỹ muốn tước đi quyền kiểm soát của ByteDance đối với Tiktok. Theo những nhân sĩ quen thuộc với vấn đề, Trung Quốc đã gửi tín hiệu rõ ràng đến công ty mẹ của Tiktok là ByteDance rằng: Thà bị cấm chứ không được bán.

 

Trên thực tế, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết vào năm ngoái rằng: Nếu Tiktok bị bán thì sẽ liên quan đến vấn đề xuất khẩu công nghệ. Việc xuất khẩu công nghệ phải tuân theo pháp luật và quy định của Trung Quốc, cho nên nếu thật sự muốn bán Tiktok, đầu tiên phải đạt được sự chấp nhận của Bộ Thương mại Trung Quốc, không cho phép xuất khẩu những công nghệ như vậy. Nói cách khác, Trung Quốc lấy danh nghĩa bảo vệ công nghệ để cấm việc bán Tiktok.

 

Nhưng trên thực tế, Tiktok không có công nghệ nào xuất sắc cả, bởi vì Reels của Facebook hay là Shorts của Youtube cũng có những chức năng tương tự như Tiktok. Tiktok nếu có chức năng mạnh hơn thì đó là khả năng bán hàng.

 

Trên thực tế, tài nguyên của Tiktok không phải là công nghệ mà là hệ sinh thái với hơn mấy trăm triệu người dùng, đây mới là giá trị của Tiktok.

 

Hiện nay, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ là ông Steven Mnuchin đang thành lập một một nhóm các công ty để mua lại Tiktok. Cựu CEO của nhà phát hành game Activision Blizzard là ông Bobby Kotick đã truyền đạt ý định mua lại Tiktok cho ông Trương Nhất Minh (nhà sáng lập ByteDance). Ước tính giá mua lại Tiktok sẽ là hơn 100 tỷ đô-la Mỹ. Doanh thu năm ngoái của Tiktok là 20 tỷ đô-la Mỹ, nhưng Tiktok vẫn chưa có được lợi nhuận thực. Tiktok ở Mỹ hiện nay là đang cật lực 'đốt tiền', chính là muốn xây dựng ngành bán hàng tại Mỹ.

 

Vấn đề hiện nay là: Từ thái độ cứng rắn của Trung Quốc thì họ thật sự không muốn bán Tiktok hay đây chỉ là một sách lược để đàm phán với Mỹ?

 

Cựu Tổng biên tập của tờ 'Thời báo Hoàn cầu' là ông Hồ Tích Tiến, trong một chuyên mục đăng vào ngày Chủ nhật (17/3) đã nói rằng: 'Chỉ cần ByteDance có thái độ cứng rắn, thà đóng cửa Tiktok còn hơn bán cổ phần của mình, thì điều này sẽ gây áp lực ngược lên quá trình thông qua dự luật (cấm Tiktok). Một số nghị sĩ Mỹ và chính phủ Biden sẽ phải đối mặt với rủi ro chính trị nếu thật sự xoá Tiktok khỏi App Store của Mỹ'.

 

Theo góc nhìn của ông Hồ Tích Tiến thì Tiktok có thể thông qua sách lược như thế này để kích động người dùng và người sáng tạo nội dung nhằm gây áp lực lên Thượng viện ở mức độ lớn nhất. Nhưng Giáo sư Chương cho rằng: Dù cho áp lực của Mỹ lớn đến đâu thì Tiktok tuyệt đối không muốn bán. Giáo sư Chương đưa ra 3 lý do như sau.

 

Thứ nhất là do tuyên truyền chủ nghĩa dân tộc của Đảng cộng sản Trung Quốc (CCP).

 

Việc bán Tiktok dưới áp lực của Mỹ là một việc rất mất mặt đối với Trung Quốc. Hơn nữa, hễ việc này được thông qua sẽ mở ra một tiền lệ đó là: Có thể có nhiều quốc gia hơn nữa sẽ lấy lý do về an ninh quốc gia để triển khai hành động nhắm vào các công ty của Trung Quốc (ví dụ như là Wechat). Điều này khiến việc CCP khống chế các công ty công nghệ sẽ gặp khó khăn. Đây là nguyên nhân thứ nhất: Do yêu cầu của việc tuyên truyền chủ nghĩa dân tộc và tránh khai mở tiền lệ cấm công ty Trung Quốc để cho các nước khác học theo.

 

Nguyên nhân thứ hai rất quan trọng, đó là thuật toán của Tiktok và nhật ký trong quá khứ cần phải được che đậy.

 

Bởi vì hễ Tiktok được bán, thuật toán hoặc là server của Tiktok cũng phải đưa cho người khác. Trước đây, Tiktok đã bị cáo buộc là đã đẩy lượng lớn video về sắc tình và ma tuý để ăn mòn đạo đức người dùng, đặc biệt là đối với trẻ em vị thành niên. Đây là một nguyên nhân rất quan trọng khiến CCP không muốn bán Tiktok, bởi vì hễ bán là Tiktok sẽ bị phát hiện những việc này.

 

Hơn nữa, nếu nhật ký dữ liệu được phân tích sẽ đào ra rất nhiều tài khoản giả của CCP. Những tài khoản này làm thế nào phối hợp hành động với nhau, làm thế nào thâm nhập Đài Loan, Hoa Kỳ, đẩy những tin tức nào, phân tích dữ liệu, v.v. để thao túng dân ý trong bầu cử Mỹ hay bầu cử Đài Loan... tất cả những điều này sẽ được phơi bày, từ đó thấy được cuộc chiến tranh thông tin của CCP.

 

Giáo sư Chương cho rằng, đây là điều mà CCP sợ hãi nhất, cũng là điều mà CCP cần che giấu nhất.

 

Nguyên nhân thứ ba đó là: Tuy rằng Tiktok bị cấm ở Mỹ nhưng ở các nước khác ví dụ như Hà Lan, Bỉ, Đức, Pháp, Úc, Nhật... vẫn chưa bị cấm, vậy thì CCP có thể dùng Tiktok để lấy thông tin của những quốc gia đó. Nhưng hễ Tiktok bị bán cho công ty Mỹ thì tất cả những chức năng làm phần mềm gián điệp của Tiktok sẽ không còn.

 

Cho nên đây là lý do vì sao Giáo sư Chương cho rằng, CCP tuyệt đối không thể bán Tiktok.

 

(ntdvn.net; Thuần Phong biên dịch)