Theo bức ảnh do một hãng tin của Nga công bố vào ngày 19/6/2024, người lãnh đạo Bắc Hàn, Kim Jong-un (trái) đang đi bộ và nói chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: GAVRIIL GRIGOROV/POOL/AFP via Getty Images)

 

 

Ngày 20/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Nga có thể cung cấp vũ khí cho Bắc Hàn. Ông Putin nói, đây là phản ứng trước việc phương Tây trang bị vũ khí cho Ukraine. Đáp lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết phát ngôn của ông Putin là "cực kỳ đáng lo ngại".

 

Ông Putin đưa ra những lời nói này sau khi đến thăm Bắc Hàn vào hai ngày 18-19/6 để ký thỏa thuận phòng thủ chung.

 

 

Hồi đầu tháng này, ông Putin cũng từng đe dọa rằng, do phương Tây cung cấp cho Ukraine vũ khí có độ chính xác cao và cho phép nước này bắn vào các mục tiêu trong lãnh thổ của Nga, cho nên Nga có thể sẽ cung cấp vũ khí cho các đối thủ của phương Tây.

 

Ông Putin cho biết thêm vào hôm 20/6 rằng, Bắc Hàn có thể là nước nhận được vũ khí của Nga.

Ông Putin nói, "Tôi đã nói rằng, bao gồm cả Bình Nhưỡng, chúng tôi có quyền cung cấp vũ khí cho các nơi khác trên thế giới. [Khi] xem xét tới thỏa thuận mà chúng tôi đã đạt được [với Bắc Hàn], tôi cũng không loại trừ khả năng này".

 

 

Tổng thống Nga cũng cảnh báo rằng nếu Nam Hàn quyết định cung cấp vũ khí cho Ukraine thì đó sẽ là một "sai lầm lớn", và khẳng định rằng Nga sẽ đáp trả lại động thái đó theo cách khiến Nam Hàn đau đớn.

 

Sau khi Nga và Bắc Hàn công bố thỏa thuận trên, Văn phòng Tổng thống Nam Hàn,Yoon Suk-yeol, đã ra tuyên bố lên án thỏa thuận này vì cho rằng nó gây ra mối đe dọa đối với an ninh của Nam Hàn. Ngày 20/6, ông Chang Ho-jin, Cố vấn An ninh Quốc gia Nam Hàn, cho biết Nam Hàn sẽ xem xét lại việc cung cấp vũ khí cho Ukraine để giúp nước này phòng thủ trước sự xâm lược của Nga.

 

 

Khi được hỏi về những phát ngôn của ông Putin, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller nói trong một cuộc họp báo rằng: “Điều đó cực kỳ đáng lo ngại”.

 

Ông Miller nói: “Điều này chắc chắn sẽ phá hoại sự ổn định của bán đảo Triều Tiên, và tùy thuộc vào loại vũ khí mà họ cung cấp, có khả năng [Nga] sẽ vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc mà Nga ủng hộ”.

“Đó là lý do tại sao chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với các đồng minh trong khu vực này, bao gồm Nam Hàn, Nhật Bản và các nước khác, để ứng phó với mối đe dọa từ Bắc Hàn”.

 

 

Theo thỏa thuận được ký giữa ông Putin và người lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un, nếu một trong hai bên bị xâm lược vũ trang, họ sẽ ngay lập tức hỗ trợ quân sự cho bên kia.

 

Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc, John Kirby, bày tỏ lo ngại về điều này nhưng không cảm thấy ngạc nhiên. Ông Kirby nói, việc Nga có nhu cầu viện trợ từ nước ngoài như vậy là biểu hiệu của sự tuyệt vọng.

 

Ông Kirby nói, trong mấy tháng qua Hoa Kỳ đã công khai một loạt tin tình báo và vẫn đang chú ý đến vấn đề này, Mỹ cũng đã đưa ra cảnh báo về mối quan hệ quốc phòng đang phát triển giữa Nga và Bắc Hàn.

 

Tổng thư ký NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) Jens Stoltenberg cũng cho biết vào hôm 18/6 rằng, ông lo ngại về việc Nga hỗ trợ cho các chương trình hỏa tiễn và nguyên tử của Bắc Hàn.

 

Các quan chức Mỹ cho biết, họ cho rằng Bắc Hàn rất mong muốn có được các công nghệ tiên tiến từ Nga, ví như những công nghệ có liên quan đến máy bay chiến đấu, hỏa tiễn đất đối không, xe bọc thép, thiết bị hoặc vật liệu sản xuất hỏa tiễn đạn đạo.

 

Hoa Kỳ, Nam Hàn và Ukraine nói rằng Bắc Hàn đã cung cấp cho Nga một lượng lớn đạn pháo và hỏa tiễn đạn đạo, nhưng cả Moscow và Bình Nhưỡng đều phủ nhận.

 

Ông Kirby cho biết, Hoa Kỳ cho rằng thỏa thuận Nga - Bắc Hàn cũng sẽ thu hút sự chú ý của Bắc Kinh, và Hoa Kỳ đã hối thúc Bắc Kinh thực hiện nhiều biện pháp hơn để kiềm chế sự phát triển vũ khí của Bình Nhưỡng.

 

Các chuyên gia phân tích cho rằng, thỏa thuận Nga - Bắc Hàn có thể làm suy yếu sức ảnh hưởng của Trung Quốc đối với hai nước láng giềng này, từ đó mang đến sự bất ổn rất lớn cho Bắc Kinh.

 

Hai ngày sau khi Nga - Bắc Hàn ký thỏa thuận quốc phòng mới, hai Thượng nghị sĩ Mỹ là ông Lindsey Graham và ông Richard Blumenthal cũng đưa ra một dự luật mới. Hai thượng nghị sĩ này cho rằng, chuyến thăm Bắc Hàn của ông Putin là một lý do nữa để Mỹ chính thức gọi Nga là quốc gia tài trợ khủng bố.

 

Hai thượng nghị sĩ trên đã thúc đẩy dự luật này từ năm 2022, nhưng chính quyền của Tổng thống Biden cho biết họ không cho rằng đây là cách hiệu quả nhất để buộc Nga phải chịu trách nhiệm về hành động xâm lược Ukraine.

 

Moscow nói, nếu Nga bị đưa vào danh sách quốc gia tài trợ khủng bố, quan hệ ngoại giao Mỹ - Nga sẽ bị tổn hại nghiêm trọng, thậm chí có thể bị gián đoạn.

 

 

(Theo The Epoch Times tiếng Trung)

(ntdvn.net; Minh Lý biên dịch)