Vào ngày 4/3/2023, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường đã tham dự lễ khai mạc cuộc họp đầu tiên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị lần thứ 14 tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh. (Lintao Zhang / Getty Images)

 

 

TRUNG QUỐC - Sáng sớm ngày 27/10, ông Lý Khắc Cường, nguyên Thủ tướng Trung Quốc, đã đột ngột qua đời. Thời điểm ông qua đời là 0h10, trùng với giờ tử vong của cựu lãnh đạo Mao Trạch Đông. Phân tích cho rằng điều này gợi nhớ đến “Phong trào mùng 5 tháng 4” năm 1976 tại quảng trường Thiên An Môn, không loại trừ khả năng tình hình chính trị của Trung Quốc sẽ xảy ra một trận động đất lớn.

 

Lúc 0h10 ngày 27/10 theo giờ địa phương (tức 23h10 ngày 26/10 giờ Hà Nội), nguyên Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đột ngột qua đời. Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV đưa tin, ông Lý Khắc Cường lên cơn đau tim ở Thượng Hải vào ngày 26/10, nhưng các nỗ lực cấp cứu đều không hiệu quả.

 

Nhà bình luận Chung Nguyên (Zhong Yuan) nói với tờ The Epoch Times rằng, ông Mao Trạch Đông qua đời lúc 0h10 ngày 9/9/1976 và ông Lý Khắc Cường cũng qua đời lúc 0h10. Cùng năm ông Mao Trạch Đông qua đời, Thủ tướng Chu Ân Lai cũng mất vào ngày 8/1 và Nguyên soái Chu Đức từ trần vào ngày 6/7.

Ông Chung Nguyên đặt nghi vấn: "Liệu cái chết hàng loạt của các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc có tái diễn không? Ông Tập Cận Bình có đang hoảng sợ không? Vị cao nhân bên cạnh ông ấy sẽ giải thích thế nào?".

 

Trước đó vào đầu tháng 9, một nguồn tin uy tín tiết lộ với The Epoch Times rằng, ông Tập Cận Bình có cao nhân bên cạnh chỉ điểm: “Ông Tập Cận Bình thực sự tin vào lời tiên tri và rất sợ chết. Trong lời tiên tri có nhắc đến người lính đeo cung tên [và ám chỉ cuộc binh biến], ông Tập cho rằng cung tên tương ứng với tên lửa nên đã trừ khử [lãnh đạo] Lực lượng Tên lửa và bắt giữ họ. Đây là lý do chính”.

 

Nhà bình luận Chung Nguyên chỉ ra, nếu giống như năm 1976, cái chết của ông Chu Ân Lai gây ra Sự kiện Thiên An Môn ngày 5/4, dân chúng đã nhân cơ hội bày tỏ lòng thương tiếc với ông ấy để chỉ trích “Tứ nhân bang” (*) và sau đó bị chính quyền trấn áp, liên lụy đến rất nhiều người, và rồi Đặng Tiểu Bình lại một lần nữa bị lật đổ. Vậy ngày nay liệu có ai nhân cơ hội thương tiếc ông Lý Khắc Cường để yêu cầu quay lại cải cách, mở cửa không? Liệu có ai sẽ lặp lại những gì ông Lý Khắc Cường đã nói trước khi nghỉ hưu rằng ‘Người đang làm, Trời đang nhìn’ không? Trong lần thị sát cuối cùng tới Quảng Đông, ông Lý Khắc Cường từng nói rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục mở cửa, sông Hoàng Hà và Trường Giang sẽ không chảy ngược.

 

“Một năm sau Đại hội toàn quốc lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong khi tình hình chính trị đang bất ổn, cái chết đột ngột của ông Lý có thể tạo ra nhiều biến số, không loại trừ khả năng sẽ xảy ra cơn địa chấn lớn hơn nữa”, ông Chung Nguyên nói.

 

(ntdvn.net, Theo The Epoch Times tiếng Trung - Minh Lý biên dịch)

 

(*) “Tứ nhân bang”: hay còn được gọi là “bè lũ bốn tên”, là cụm từ để chỉ một nhóm lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cấu kết với nhau để lộng quyền, kiểm soát các cơ quan quyền lực trong đảng và sát hại những người đối lập trong thời Đại Cách mạng Văn hóa (1966-1976), trong đó có Giang Thanh - người vợ thứ 4 của Mao Trạch Đông.