Thủ tướng Anh Quốc, Boris Johnson, ký thỏa ước thương mại Brexit (thỏa ước thương mại sau khi rời khỏi Liên Minh Châu Âu). Nguồn: AAP

 

 

 

 

 

Thủ tướng Anh Boris Johnson đã ký thỏa thuận thương mại hậu Brexit với liên minh châu Âu (EU). Tiếng chuông từ tháp Big Ben lúc 11 giờ đêm giao thừa đánh dấu sự hoàn tất của quá trình chuyển giao đưa Anh quốc ra khỏi EU, mở đầu một trang mới cho quốc gia này.

 

 

Ông Boris Johnson nói “Cám ơn rất nhiều, tất cả mọi người. Tôi muốn mọi người hiểu rằng bản thỏa thuận mà tôi vừa ký kết không phải là điểm kết thúc. Đó là một sự khởi đầu mới.”

 

 

 

Với một nét bút ký, thủ tướng Anh, Boris Johnson, đã kết thúc vai trò thành viên của Anh Quốc trong khối liên minh châu Âu.

 

 

Hạ viện Anh đã bỏ phiếu phê duyệt bản thỏa thuận, bắt đầu quá trình ‘đường ai nấy đi’ một cách có trật tự.

 

 

Anh Quốc chính thức rời EU cách đây gần 1 năm, thế nhưng vẫn ở trong vòng tay kinh tế của khối liên minh trong suốt quá trình chuyển giao, kết thúc vào nửa đêm theo giờ Brussels - tức 11h đêm giờ London.

 

 

Ông Johnson khẳng định rằng thỏa thuận mà ông đã ký kết là một thỏa thuận tuyệt vời, có lợi cho nước Anh.

 

 

“Sự việc mà thỏa thuận đưa đến cho chúng ta hầu như là những điều tốt nhất của cả hai bên, bởi vì bạn có một thỏa thuận thương mại tự do khổng lồ, đồng thời cũng có một sự linh động mà tất cả mọi người đều mong muốn, và điều mà chúng ta đều quan tâm đến, để làm mọi thứ theo cách khác và tốt hơn."

 

 

Trong quá trình bỏ phiếu tại hạ viện, lãnh đạo đảng đối lập, Sir Keir Starmer, mô tả bản thỏa thuận là ‘có lỗi và mỏng manh’ - thế nhưng đảng Lao Động của ông vẫn sẽ bỏ phiếu để thông qua bởi vì nếu không thì Anh sẽ phải ra khỏi EU mà không có thỏa thuận nào.

 

 

Đã bốn năm rưỡi kể từ khi nước Anh bỏ phiếu rời liên minh châu âu EU mà họ đã là thành viên từ năm 1973.           

 

                     

Bản thỏa thuận, cuối cùng được ký kết sau hơn 9 tháng thương lượng căng thẳng, sẽ bảo đảm Anh quốc và EU với 27 quốc gia thành viên có thể tiếp tục giao thương mà không phải chịu thuế quan hay hạn ngạch.

 

 

Điều này sẽ giúp bảo vệ 1.1 ngàn tỷ đô trong thương mại mỗi năm giữa hai phía, và hàng trăm ngàn việc làm.

 

 

Tuy nhiên, việc chấm dứt vai trò thành viên trong liên minh về hải quan và thị trường lớn của EU cũng sẽ mang lại những bất tiện và các chi phí mới cho cả cá nhân và các doanh nghiệp - từ việc khách đi du lịch phải xin thị thực, mua bảo hiểm du lịch, cho tới hàng triệu tờ khai hải quan mà các doanh nghiệp sẽ phải thực hiện.

 

 

Những người ủng hộ Brexit, bao gồm thủ tướng Johnson, cho rằng những thách thức trong ngắn hạn cũng xứng đáng.

 

 

Ông Boris Johnson nói với Quốc hội rằng thỏa thuận của ông là điểm khởi đầu cho một vai trò mới của nước Anh trên toàn cầu.

 

 

“Chúng ta sẽ mở ra một chương mới trong câu chuyện quốc gia của chúng ta, bắt đầu các thỏa thuận thương mại tự do trên khắp thế giới, bổ sung vào danh sách các thỏa thuận với 63 quốc gia mà chúng ta vốn đã đạt được, đồng thời khẳng định lại vị thế của nước Anh trên toàn cầu là một lực lượng tự do, hướng ngoại.Việc tách chúng ta khỏi EU chỉ là một bước dạo đầu cho nhiệm vụ lớn lao hơn để thiết lập vai trò mới của chúng ta."

 

 

Nước Anh sẽ đi trên con đường riêng lẻ của chính mình như thế nào, khi không còn là một phần quan trọng của nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới - chỉ có thời gian mới có thể trả lời.