Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu (L) phát biểu khai mạc trước cuộc gặp với các doanh nhân Israel và Thổ Nhĩ Kỳ, tại thành phố ven biển Tel Aviv, vào ngày 25/5/2022. (JACK GUEZ / AFP via Getty Images)

 

 

Sau 15 năm, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ kỳ đầu tiên đã đi thăm chính thức Israel. Chuyến đi là dấu hiệu cho thấy nỗ lực tái lập mối quan hệ thân thiết giữa hai nước sau nhiều năm lạnh giá kể từ năm 2010.

 

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, ông Mevlut Cavusoglu đã đến thăm Israel vào tuần trước, trở thành ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ đầu tiên làm như vậy trong vòng 15 năm.

 

Các chuyên gia cho rằng động thái này là do Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn sửa chữa mối quan hệ rạn nứt với các quốc gia có ảnh hưởng trong khu vực và định vị mình như một trung tâm trung chuyển năng lượng giữa Trung Đông và Châu Âu.

 

Phân tích gia chính trị Thổ Nhĩ Kỳ, ông Oytun Orhan nói với The Epoch Times: “Chuyến thăm của ông Cavusoglu tới Israel cũng đồng thời với nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc cải thiện quan hệ với Ai Cập, Saudi Arabia và UAE ở Đông Địa Trung Hải đến Châu Âu”.

 

'Chương mới' trong mối quan hệ

Sau cuộc gặp ngày 25/5 tại Jerusalem, ông Cavusoglu và Ngoại trưởng Israel ông Yair Lapid tỏ ra lạc quan về triển vọng hòa giải.

 

Trong cuộc gặp, hai ngoại trưởng được cho là đã thảo luận về việc nối lại quan hệ ngoại giao toàn diện, cùng với các biện pháp tăng cường hợp tác kinh tế.

 

Mối quan hệ giữa hai nước chạm đáy vào năm 2010, khi lực lượng Israel tổ chức một cuộc tấn công chết người nhằm vào một đội quân viện trợ của Thổ Nhĩ Kỳ ở ngoài khơi Dải Gaza. Nỗ lực hàn gắn quan hệ đã kết thúc vào năm 2018, khi Thổ Nhĩ Kỳ rút đại sứ khỏi Israel - và Israel đã đáp trả bằng hành động tương tự. Vụ việc diễn ra tại thời điểm bùng phát bạo lực giữa Israel và Palestine dọc theo biên giới Dải Gaza.

 

Nhưng vào tháng 3 năm nay, chuyến thăm Ankara của Tổng thống Israel Isaac Herzog, trong đó ông gặp người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, đã làm dấy lên suy đoán rằng hai quốc gia đang muốn tái thiết lại mối quan hệ.

 

Theo ông Orhan, một chuyên gia về khu vực Levant tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông của Ankara, hai nước hiện đang “tập trung vào các vấn đề ngoại giao và kinh tế với hy vọng giải quyết những khác biệt chính trị lâu dài của họ”.

 

Hiệp định Abraham 2020 thay đổi cục điện Trung Đông: Thổ Nhĩ Kỳ không muốn đứng ngoài

Nhiều chuyên gia tin rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ nghiêng về Jerusalem nên được nhìn nhận trong bối cảnh rộng lớn hơn là những nỗ lực không ngừng của Ankara nhằm cải thiện mối quan hệ với Ai Cập, Saudi Arabia và UAE. Mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với ba quốc gia Ả Rập trở nên căng thẳng kể từ sự kiện "Mùa xuân Ả Rập" năm 2011. Khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ các cuộc nổi dậy; bao gồm cả một cuộc cách mạng ở Ai Cập và các cuộc nổi dậy khác trên khắp Trung Đông và Bắc Phi.

 

Tiến sĩ Remzi Cetin, một học giả Thổ Nhĩ Kỳ chuyên về các vấn đề của Israel, nói với The Epoch Times: “Các nỗ lực bình thường hóa của Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ áp dụng cho Israel; họ thực sự bắt đầu với các quốc gia vùng Vịnh”. Tiến sỹ Cetin tin rằng Hiệp định Abraham năm 2020 đã mở ra một “mô hình khu vực mới”, một mô hình mà Thổ Nhĩ Kỳ “không muốn bị loại bỏ”.

 

Ngày 15 tháng 9 năm 2020, Thủ tướng Israel Netanyahu, Tổng thống Mỹ Trump, Bộ trưởng Ngoại giao Bahrain Al Zayani và Bộ trưởng Ngoại giao Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất Nahyan đã ký "Thỏa thuận Abraham" tại Tòa Bạch Ốc. (Nguồn ảnh: Alex Wong / Getty Images)

 

Dưới sự hỗ trợ của chính quyền cựu tổng thống Mỹ Donald Trump, thoả thuận mang tính bước ngoặt lịch sử này đã giúp bình thường hoá quan hệ giữa Israel và UAE. Đây là lần bình thường hoá quan hệ ngoại giao đầu tiên giữa Nhà nước Do Thái một quốc gia Ả Rập kể từ thoả thuận hoà bình năm 1949 giữa Israel và Jordan.

 

Vào tháng 2/2022, tổng thống Erdogan đã đến thăm UAE lần đâu sau gần một thập kỷ. Hai tháng sau, ông thực hiện chuyến đi tương tự tới Saudi Arabia. Tiến sỹ Cetin nói: "Hòa giải với Israel là một phần của quá trình này".

 

Theo các chuyên gia, một lý do khác khiến Thổ Nhĩ Kỳ tái thiết quan hệ ngoại giao với Israel là liên quan đến dự án đường ống dẫn khí đốt EastMed.

 

Ankara muốn được tham gia vào một tuyến đường ống thay thế cho phép trữ lượng khí đốt khổng lồ từ Trung Đông được đưa đến châu Âu thông qua lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Orhan nói “Nhưng nếu Thổ Nhĩ Kỳ muốn dời dự án EastMed, trước tiên nước này phải bình thường hóa quan hệ với Israel”.

 

Theo phân tích gia, dự án EastMed đã không được đưa ra trong các cuộc thảo luận gần đây của Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Cavusoglu với các quan chức Israel. “Trọng tâm chính của họ bây giờ là quan hệ ngoại giao", ông nói. “Một khi họ thiết lập được bầu không khí tích cực, họ có thể giải quyết các vấn đề khó khăn hơn như khí đốt tự nhiên và câu hỏi về Palestine”.

 

Quan điểm về Hamas của Palestine là chướng ngại lớn nhất

Ngay trước chuyến công du Jerusalem, Cavusoglu đã đến thăm Bờ Tây do Israel chiếm đóng, nơi ông gặp gỡ các quan chức Palestine. Phát biểu với báo giới tại Ramallah, ông khẳng định rằng sự ủng hộ lâu dài của Thổ Nhĩ Kỳ đối với nguyện vọng dân tộc của người Palestine là “hoàn toàn độc lập” trong quan hệ của Ankara với Israel.

 

Orhan lặp lại tình cảm này, nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn “cam kết kiên quyết” với chính nghĩa của người Palestine và cuối cùng là một giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột âm ỉ kéo dài.

Các cuộc đàm phán hòa bình do Mỹ bảo trợ giữa Israel và Chính quyền Palestine có trụ sở tại Ramallah đã sụp đổ vào năm 2014. Cũng trong năm đó, Israel đã tiến hành một cuộc tấn công kéo dài 6 tuần vào Dải Gaza. Kết quả là hơn 2.000 người Palestine và nhiều người Israel đã thiệt mạng.

 

Một trở ngại tiềm tàng đối với hòa giải Thổ Nhĩ Kỳ-Israel là mối quan hệ thân thiết của Ankara với Hamas, tổ chức quản lý Dải Gaza từ năm 2006. Israel coi Hamas là một tổ chức khủng bố, trong khi Ankara coi đây là một phong trào giải phóng hợp pháp.

 

Orhan giải thích: “Israel muốn Thổ Nhĩ Kỳ hạn chế quan hệ với Hamas như một điều kiện tiên quyết để hòa giải, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ đã không chấp nhận bất kỳ điều kiện tiên quyết nào".

“Ngoài ra” ông nói thêm, “hiện nay không có bên nào dường như đang quan tâm đến vấn đề này”.

Theo Orhan, mối đe dọa lớn nhất đối với việc tái thiết ở thời điểm nhạy cảm hiện tại sẽ là một cuộc tấn công lớn của Israel vào Dải Gaza. Nếu điều đó xảy ra, toàn bộ nỗ lực tái thiết quan hệ sẽ đổ bể.

(ntdvn.net, Thanh Đoàn -  Theo The Epoch Times)