Các đặc vụ Trung Quốc đã cố gieo rắc sự hoảng loạn trên khắp nước Mỹ từ những ngày đầu bùng phát dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (Covid-19) bằng tin nhắn giả qua điện thoại và các tài khoản mạng xã hội.

 

Tờ The New York Times đã tiết lộ thông tin trên hôm 22-4 dựa trên những cuộc phỏng vấn 6 quan chức Mỹ giấu tên làm việc tại 6 cơ quan khác nhau, một số người trong nhóm này từng có nhiều năm nghiên cứu về Trung Quốc.

 

Phát hiện trên cho thấy tình trạng các cường quốc như Nga và Trung Quốc tăng cường tận dụng sự hoảng loạn về đại dịch Covid-19 để gieo rắc nỗi sợ hãi ở Mỹ.

 

Tờ The New York Times cho biết nỗ lực nói trên đặc biệt đáng báo động đối với các quan chức tình báo vì thông tin sai lệch này xuất hiện dưới dạng tin nhắn văn bản trên điện thoại di động của người Mỹ, chiến thuật được cho là chưa từng thấy trước đây.

 

Tờ The New York Times cho rằng các đặc vụ Trung Quốc đã cố gieo rắc sự hoảng loạn trên khắp nước Mỹ từ những ngày đầu bùng phát dịch. Ảnh: EPA-EFE

 

Trong bối cảnh nhiều người Mỹ nhận được những tin nhắn giả như thế, Hội đồng Bảo an Quốc gia Mỹ đã thông qua Twitter tuyên bố rằng tất cả đều là tin giả.

 

Bà Bonnie Glaser, cố vấn cấp cao về châu Á và là giám đốc của dự án về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ, cho hay: "Trung Quốc nhìn thấy nhiều cơ hội để thúc đẩy câu chuyện Trung Quốc đã kiểm soát được đại dịch một cách hiệu quả trong khi Mỹ xử lý vấn đề tồi tệ thông qua số ca nhiễm và sự thiếu chuẩn bị về nguồn cung y tế".

 

Tuy nhiên, nguồn gốc của các tin nhắn hiện vẫn chưa rõ ràng. Hai trong số 6 quan chức cho biết họ không nghĩ Trung Quốc tạo ra các tin nhắn nhưng đã dùng đặc vụ để truyền bá chúng qua các ứng dụng nhắn tin trên điện thoại của người dân Mỹ và mạng xã hội đến mức tạo hiệu ứng lan truyền.

 

Những kỹ thuật như vậy tương tự các chiến lược phổ biến được tình báo Nga sử dụng: Tạo các tài khoản truyền thông xã hội giả nhằm truyền tải thông điệp đến những người hiếu kỳ, sau đó lan truyền chúng đến những người có khuynh hướng chia sẻ quan điểm của họ.

 

Cùng với nhiều nhà phân tích, bà Laura Rosenberger thuộc Viện nghiên cứu German Marshall (Mỹ) cũng cho rằng Trung Quốc đang tăng cường hoạt động để thao túng thông tin ở Mỹ và gieo rắc sự hỗn loạn. Theo bà Rosenberger, hơn một năm qua, số lượng các nhà ngoại giao và Đại sứ quán Trung Quốc hoạt động trên Twitter đã tăng hơn 250%.