Cảnh sát võ trang Trung Quốc chuẩn bị chuyến tuần tra chung đầu tiên trên sông Mekong, cảng Quan Lũy, Vân Nam. Ảnh tư liệu ngày 09/12/2011 REUTERS

 

 

Bắc Kinh đang tìm cách gia tăng ảnh hưởng ở lưu vực sông Mekong bằng cách gia tăng các đại dự án do họ tài trợ và các tổ hợp kinh tế mà họ kiểm soát. Các nước trong vùng như Cam Bốt, Lào mong muốn điều đó, trái lại Việt Nam lại lo lắng về các hoạt động của Trung Quốc. Trên đây là nhận định trong bài báo điều tra tháng 11/2024 của đặc phái viên báo Le Monde tại Cam Bốt (Brice Pedroletti) và Thái Lan (Chiang Khong).

 

Điển hình nhất gần đây là dự án kênh đào Phù Nam (Funan Techo), tên tiếng Hoa của Vương quốc Chămpa đầu tiên (thế kỷ I-VII). Kênh đào Phù Nam với chi phí được công bố là 1,7 tỷ đô-la, do Trung Quốc tài trợ, dài 180 km, nối từ thủ đô Phnom Penh của Cam Bốt tới vịnh Thái Lan, rộng tới 100 mét, trên đó các phương tiện vận tải có trọng tải tối đa 3.000 tấn có thể đi đến tận Sihanoukville, cảng nước sâu duy nhất của Cam Bốt. Truyền thông Nhà nước Trung Quốc ví von là với kênh đào Phù Nam, Cam Bốt sẽ « hít thở bằng chính mũi của mình », ý nói là hoạt động vận chuyển hàng hóa đường sông của Cam Bốt sẽ không còn phải lệ thuộc vào các cảng của Việt Nam ở đồng bằng sông Cửu Long.

 

Nếu chỉ là kênh đào, dẫu lớn đến mấy, thì hiếm có dự án nào lại gây nhiều đồn đoán ở Đông Nam Á như dự án Phù Nam. Việc một công ty nhà nước của Trung Quốc được cho là tham gia vào công việc xây dựng và quản lý dự án này làm dấy lên lo ngại về tham vọng chiến lược của Bắc Kinh tại khu vực sông Mekong dài 4.350 km, bắt nguồn từ Tây Tạng trên dãy Himalaya ở Trung Quốc, qua Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cam Bốt và Việt Nam.

 

Đây cũng chính là 5 nước mà từ hơn một thập niên trở lại đây Trung Quốc tìm cách gia tăng ảnh hưởng, chẳng hạn thông qua các sáng kiến ​​trong cơ chế Hợp tác Lan Thương - Mekong, do Trung Quốc thành lập vào năm 2016 và đặt dưới sự chủ trì của bộ Ngoại Giao Trung Quốc, với hội nghị thượng đỉnh được tổ chức hàng năm. Simon Menet, tác giả của một nghiên cứu năm 2023 của Quỹ Nghiên cứu Chiến lược Pháp (FRS) về chiến lược an ninh của Trung Quốc ở Mekong, nhắc lại là con sông này chiếm một vị trí chiến lược đối với Bắc Kinh và cơ chế Hợp tác Lan Thương - Mekong là hình thức hợp tác thành công nhất, tích cực nhất và có nguồn lực tốt nhất trong khu vực, là nơi « thử nghiệm các thủ đoạn gây ảnh hưởng của Trung Quốc ».

 

 

Thông qua sông Mekong, Bắc Kinh tìm cách bảo vệ sườn tây nam của Trung Quốc, giáp với các nước khối ASEAN, trong đó có 5 lưu vực Mekong. Bắc Kinh ngày càng lo ngại từ năm 2009, khi đối thủ Mỹ mời Miến Điện, Cam Bốt, Lào, Thái Lan và Việt Nam tham gia Sáng kiến ​​Hạ lưu sông Mêkông, một phần trong chính sách xoay trục sang châu Á của tổng thống Barack Obama. Theo phân tích của Vanly Seng, một chuyên gia độc lập người Cam Bốt, hợp tác về sông Mekong là cách để Trung Quốc khiến các nước này phụ thuộc nhiều hơn vào Bắc Kinh và bảo đảm họ không « theo đuôi Mỹ ».

 

Ảnh hưởng của Trung Quốc cũng được thể hiện cả dưới góc độ kinh tế, với « các đặc khu kinh tế » - những vùng đất của các nước mà Trung Quốc thuê dài hạn được hình thành dọc theo « Những con đường tơ lụa mới », các tuyến đường sắt ở Lào (từ năm 2022), Thái Lan (đang xây dựng) và tới đây là ở Việt Nam và nhiều tuyến đường do các nhà thầu Trung Quốc xây dựng.

 

Theo các đặc phái viên báo Le Monde, sự tích cực của Trung Quốc cũng có thể được giải thích bởi các thách thức về Biển Đông mà Bắc Kinh tuyên bố là vùng nội thủy của Trung Quốc, bất chấp việc 5 nước thành viên ASEAN (Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Indonesia) được hưởng các vùng đặc quyền kinh tế trong vòng 200 hải lý. Về mặt biểu tượng, sông Mekong giúp Trung Quốc đưa các nước này vào gọng kìm.

 

Tuy nhiên, áp đặt Pax Sinica (Thái Bình kiểu Trung Hoa) đối với những nước dọc con sông dài nhất Đông Nam Á là một hành trình đầy rào cản. Thái Lan, một đồng minh của Hoa Kỳ, tỏ ra hợp tác nhưng không từ bỏ gì hết, trong khi vị trí ở cửa sông Mekong cho phép Việt Nam, vốn luôn ngờ vực Trung Quốc, giữ khoảng cách. Trái lại, Miến Điện, đang gặp nội chiến, cũng như Lào, đang nợ Trung Quốc quá nhiều và bị Bắc Kinh bòn rút nguồn tài nguyên, không có đủ phương tiện để cưỡng lại những đề nghị của Trung Quốc về mặt an ninh hoặc phát triển.

 

Cam Bốt là nước nhiệt tình nhất với dự án Những con đường tơ lụa mới, đến mức lúc nào cũng tự mình thúc giục Bắc Kinh có thêm dự án hợp tác. Với kênh đào mang tính biểu tượng Phù Nam, thông qua các quan chức quản lý tương lai người Trung Quốc, Cam Bốt « lén lút sau lưng » Việt Nam mở cửa cho Trung Quốc tiếp cận hạ lưu sông Mekong.

 

 

Sự quan ngại của Hoa Kỳ và Việt Nam

 

Trước mối lo ngại của Hoa Kỳ và Việt Nam về kênh đào Phù Nam mà họ xem như « kênh đào Trung Quốc », Phnom Penh đã điều chỉnh lại dự án để giảm thiểu sự tham gia của Trung Quốc. Cuối cùng thì chặng 21 km đầu tiên nối với sông Mekong sẽ hoàn toàn do các tập đoàn Cam Bốt đầu tư. 159 km còn lại đổ ra biển sẽ do các cảng Phnom Penh, Sihanoukville của Cam Bốt và tập đoàn cầu đường Nhà nước Trung Quốc CRBC cùng đầu tư.

 

Tuy nhiên, Phnom Penh đang yêu cầu Trung Quốc bảo đảm tham gia để dự án hoàn thành đúng hạn. Phnom Penh đã tuyên bố sẽ kênh đào sẽ được xây dựng xong vào năm 2028.

 

 

Các chuyên gia, đặc biệt là phương Tây, lo ngại rằng những cơ sở hạ tầng mà Trung Quốc đầu tư xây dựng tại Cam Bốt sẽ thực hiện chức năng kép : dân sự và quân sự, nếu cần thiết. Chuyên gia Simon Menet, thuộc FRS, nhấn mạnh Trung Quốc bị nghi là sẽ được hưởng lợi từ việc tiếp cận một phần căn cứ quân sự Ream, phục vụ các hoạt động hậu cần và tình báo.

 

Sự hiện diện của Trung Quốc cũng có thể giúp tăng cường khả năng Cam Bốt được xem là đại diện trung gian cho Trung Quốc. Khi Phnom Penh hoạt động tích cực hơn, vai trò của Cam Bốt sẽ đi theo hướng có lợi cho Bắc Kinh. Le Monde nhắc lại là trên thực tế, trong khối ASEAN, Cam Bốt thường làm suy yếu bất kỳ hành động tập thể nào nhằm chống lại yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Tuy nhiên, trong số các quốc gia thành viên ASEAN có tranh chấp với Bắc Kinh ở Biển Đông, nước duy nhất cũng có sông Mekong chảy qua chính là Việt Nam, mà Le Monde gọi là « nước láng giềng bị Cam Bốt căm ghét ».

 

Nhìn từ Phnom Penh, tài trợ của Bắc Kinh cho lực lượng hải quân còn non trẻ của Cam Bốt được xem như món hời bất ngờ. Vào tháng 9, Cam Bốt thông báo được Trung Quốc tặng 2 tàu hộ tống 1.500 tấn. Soy Sopheap, chủ cơ quan truyền thông thân chính phủ Cam Bốt và chủ tịch Hiệp hội Nhà báo Trung Quốc và Cam Bốt giải thích : « Cam Bốt nằm giữa hai nước lớn hơn [Việt Nam và Thái Lan] luôn muốn chiếm lãnh thổ [của Cam Bốt]. Họ sẽ không muốn [Cam Bốt] có một lực lượng hải quân mạnh (…) Vậy chúng ta có thể trông chờ vào ai ? Chắc chắn không phải là Washington ». Trên thực tế, Hoa Kỳ, đồng minh của Thái Lan, cũng đang tìm cách tăng cường quan hệ với Việt Nam.

 

 

Nhìn sang Thái Lan, Le Monde nhắc lại là quốc gia Đông Nam Á này có nhiều ký ức tồi tệ về « ngoại giao pháo hạm » thời thực dân Pháp hồi năm 1893. Nhưng nay, Trung Quốc thực sự đã ở ngay ngưỡng cửa của Thái Lan : các tàu cảnh sát được trang bị vũ khí hạng nặng của Trung Quốc tuần tra khoảng 50 km về phía thượng nguồn, ở giữa sông Mekong, vùng Tam giác vàng nổi tiếng giữa Miến Điện, Lào và Thái Lan, tâm điểm thế giới về buôn bán thuốc phiện.

 

Các hoạt động giám sát khu vực sông Mekong này bắt đầu từ năm 2011, năm xảy ra vụ sát hại 13 thủy thủ Trung Quốc trên hai tàu chở hàng xuôi xuống hạ nguồn sông Mekong. Sau đó, Trung Quốc đã áp đặt các cuộc tuần tra « chung » trên sông Mêkông với Lào, Miến Điện và Thái Lan. Do thiếu phương tiện, Lào và Miến Điện đã phải chấp nhận. Nhưng Thái Lan thì không, họ tự thực hiện nhiệm vụ tuần tra, giám sát ở hạ lưu Tam giác vàng, trên thực tế là ngăn chặn sự xâm nhập của Trung Quốc dọc biên giới Thái - Lào.

 

Nhưng kể từ đó, ở phía đối diện với Thái Lan, một phần Tam giác vàng, bên phía Lào, đã trở thành « đặc khu kinh tế Tam giác vàng », và một thành phố của Trung Quốc đã mọc lên với một sòng bạc, một phi trường và một cảng hàng hóa, nơi các tàu chở hàng từ Trung Quốc xuôi xuống sông Mêkông cập bến dưới sự bảo vệ của các tàu tuần tra Trung Quốc.

 

Một điều đáng lưu ý là những vùng xám ở các nước Đông Nam Á này dưới ảnh hưởng của Trung Quốc lại càng làm cho quan hệ địa chính trị giữa Bắc Kinh và Washington xấu đi, bởi vì ngày càng có nhiều công dân Mỹ trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo trên mạng từ Đông Nam Á. Trong số những ông trùm lừa đảo bị Mỹ trừng phạt có Zhao Wei, người Hoa, « người đỡ đầu » của vùng Tam giác vàng ở Lào, và những người Trung Quốc quảng bá cho Dara Sakor, ở miền nam Cam Bốt, từng tuyên bố rằng có « thông tin đáng tin cậy » rằng khu phức hợp này có thể được sử dụng làm nơi đặt các nguồn lực quân sự của Trung Quốc.

 

Như vậy là qua ngả kênh đào Phù Nam của Cam Bốt, Trung Quốc có thể tiếp cận sông Mekong từ phía nam. Từ Phnom Penh đến Lào, cần phải phá bỏ, ít nhất là về mặt biểu tượng, rào cản được tạo thành bởi những thác nước lớn nhất thế giới bên phía biên giới Lào. Le Monde nhắc lại là vào năm 1893, thời thực dân Pháp khi ấy đã xây dựng một tuyến đường sắt dài 7 km dọc theo hai hòn đảo của Lào để vận chuyển các pháo hạm. Tham vọng điên rồ của Pháp khi đó là đến được tận Vân Nam, Trung Quốc qua ngả sông Mekong.

 

Ở một vùng thượng nguồn khác của sông Mekong, tỉnh Champassak, miền nam Lào, hồi năm 2018 cũng đã nhượng quyền một vùng lãnh thổ rộng lớn trong 50 năm cho một công ty đầu tư bí ẩn của Hồng Kông, với dự án xây 35 khách sạn 5 sao và một sòng bạc, với chi phí ước tính khoảng 9 tỷ đô-la.

 

Soy Sopheap, chủ báo Cam Bốt thân Bắc Kinh, giải thích với Le Monde là trong một chuyến đi gần đây nhất đến Trung Quốc, ông đã xin Bắc Kinh tài trợ càng sớm càng tốt cho một cây cầu (trên một nhánh sông Mê Kông) nối từ Lào sang Cam Bốt, để có thể vận chuyển container từ Cam Bốt qua ngõ thủ đô Viêng Chăn, đến thành phố Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam của Bắc Kinh, theo một tuyến tàu mới của Trung Quốc, với hy vọng thấy « những con đường tơ lụa mới » của Bắc Kinh đi qua nơi từng chứng kiến sự thất bại của thực dân Pháp năm xưa.

 

 

(Theo RFI Việt ngữ)