Đến cuối giờ chiều nay, toàn cầu đã có hơn 602.000 ca nhiễm. Tại Hàn Quốc đã có hơn 50% ca bệnh hồi phục.
Theo cập nhật của trang Worldometers lúc 17h ngày 28-3, trên thế giới đã có tổng cộng 602.166 ca bệnh COVID-19, 27.468 ca tử vong và 113.527 ca hồi phục.
Trong đó, Mỹ đứng đầu thế giới về số ca nhiễm, với 104.256 ca. Đứng thứ hai là Ý với 86.498 ca, thứ ba là Trung Quốc với 81.394 ca, và thứ tư là Tây Ban Nha với 65.719 ca.
Nằm trong nhóm 10 nước có ca nhiễm nhiều nhất thế giới có 6 nước ở châu Âu, 2 nước ở châu Á, 1 nước ở châu Mỹ, và 1 nước ở Trung Đông.
Hơn 3.000 người Iran đang trong tình trạng nguy kịch
Phát ngôn viên Bộ Y tế Iran Kianoush Jahanpour cho biết trong vòng 24 giờ qua, nước này có thêm 139 ca tử vong vì coronavirus COVID-19, nâng tổng số ca tử vong lên 2.517.
Tổng số ca nhiễm tại Iran hiện là 35.408 ca sau khi tăng thêm hơn 3.000 ca với 3.206 người đang trong tình trạng nguy kịch.
Tây Ban Nha tăng hơn 8.000 ca nhiễm trong 24 giờ
Chiều 28-3, số ca nhiễm virus corona ở Tây Ban Nha đã tăng lên tới 72.248 ca (so với 64.059 ca vào hôm qua, 27-3).
Số ca tử vong cũng tăng lên 5.690 ca, theo số liệu từ Bộ Y tế.
Số ca nhiễm tiếp tục tăng ở Đông Nam Á
Philippines ghi nhận thêm 272 ca nhiễm và thêm 14 ca tử vong do COVID-19. Hiện Philippines có tổng cộng 1.075 ca nhiễm và 68 ca tử vong.
Malaysia ghi nhận thêm 159 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca COVID-19 ở nước này lên 2.320. Nước này đã ghi nhận ca tử vong thứ 27. Hiện Malaysia có số ca nhiễm cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Ngày 28-3, giới chức Y tế Thái Lan thông báo thêm 109 ca nhiễm và một ca tử vong vì virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm và ca tử vong tại quốc gia này lên lần lượt là 1.245 ca và 6 ca.
Hôm 27-3, chính phủ nước này đã yêu cầu đóng cửa các địa điểm công cộng và các doanh nghiệp để ngăn chặn virus SARS-CoV-2 lây lan, đồng thời gia hạn những biện pháp đóng cửa hiện có tới cuối tháng 4.
Các tỉnh Narathiwat và Pattani, miền nam Thái Lan đang được phong tỏa trong khi nhiều tỉnh khác đã yêu cầu hạn chế giờ mở hoạt động của các cửa hàng tiện ích 24h.
Bộ Y tế Campuchia công bố phát hiện thêm 4 trường hợp mắc COVID-19 trong cùng một gia đình sống ở thủ đô Phnom Penh, nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 tại nước này lên con số 102. Tổng số trường hợp được chữa khỏi COVID-19 hiện là 13 người.
Indonesia đang soạn thảo quy định cho phép các địa phương áp đặt lệnh phong tỏa trong bối cảnh số ca nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang gia tăng mạnh, lên 1.046 ca, với 87 ca tử vong.
Hàn Quốc: 4.811 ca hồi phục
Số ca nhiễm ở Hàn Quốc đã tăng lên 9.478 trong ngày 28-3, trong đó có 144 ca tử vong. Tuy nhiên, có thêm 283 ca hồi phục, nâng tổng số ca hồi phục ở nước này lên 4.811 (tức chiếm 50,8% trong tổng số ca nhiễm).
Đây cũng là lần đầu tiên số ca hồi phục ở nước này đã vượt qua số bị cách ly (hiện là 4.523 người bị cách ly) kể từ ngày 20-1, khi COVID-19 lần đầu tiên được phát hiện trên lãnh thổ Hàn Quốc.
"Tỉ lệ hồi phục 50% là thành tựu nhỏ mà tất cả chúng ta nên ăn mừng, mặc dù con đường phía trước còn rất dài" - Yoon Tae Ho, tổng giám đốc bộ phận chính sách y tế công tại Bộ Y tế và phúc lợi Hàn Quốc, đánh giá.
Mỹ phong tỏa căn cứ quân sự ở Nhật
Đài Fox News dẫn thông tin từ các quan chức Mỹ cho hay căn cứ hải quân Mỹ ở thành phố Yokosuka, tỉnh Kanagawa của Nhật Bản đã bị phong tỏa trong vòng 48 giờ đến hết cuối tuần này. Mọi người đã được yêu cầu ở lại bên trong căn cứ, sau khi tàu sân bay USS Ronald Reagan tại căn cứ này có hai thủy thủ dương tính với coronavirus.
Hải quân Mỹ cũng ghi nhận các ca bệnh COVID-19 trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, khi tàu này đang di chuyển ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tàu sân bay này đã đến vùng lãnh thổ Guam của Mỹ.
Úc đẩy mạnh "giữ khoảng cách xã hội"
Ngày 28-3, Úc tăng cường các biện pháp về "giữ khoảng cách xã hội" (social distancing) để kiềm chế sự lây lan của dịch COVID-19, gồm áp dụng các hình thức phạt, đóng cửa bãi biển và cảnh báo sẽ đưa ra các biện pháp khắt khe hơn nếu người dân không chịu ở lại trong nhà.
Theo Bộ Y tế Úc, số ca nhiễm ở nước này đã tăng thêm 212, lên 3.378 ca, vào đầu ngày 28-3. Trong đó, 2/3 số ca COVID-19 được ghi nhận ở bang New South Wales và Victoria.
Thủ hiến bang New South Wales, bà Gladys Berejiklian, nói rằng việc thực thi mạnh tay các biện pháp "giữ khoảng cách xã hội" có thể sẽ cần thiết nếu tình trạng lây lan trong cộng đồng bắt đầu tăng "ở tỉ lệ mà chúng ta không yên tâm".
Tokyo: "Hoa anh đào sẽ lại nở vào năm tới"
Hãng tin Reuters ngày 28-3 cho biết thị trưởng Tokyo, bà Yuriko Koike, đã yêu cầu hàng triệu người dân tại thủ đô và các khu vực xung quanh tránh đi ra ngoài không cần thiết cho tới ngày 12-4, đặc biệt vào cuối tuần này.
Bà Koike thúc giục công chúng không tụ tập ăn uống và ngắm hoa đào vào lúc này: "Hoa anh đào sẽ lại nở vào năm tới". Với số ca nhiễm tăng nhanh trong tuần này, bà nói rằng Tokyo đang bên bờ vực diễn ra tình trạng khẩn cấp.
Đài NHK ngày 28-3 cho biết thủ đô Tokyo đã ghi nhận hơn 50 ca bệnh COVID-19 mới, mức tăng kỷ lục trong 1 ngày tại đây
Truyền thông Trung Quốc kêu gọi người dân cảnh giác
Ngày 28-3, truyền thông Trung Quốc đã kêu gọi người dân nước này duy trì cảnh giác với COVID-19, dù có nhiều ngày Trung Quốc đã không ghi nhận các ca lây nhiễm trong cộng đồng địa phương và số ca "nhập" từ nước ngoài giảm xuống.
"Vào lúc này, chúng ta phải khá cảnh giác và thận trọng. Chúng ta đừng để chuyện xả hơi sau dịch diễn ra quá sớm, dẫn tới đánh mất tất cả thành tựu của chúng ta" - trang Nhân Dân Nhật Báo viết.
Ngày 28-3, một phần của thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc đã bắt đầu hoạt động trở lại sau hơn 2 tháng phong tỏa. Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết chuyến tàu chở khách đầu tiên chính thức trở lại thành phố sau đêm 27-3.
Người dân từ nơi khác được tới Vũ Hán, nhưng người dân tại thành phố 11 triệu dân này hiện chưa được ra ngoài. Nhiều chuyến tàu tới Vũ Hán vào ngày 28-3 đã được đặt kín chỗ từ cách đây nhiều ngày. Hầu hết mạng lưới tàu điện ngầm tại Vũ Hán hoạt động trở lại trong ngày 28-3, trong khi một số trung tâm mua sắm sẽ mở cửa vào tuần tới.