Arif Shamim

Vai trò,BBC News Urdu & BBC News Persian

 

 

 

Lãnh tụ Tối cao Iran Ali Khamenei (trái) và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (Ảnh: BBC Việt ngữ)

 

 

 

Nhóm vũ trang Hezbollah của Lebanon đã tiến hành một loạt cuộc tấn công bằng thiết bị bay không người lái và hỏa tiễn vào miền bắc Israel trong tuần qua. Tuy nhiên, Hezbollah cảnh báo đây vẫn chưa phải là đòn tấn công trả đũa việc Israel giết chết một chỉ huy cấp cao của họ vào tháng 7/2024.

 

Vào ngày 6/8/2024, có bốn người đã thiệt mạng khi Israel không kích trúng một ngôi nhà ở thị trấn Mayfadoun của Lebanon, cách biên giới gần 30 km về phía bắc, theo các nguồn tin y tế và an ninh.

 

Cuộc tấn công được thực hiện trong lúc căng thẳng giữa Israel với Iran và Hezbollah ngày càng gia tăng, làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột lớn.

 

Các lực lượng này sẽ ứng phó ra sao nếu một cuộc chiến lớn nổ ra?

 

 

Lãnh đạo chính trị của Hamas là Ismail Haniyeh đã bị ám sát thủ đô Tehran của Iran. (Ảnh: BBC Việt ngữ)

 

 

 

Tuần trước, Hamas cho biết lãnh đạo chính trị của họ, Ismail Haniyeh, đã bị giết ở thủ đô Tehran của Iran. Israel chưa xác nhận liệu họ có đứng sau vụ ám sát này hay không.

 

Căng thẳng ngày càng gia tăng kể từ khi Iran tiến hành các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và thiết bị bay không người lái (drone) nhằm vào Israel trong ngày 13/4/2024, và một drone của Israel đã tấn công mục tiêu quân sự ở Iran. Dù không có thương vong đáng kể ở Israel nhưng việc phóng hơn 300 drone và hỏa tiễn đã chứng tỏ khả năng tấn công từ xa của Iran.

 

 

Năng lực hỏa tiễn của Iran là một phần quan trọng trong sức mạnh quân sự của nước này (Ảnh: BBC Việt ngữ)

 

 

 

Bên nào chiếm thế thượng phong?

 

BBC đã cân nhắc câu trả lời cho câu hỏi này bằng cách tham khảo các nguồn được liệt kê dưới đây, mặc dù có thể tiềm lực đáng kể của mỗi quốc gia được giữ bí mật.

 

Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) so sánh hỏa lực của quân đội Iran và Israel, thu thập nhiều nguồn chính thức và nguồn mở để đưa ra ước tính tốt nhất có thể.

 

Các tổ chức khác, chẳng hạn như Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, cũng đưa ra đánh giá, nhưng độ chính xác có thể khác nhau ở những quốc gia thường không cung cấp số liệu.

 

Chuyên gia nghiên cứu Nicholas Marsh từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo (PRIO) cho biết IISS được coi là chuẩn mực để đánh giá sức mạnh quân sự của các quốc gia trên toàn thế giới.

 

 

 

IISS cho biết Israel chi ngân sách cho quốc phòng nhiều hơn Iran, mang lại cho nước này sức mạnh đáng kể trong bất kỳ cuộc xung đột tiềm tàng nào.

 

Theo IISS, ngân sách quốc phòng của Iran là khoảng 7,4 tỷ USD vào năm 2022 và 2023, trong khi ngân sách của Israel cao hơn gấp đôi, vào khoảng 19 tỷ USD.

 

Chi tiêu quốc phòng của Israel so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP - thước đo sản lượng kinh tế) của nước này cũng cao gấp đôi so với Iran.

 

 

F-35 là một trong những chiến đấu cơ tiên tiến nhất thế giới (Ảnh: SBS Việt ngữ)

 

 

 

Động thái tiếp theo

Các đợt tấn công lẫn nhau của Israel và Hezbollah ngày càng leo thang. Israel đã tiến hành không kích vào các mục tiêu Hezbollah ở Lebanon và cho biết đã thực hiện vụ giết chết chỉ huy cấp cao Fuad Shukr của Hezbollah vào ngày 30/7/2024.

 

Hezbollah đã bắn hỏa tiễn vào miền bắc Israel. Hệ thống phòng thủ hỏa tiễn Vòm Sắt (Iron Dome) của Israel đã chặn được hầu hết các quả hỏa tiễn này.

 

Tuy nhiên, Jeremy Binnie, chuyên gia về Trung Đông tại tạp chí phân tích quốc phòng Janes, cảnh báo, "Vòm Sắt sẽ là hệ thống chính phòng thủ trước hỏa tiễn và hỏa tiễn pháo binh tầm ngắn phóng từ Lebanon, mặc dù nhiều ý kiến cho rằng Hezbollah có nhiều hỏa tiễn đến mức ít nhất họ có thể tạm thời khiến hệ thống phòng không của Israel quá tải."

 

Chuyên gia phân tích Nicholas Marsh của Viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo cho rằng: "Iran đã công bố một danh sách gồm nhiều mục tiêu. Đó có thể là một nỗ lực nhằm đánh lạc hướng. Nhưng Israel sẽ khó có thể phòng thủ tất cả các mục tiêu có thể bị tấn công."

"Điều quan trọng mà Israel cần cân nhắc là họ có thể bắn hạ bao nhiêu hỏa tiễn trước khi chúng đến gần Israel.”

 

 

Một tấm áp phích có hình cố chỉ huy cấp cao Fuad Shukr của Hezbollah trong lễ tưởng niệm một tuần kể từ khi ông này thiệt mạng trong một cuộc không kích của Israel ở Lebanon (Ảnh: SBS Việt ngữ)

 

 

 

Có thể leo thang nghiêm trọng?

 

Biên tập viên Tim Ripley của tạp chí Defense Eye có trụ sở ở Anh nói với BBC rằng các chiến lược gia quân sự nên suy nghĩ "sáng suốt" về phản ứng của Iran và Hezbollah.

"Bạn phải đặt mình vào vị trí của người Iran, Hezbollah và Houthi (các chiến binh Hồi giáo đang tấn công các tuyến vận tải quốc tế ở Trung Đông). Tại sao lại lãng phí công sức của mình để làm điều tương tự một lần nữa?"

 

Ông Ripley gợi ý rằng Iran có thể khuyến khích Hezbollah tiến hành một cuộc tấn công biên giới - có lẽ vì họ có thể thấy các cuộc tấn công ngày 7/10/2023 của Hamas đã khiến Israel bất ngờ như thế nào, trong khi các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn thông thường không dễ dàng xuyên thủng hàng phòng thủ của Israel.

 

Ông cũng cho rằng Iran có thể xem xét việc bắt giữ các tàu chở dầu nước ngoài.

 

Nhưng chuyên gia Jeremy Binnie của tạp chí quốc phòng Janes tin rằng sự leo thang như vậy khó có thể xảy ra:

 

Ông nhận định, “Lực lượng Radwan tinh nhuệ của Hezbollah đã được huấn luyện cho các hoạt động xuyên biên giới, nhưng tôi có cảm giác rằng lực lượng này sẽ không tham gia vào cuộc trả đũa,”

"Một mặt, IDF (Lực lượng Phòng vệ Israel) sẽ chuẩn bị tốt hơn nhiều cho kịch bản đó so với ngày 7/10/2023; mặt khác, việc bắt cóc dù chỉ một số ít công dân Israel cũng có thể gây ra một sự leo thang lớn, vì việc tương tự đã xảy ra vào năm 2006."

 

Vào năm 2006, Israel đã tiến hành một cuộc tấn công trên bộ ở Lebanon sau khi Hezbollah bắt cóc hai binh sĩ Israel. Hai bên đã giao tranh ác liệt và đều ghi nhận thương vong đáng kể.

 

 

Nhân viên cứu hộ tìm kiếm những người mắc kẹt trong đống đổ nát của một tòa nhà bị Israel tấn công ở trung tâm vùng ngoại ô Beirut ngày 13/8/2006 (Ảnh: BBC Việt ngữ)

 

 

 

Ông Ripley đánh giá Israel có thể tiến hành các cuộc tấn công tiếp theo vào Hezbollah để làm giảm nhuệ khí, thay vì gây tác động đáng kể đến sức mạnh cứng của nhóm này.

 

Ông nói “Đây là những gì họ đã làm ở Lebanon năm 2006 và ở Gaza hiện nay”.

 

 

Lính cứu hỏa làm nhiệm vụ trên nóc một ngôi nhà ở miền bắc Israel bị trúng hỏa tiễn trực tiếp từ miền nam Lebanon vào ngày 23/7/2006 (Ảnh: BBC Việt ngữ)

 

 

 

Lợi thế công nghệ

Số liệu của IISS cho thấy Israel có 340 máy bay quân sự sẵn sàng chiến đấu, giúp nước này có lợi thế thực hiện các cuộc không kích chính xác.

 

Trong số đó có các chiến đấu cơ dòng F-15 với tầm tấn công xa, dòng F-35 công nghệ cao có thể "tàng hình" để tránh radar và có thể tấn công nhanh.

 

Còn phía Iran, IISS ước tính nước này có khoảng 320 máy bay có khả năng chiến đấu. Các máy bay phản lực này có niên đại từ những năm 1960, bao gồm các dòng F-4, F-5 và F-14 (chiếc máy bay nổi tiếng trong bộ phim Top Gun – Phi công siêu đẳng năm 1986).

 

Nhưng chuyên gia phân tích Nicholas Marsh cho biết vẫn chưa rõ có bao nhiêu chiếc máy bay cũ này thực sự có thể vận hành vì việc tìm nguồn cung phụ tùng sửa chữa sẽ vô cùng khó khăn. Nguyên nhân là do lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Iran.

 

 

Hải quân Mỹ đã ngưng sử dụng dòng máy bay F-14 Tomcat gần 20 năm trước, nhưng Iran hiện vẫn dùng (Ảnh: BBC Việt ngữ)

 

 

 

Vòm sắt và Arrow

Hệ thống Vòm sắt và Arrow (Mũi tên) là xương sống của hệ thống phòng thủ Israel.

 

Kỹ sư hỏa tiễn, Uzi Rubin, người sáng lập Tổ chức phòng thủ hỏa tiễn Israel thuộc Bộ Quốc phòng nước này, nói với BBC rằng ông cảm thấy "an toàn" khi chứng kiến Vòm Sắt và các đồng minh quốc tế phá hủy gần như toàn bộ hỏa tiễn và thiết bị bay không người lái mà Iran phóng vào Israel hôm 13/4.

 

Ông Rubin, hiện là chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Viện Chiến lược và An ninh Jerusalem, cho biết: "Tôi cảm thấy rất hài lòng và rất vui... Hệ thống Vòm Sắt được thiết kế để chống lại các mục tiêu của nó. Đó là hệ thống phòng thủ hỏa tiễn tầm ngắn. Không có hệ thống nào tương tự như vậy ở bất kỳ đâu."

 

 

Hệ thống phòng thủ hỏa tiễn Vòm Sắt của Israel đã bắn hạ hơn 300 hỏa tiễn và thiết bị bay không người lái của Iran vào ngày 13/4 (Ảnh: BBC Việt ngữ)

 

 

 

Iran cách Israel bao xa?

 

Israel nằm cách Iran hơn 2.100km. Biên tập viên Tim Ripley của Defense Eye cho biết hỏa tiễn là phương tiện chính để hai bên tấn công nhau.

 

 

Chương trình hỏa tiễn của Iran được coi là lớn nhất và đa dạng nhất ở Trung Đông.

 

Năm 2022, Đại tướng Kenneth McKenzie thuộc Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ cho biết Iran có "hơn 3.000" hỏa tiễn đạn đạo.

 

Theo Dự án phòng thủ hỏa tiễn CSIS, Israel cũng xuất cảng hỏa tiễn sang một số nước.

 

 

Iran đã phóng hơn 300 hỏa tiễn và thiết bị bay không người lái vào Israel vào ngày 13/4/2024 (Ảnh: BBC Việt ngữ)

 

 

 

Hỏa tiễn và thiết bị bay không người lái của Iran

Iran đã tiến hành nhiều nghiên cứu về hệ thống hỏa tiễn và thiết bị bay không người lái kể từ cuộc chiến với nước láng giềng Iraq, từ năm 1980 đến năm 1988.

 

Nước này đã phát triển hỏa tiễn và drone tầm ngắn và tầm xa, nhiều loại trong số đó gần đây đã được phóng vào Israel.

 

Các chuyên gia nghiên cứu phân tích những hỏa tiễn do phiến quân Houthi nhắm vào Ả Rập Xê Út đã kết luận rằng chúng được sản xuất tại Iran.

 

 

Tòa nhà lãnh sự quán Iran ở Syria đã bị phá hủy trong cuộc không kích ngày 1/4/2023, khiến các quan chức quân sự cấp cao của Iran thiệt mạng (Ảnh: BBC Việt ngữ)

 

 

 

‘Trừng phạt’ bằng đòn tấn công tầm xa

Biên tập viên Tim Ripley của Defense Eye nhận định Israel khó có khả năng dính vào một cuộc chiến trên bộ với Iran: "Lợi thế lớn của Israel là sức mạnh không quân và vũ khí dẫn đường. Vì vậy, nước này có khả năng tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu quan trọng ở Iran."

 

Theo ông Ripley, Israel nhiều khả năng sẽ giết các quan chức và phá hủy các cơ sở khai thác dầu từ trên không.

 

"‘Trừng phạt’ là trọng tâm của Israel... Các nhà lãnh đạo quân sự và chính trị của Israel luôn sử dụng từ này. Đó là một phần trong triết lý của họ, rằng họ phải gây ra nỗi đau để khiến đối thủ phải suy nghĩ kỹ về việc chống lại Israel."

 

Trong quá khứ, có các nhân vật quân sự và dân sự cấp cao của Iran đã thiệt mạng trong các cuộc không kích, bao gồm cả vụ phá hủy tòa nhà lãnh sự quán Iran ở thủ đô Syria ngày 1/4/2024, khiến Iran tiến hành cuộc tấn công.

 

Israel chưa nhận trách nhiệm về vụ việc này hoặc một số vụ tấn công nhắm vào các quan chức nổi tiếng của Iran.

 

Nhưng họ cũng không phủ nhận trách nhiệm.

 

 

 

TẦM BẮN CỦA HỎA TIỄN ĐẠN ĐẠO IRAN

 

 

 

 

Lực lượng hải quân

 

Theo thông tin từ IISS, lực lượng hải quân già cỗi của Iran có khoảng 220 tàu, trong khi Israel có khoảng 60 tàu.

 

Các chuyên gia phân tích cho rằng hải quân Iran không có khả năng chiến đấu trong chiến tranh.

 

IISS cho biết hải quân Israel có khoảng 60 tàu (Ảnh: BBC Việt ngữ)

 

 

 

Tấn công mạng

Israel có nhiều thứ để mất hơn Iran trong một cuộc tấn công mạng.

 

Hệ thống phòng thủ của Iran kém hơn về công nghệ tiên tiến so với Israel, vì vậy một cuộc tấn công trên không gian mạng vào quân đội Israel có thể mang lại nhiều lợi ích hơn.

 

Ban Giám đốc Mạng Quốc gia của chính phủ Israel cho biết “cường độ các cuộc tấn công mạng đang cao hơn bao giờ hết, hơn ít nhất ba lần và tấn công vào mọi khu vực của Israel. Sự hợp tác giữa Iran và Hezbollah (tổ chức chính trị và chiến binh người Lebanon) đã tăng lên trong chiến tranh.”

 

Cơ quan này báo cáo đã có 3.380 cuộc tấn công mạng kể từ cuộc tấn công của Hamas ngày 7/10 đến cuối năm 2023.

 

Người đứng đầu Tổ chức Phòng vệ Dân sự Iran, Chuẩn tướng Gholamreza Jalali, cho biết Iran đã ngăn chặn gần 200 cuộc tấn công mạng trong tháng trước cuộc bầu cử quốc hội gần đây.

 

Vào tháng 12/2023, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Javad Owji cho biết một cuộc tấn công mạng đã gây ra sự gián đoạn tại các trạm xăng trên toàn quốc.

 

Năm 2008, Tổng thống Iran lúc bấy giờ là Mahmoud Ahmadinejad tuyên bố tăng cường sản xuất uranium tại nhà máy nguyên tử ở Natanz (Ảnh: BBC Việt ngữ)

 

 

 

Mối đe dọa nguyên tử

 

Israel được cho là có vũ khí nguyên tử riêng nhưng vẫn duy trì chính sách mơ hồ có chủ ý.

 

Iran được cho là không có vũ khí nguyên tử và bất chấp những cáo buộc ngược lại, quốc gia này phủ nhận việc đang cố gắng sử dụng chương trình nguyên tử dân sự của mình để trở thành một quốc gia có vũ khí nguyên tử.

 

 

NHỮNG QUỐC GIA NÀO CÓ VŨ KHÍ NGUYÊN TỬ?

 

 

 

Địa lý và nhân khẩu học

Iran là một quốc gia có diện tích lớn hơn nhiều so với Israel và dân số của Iran (gần 89 triệu người) gấp khoảng 9 lần dân số của Israel (gần 10 triệu người).

 

Tehran cũng có số quân nhân tại ngũ nhiều gấp sáu lần Jerusalem.

 

IISS cho biết Iran có 600.000 quân nhân, trong khi Israel có 170.000 quân.

 

 

 

Israel có thể trả đũa bằng cách nào?

Tiến sĩ Eric Rondsky, một chuyên gia nghiên cứu Trung Đông cộng tác với Đại học Tel Aviv, nói rằng Israel đã nhận trách nhiệm về thất bại khi ban bố tình trạng cảnh giác cao độ khi Iran tấn công.

 

Các lực lượng được Iran hậu thuẫn ở các nước láng giềng thường xuyên tiến hành các cuộc tấn công vào những gì có liên kết với Israel và có thể trở thành mục tiêu.

 

Jeremy Binnie, Chuyên gia Trung Đông tại tạp chí quốc phòng Janes, tin rằng Israel khó có thể trả đũa ngay lập tức: "Có khả năng họ có nhiều lựa chọn nếu muốn trả đũa, chẳng hạn như đánh bom các địa điểm ở Lebanon hoặc Syria."

 

Ông Binnie nghi ngờ việc một cuộc chiến tranh thông thường quy mô lớn sẽ diễn ra. "Lục quân sẽ không chiến đấu, hải quân sẽ không chiến đấu, họ (Iran và Israel) đang ở rất xa nhau.

 

"Chúng ta đang thấy một tình huống mà cả hai bên đều có khả năng tấn công tầm xa so với hệ thống phòng không của bên kia. Chúng ta đã thấy một mặt, đó là khả năng tấn công tầm xa của Iran so với khả năng phòng thủ của Israel vào ngày 3/8 và 4/8."

 

Ông nói rằng Israel sẽ phải vi phạm không phận của các quốc gia có chủ quyền như Syria, Jordan và Iraq.

 

Tuy nhiên, Israel có một cơ quan mật vụ giàu kinh nghiệm có thể tiến hành các hoạt động bí mật ở Iran.

 

 

Mỹ cáo buộc Iran trang bị thiết bị bay không người lái cho phiến quân Houthi ở Yemen (Ảnh: BBC Việt ngữ)

 

 

 

'Quân bài Iran'

 

Chuyên gia về các vấn đề Trung Đông Tariq Sulaiman nói với BBC Tiếng Urdu rằng trong quốc hội và nội các Israel có những thành viên ủng hộ chiến tranh, gây áp lực buộc thủ tướng Israel phải hành động. “Bất cứ khi nào Netanyahu thấy dễ bị tổn thương về mặt chính trị, ông ta sẽ ngay lập tức sử dụng quân bài Iran.”

 

Một cuộc thăm dò do Đại học Hebrew của Israel thực hiện vào tháng 4/2024 cho thấy gần 3/4 công chúng Israel phản đối một cuộc tấn công trả đũa nhằm vào Iran nếu hành động đó gây tổn hại cho liên minh an ninh của Israel với các đồng minh.

 

Thông tin từ trường này cho biết cuộc khảo sát được thực hiện vào ngày 14 và 15/4/2024 qua internet và điện thoại, lấy mẫu 1.466 đàn ông và phụ nữ đại diện cho người trưởng thành ở Israel, tính cả người Do Thái và người Ả Rập.

 

Các chiến binh Houthi đã cướp một con tàu do Anh và Nhật vận hành ở Biển Đỏ vào ngày 19/11/2023 (Ảnh: BBC Việt ngữ)

 

 

 

'Chiến tranh ủy nhiệm' của Israel và Iran là gì?

Mặc dù Israel và Iran cho đến nay chưa có chiến tranh chính thức nhưng cả hai nước đều đang xảy ra xung đột không chính thức.

 

Các nhân vật quan trọng của Iran ở các quốc gia khác bị giết trong các cuộc tấn công được cho là do Israel thực hiện. Trong đó bao gồm cả những người bị giết ở Iran, khi nước này nhắm mục tiêu vào Israel thông qua các lực lượng ủy nhiệm của họ.

 

Nhóm chiến binh và chính trị Hezbollah đang tham gia vào cuộc chiến ủy nhiệm lớn nhất của Iran chống lại Israel từ Lebanon. Iran không phủ nhận việc hỗ trợ Hezbollah.

 

Sự hỗ trợ của Iran dành cho Hamas ở Gaza cũng tương tự. Hamas đã tiến hành các cuộc tấn công ngày 7/10 vào Israel và đã bắn hỏa tiễn từ Dải Gaza vào lãnh thổ Israel trong nhiều thập niên.

 

Israel và các cường quốc phương Tây tin rằng Iran cung cấp vũ khí, đạn dược và huấn luyện cho Hamas.

 

 

Các chiến binh Houthi đã tiến hành các cuộc tấn công vào tàu trên Biển Đỏ (Ảnh: BBC Việt ngữ)

 

 

Lực lượng Houthi ở Yemen được nhiều người coi là một lực lượng ủy nhiệm khác của Iran. Ả Rập Xê Út cho biết hỏa tiễn do Houthi bắn vào nước này được sản xuất tại Iran.

 

 

Các nhóm được Iran hậu thuẫn cũng nắm giữ quyền lực đáng kể ở Iraq và Syria. Iran ủng hộ chính phủ Syria và được cho là sử dụng lãnh thổ Syria để tấn công Israel.

 

 

Với sự đóng góp tường thuật của Ahmen Khawaja, Carla Rosch và Reza Sabeti và Chris Partridge.

 

 

(BBC Việt ngữ)