Chủ tịch Hội Đồng Âu Châu, Antonio Costa (bên trái), tổng thống Ukraina, Volodymyr Zelensky (ở giữa) và chủ tịch Ủy Ban Âu Châu, Ursula von der Leyen, tại thượng đỉnh Liên Âu ở Bruxelles, ngày 06/03/2025. AP - Omar Havana
ÂU CHÂU - Bị dồn vào chân tường vì chiến tranh Ukraina, vì những tham vọng địa chính trị của Nga, vì chính đồng minh lâu đời là Mỹ bỏ rơi, Liên Hiệp Âu Châu tìm mọi cách tăng cường khả năng phòng thủ. Đâu là tiềm lực và giới hạn trong công cuộc tái vũ trang của Liên Âu mà thách thức lớn nhất là sự cạnh tranh khốc liệt giữa các hãng sản xuất vũ khí của Lục địa già và các đối thủ Hoa Kỳ?
Liên Hiệp Âu Châu triệu tập một cuộc họp thượng đỉnh bất thường bàn về quốc phòng, chuẩn bị công bố kế hoạch tái vũ trang trong một vài ngày tới, với kế hoạch huy động 800 tỷ euro nâng cao khả năng phòng thủ vì an ninh của toàn khối. Pháp, Đức và trước đó là các nước Bắc Âu, ba nước trong vùng Baltic đã chuẩn bị công luận trước « mối đe dọa xuất phát từ Nga » và kèm theo đó là thông báo Âu châu đang đứng trước thách thức về an ninh « nghiêm trọng nhất từ sau Thế Chiến Thứ Hai đến nay ». Điều đó cũng có nghĩa là trong tương lai, dân chúng sẽ phải chuẩn bị tinh thần đóng góp nhiều hơn, cả về tài chính lẫn sức lực vì an ninh của hơn 450 triệu dân trong Liên Âu.
Câu hỏi kế tiếp là cỗ máy công nghiệp trên Lục địa già đã sẵn sàng hay chưa để đáp ứng mục tiêu tái vũ trang cho cả một châu lục, vốn đã bị lơ là từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc và Liên Xô sụp đổ ? Trong cuộc chạy nước rút tăng cường khả năng phòng thủ, liệu Âu châu có nổi lên như một đối thủ cạnh tranh trực tiếp với nền công nghiệp quốc phòng của Hoa Kỳ hay không, điều mà chính quyền Trump « tối kỵ »?
Theo nhật báo tài chính Anh, Finantial Times ngày 06/03/2025 các nước cung cấp vũ khí Âu châu đồng loạt tuyên bố sẵn sàng tăng thêm đầu tư. Đây là những đại công ty có những kỹ thuật cần thiết để cung cấp những trang thiết bị hiện đại cho một cuộc xung đột ở cường độ cao.
Đành rằng nhiều thành viên Liên Âu chuộng chiến đấu cơ hiện đại của Mỹ do tập đoàn Lockheed Martin chế tạo, sử dụng đạn dược của Mỹ nhưng trong mọi lĩnh vực, từ công nghiệp chế tạo chiến đấu cơ, chế tạo hỏa tiễn hay đạn dược, xe tăng, thuốc súng … Âu châu hiện có những tên tuổi lớn trong ngành như Rheinmetall của Đức, Thales, MBDA, Dassault của Pháp, liên doanh KNDS kết hợp tập đoàn Nexter của Pháp với và Krauss Mafrei Wegmann của Đức.
Riêng trong lĩnh vực vệ tinh quân sự, hay trí tuệ nhân tạo phục vụ các hoạt động quốc phòng, Âu có phần chậm chân so với Hoa Kỳ, nhưng châu lục này đã có những công ty đang nổi lên và đủ sức cạnh tranh trực tiếp với Mỹ như Eutelsat, một đối thủ trực tiếp với hệ thống vệ tinh Starlink của Elon Musk, hay Leonardo của Ý với « hàng chục năm kinh nghiệm trong lĩnh vực radar » …
Chủ tịch tổng giám đốc tập đoàn Thales của Pháp khẳng định « Âu châu có các công nghệ cần thiết để cung cấp tất cả các sản phẩm và trang thiết bị cần thiết trong lĩnh vực quốc phòng ».
Tuy nhiên, vẫn theo báo Financial Times, nếu như phía các nước cung cấp vũ khí Âu châu đồng loạt tuyên bố sẵn sàng nhập cuộc, thì đổi lại Bruxelles và các nước thành viên phải bảo đảm đây là một dự án dài hơi, và sẽ « đều đặn » đặt hàng cho những thập niên sắp tới, chứ không phải là chỉ tăng chi phí quốc phòng khi cần.
Song có một thực tế không thể chối cãi, là trong giai đoạn 2019-2023, Mỹ là nguồn cung cấp 55 phần trăm thiết bị quân sự cho Âu châu, theo thẩm định của Viện Nghiên Cứu Quốc Tế về Hòa Bình tại Stockholm. Tại Tòa Bạch Ốc, tổng thống Donald Trump vừa đòi các nước thành viên NATO tăng ngân sách phòng thủ, vừa đòi phần còn lại của thế giới mua hàng của Mỹ để thu hẹp thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ.
Vậy liệu rằng cỗ máy công nghiệp quốc phòng Âu châu hùng mạnh có nằm trong tính toán của Washington hay không ? Nhất là vào lúc các tập đoàn công nghiệp quốc phòng Âu châu đòi được bảo đảm l Âu à châu ưu tiên mua thiết bị vũ khí của Âu châu. Không dễ để nhom Big Five - quy tụ 5 nhà sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự lớn nhất của Hoa Kỳ - nhường chỗ hay chia sẻ sân chơi với các đối tác Âu châu.
Theo giới quan sát, chủ trương « đặt quyền lợi của Hoa Kỳ lên trước – America First » và việc Washington quay lưng lại với các đồng minh truyền thống cả về quân sự, an ninh lẫn kinh tế, thương mại là yếu tố thúc đẩy Âu châu bớt phụ thuộc vào vũ khí của Mỹ. Đó là một lợi thế cho các tập đoàn sản xuất trên Lục địa già.
Trong phần trang đặc biệt nói về tiềm lực của nền quốc phòng Âu châu, báo La Croix ghi nhận : vì chiến tranh Ukraina các nhà máy của Pháp hoạt động tối đa. Cuộc xung đột này cho phép thu ngắn 50 phần trăm thời gian để sản xuất những hệ thống pháo tự hành CAESAR của Pháp… Những hứa hẹn từ các chương trình tăng chi tiêu quân sự của Liên Hiệp Âu Châu đang mở ra những triển vọng tươi sáng cho cả mảng công nghiệp quốc phòng của châu lục này, nhưng cũng là một thách thức khi biết rằng Âu châu không có nhiều thời gian.
Cuối cùng, bên cạnh những trở ngại về tài chính, về thời gian, về yếu tố địa chính trị, để thành công trong mục tiêu tái vũ trang, Liên Hiệp Âu Châu còn phải vượt qua được một thách thức lớn đó là những tính toán ích kỷ và những hiềm khích cạnh tranh giữa các thành viên. Ba Lan, chẳng hạn, đã phải mua thiết bị quân sự của Nam Hàn do các đối tác Âu châu không cung cấp kịp, nhưng Vacxava đã bị Paris chỉ trích mạnh mẽ trong quyết định này. Đó là chưa kể bản thân nước Đức dù muốn mua vũ khí của Âu châu và do chính các tập đoàn Đức sản xuất nhưng làm thế nào khi mà tập đoàn Raytheon của Hoa Kỳ đang xây dựng nhà máy đầu tiên trên lãnh thổ Đức để sản xuất đạn dược cho hệ thống hỏa tiễn phòng không Patriot ?
Quả thực, con đường còn dài trong công cuộc tái vũ trang cho Liên Âu.
(Theo RFI)