Các thủy thủ Đài Loan chào cờ trên boong của tàu tiếp tế Panshih sau khi tham gia cuộc tập trận thường niên, tại căn cứ hải quân Tsoying ở Cao Hùng vào ngày 31/1/2018. (Nguồn ảnh: MANDY CHENG / AFP / Getty Images)

 

 

 

Ngày 13/10, Đài Bắc cáo buộc Bắc Kinh “tạo ra khủng bố” sau khi truyền thông nhà nước phát sóng một loạt các thông tin về hoạt động gián điệp trong đó có lời thú tội của hai công dân Đài Loan đang bị Trung Quốc giam giữ.

 

 

Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV đưa tin rằng, các nhân viên an ninh của Bắc Kinh đã truy quét hàng trăm vụ gián điệp liên quan đến Đài Loan và bắt giữ “một loạt gián điệp Đài Loan và đồng phạm”.

 

 

Vào tối ngày 12/10, CCTV đã phát sóng một lời thú tội có chủ đích của Cheng Yu-chin. Người này được xác định là phụ tá của một cựu lãnh đạo đảng cầm quyền của Đài Loan.

 

 

Theo thông tin, anh Cheng được tình báo Đài Loan tuyển mộ khi sống ở Cộng hòa Séc và bị bắt vào tháng 4/2019 tại Trung Quốc.

 

Một người đàn ông Đài Loan khác tên là Lee Meng-chu, cũng xuất hiện trên CCTV vào 11/10, thú nhận rằng, anh đã ghi hình các cuộc tập trận quân sự ở đại lục vào năm 2019.

 

Ngày 13/10, Thủ tướng Đài Loan Su Tseng-chang đã bác bỏ cáo buộc gián điệp của Bắc Kinh và nói đây là chiến dịch nhằm bôi nhọ Đài Loan.

 

Ông Su Tseng-chang nói  “Trung Quốc là một quốc gia độc tài và luôn làm những việc như vậy để xâm nhập và phá hoại”,

 

“Bản thân họ đang làm [những việc đó] nên họ nghĩ rằng người khác đang làm [giống họ]. Trung Quốc không cần phải hoang tưởng như thế”.

 

 

Bộ Ngoại giao Đài Loan nói rằng, các cáo buộc gián điệp đối với anh Cheng là "cố tình bịa đặt có động cơ và vi phạm các quyền cơ bản của con người", ông Su nói.

 

 

CCTV đưa tin rằng, anh Cheng đã bị bắt vào tháng 4/2019. Nhưng anh Cheng xuất hiện và thú tội trên trên TV chỉ vài tuần sau khi một số chính trị gia của Séc đến thăm Đài Loan khiến Bắc Kinh tức giận.

 

 

Theo CCTV, anh Cheng đã cộng tác với các đơn vị gián điệp Đài Loan từ năm 2005.

 

 

Còn anh Lee bị giam giữ vào tháng 8/2019 tại Thâm Quyến và bị giam giữ bất hợp pháp từ đó đến nay.

 

 

Người thân của anh Lee cho biết, anh đã mất tích sau khi từ Hong Kong đến Thâm Quyến vào ngày 19/8/2019.

 

 

Năm 2019, Hong Kong chìm trong những cuộc biểu tình rầm rộ kéo dài nhiều tháng chống lại luật dẫn độ sang Trung Quốc. Sau đó, luật này đã bị huỷ bỏ. 

 

 

Vào thời điểm đó, hàng nghìn quân cảnh Trung Quốc cùng xe bọc thép đã tập trận tại một sân vận động ở tỉnh Thâm Quyến.

 

 

Các cuộc điều động tập trận như vậy đã làm dấy lên suy đoán rằng, Trung Quốc sẽ triển khai lực lượng để can thiệp vào tình hình bất ổn ở Hong Kong.

 

 

Xuất hiện trên trên đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV, anh Lee thú nhận"Tôi đã lấy điện thoại của mình để quay một số video. Tôi xin lỗi. Tôi đã làm rất nhiều điều tồi tệ".

 

 

Bắc Kinh vốn coi Đài Loan dân chủ là lãnh thổ của riêng mình và kiên quyết sáp nhập quốc đảo vào “Một Trung Quốc”.

 

 

Kể từ khi đắc cử Tổng thống Đài Loan vào năm 2016, bà Thái Anh Văn luôn coi Đài Loan là một quốc gia có chủ quyền và không phải là một phần của "một Trung Quốc" như luận điệu của Bắc Kinh.

 

 

Bắc Kinh đã cắt đứt quan hệ chính thức với chính phủ của bà Thái và liên tục  gây sức ép về quân sự, kinh tế và ngoại giao lên quốc đảo.

 

 

Các máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã tiến vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan 9 lần chỉ trong tháng Mười, và hơn 46 lần chỉ trong hơn 1 tuần vào giữa tháng Chín.

 

 

Nhiều công dân Đài Loan đã bị Trung Quốc giam giữ bất hợp pháp với cáo buộc phạm nhiều tội chống nhà nước Trung Quốc.

 

 

Hệ thống tư pháp của Trung Quốc vốn được biết đến là không rõ ràng, độc tài và phụ thuộc vào Đảng Cộng sản Trung Quốc đang cầm quyền. Các nhóm nhân quyền nói rằng, Bắc Kinh thường xuyên áp dụng việc thú tội cưỡng bức trên truyền hình.

Nguyễn Minh
Theo Asia Times

(NTDVN.COM)