Khi kim ngạch xuất cảng rượu vang tăng vọt trong năm ngoái, Trung Quốc hiện muốn biến vùng sản xuất rượ u chủ lực của quốc gia là Ninh Hạ trở thành đối thủ cạnh tranh của thủ phủ rượu vang Bordeaux, Pháp.

 

 

 

Trong kế hoạch mới nhất mà Bắc Kinh phê duyệt hồi cuối tháng 5, các nhà hoạch định chính sách đặt mục tiêu nâng sản lượng lên 600 triệu chai rượu với doanh thu 20 tỷ Nhân dân tệ (3,12 tỷ USD). Dãy núi Helan tại Ninh Hạ cách Bắc Kinh khoảng 2 giờ bay về phía Tây, nằm ở vĩ độ tương tự vĩ độ của thủ phủ rượu vang Bordeaux, Pháp.

 

 

“Nếu đạt mục tiêu này, sườn phía đông dãy núi Helan sẽ trở thành khu vực sản xuất rượu vang quan trọng với tầm ảnh hưởng quốc tế và quy mô tương đương Bordeaux” - trích lời Sui Pengfei, Giám đốc hợp tác quốc tế tại Bộ Nông nghiệp Trung Quốc.

 

 

Ninh Hạ chỉ là một trong số những vùng sản xuất rượu vang ở Trung Quốc, nhưng sườn núi phía Đông của dãy Helan, Ninh Hạ là nơi trồng và canh tác nhiều loại nho khác nhau tương tự như Bordeaux ở Pháp hoặc Thung lũng Napa ở Mỹ, và chiếm phần lớn sản lượng nho trong nước.

 

 

Dù mục tiêu sản lượng đến năm 2035 cao gấp 4 lần sản lượng hàng năm hiện nay của Ninh Hạ, con số này tương đương với sản lượng hiện tại của thủ phủ rượu vang Pháp Bordeaux. Năm ngoái, Bordeaux sản xuất 522 triệu chai rượu vang trị giá 3,5 tỷ Euro (4,16 tỷ USD).

 

 

Tại Trung Quốc, bất chấp cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19, kim ngạch xuất cảng rượu vang của Ninh Hạ đã tăng 6,4% lên 2,65 triệu Nhân dân tệ (khoảng 414.100 USD), theo cơ quan hải quan địa phương. Các thị trường xuất cảng chính bao gồm Mỹ, Liên minh Châu Âu, Úc và Nhật Bản.

 

 

Chẳng hạn, nhà máy rượu Xige Estate có trụ sở tại Ninh Hạ đã mở rộng thị trường xuất cảng một số dòng rượu vang sang Canada vào năm ngoái. Người sáng lập Zhang Yanzhi cho hay công ty sẽ bắt đầu xuất cảng rượu sang Thụy Sĩ, Nhật Bản và Pháp với số lượng hạn chế trong năm nay, đồng thời xây dựng kế hoạch thâm nhập thị trường Mỹ. Tuy nhiên, kế hoạch dài hạn chủ yếu tập trung vào thị trường tiêu thụ nội địa, với sản lượng xuất cảng chỉ chiếm 10-20%.

 

 

Hiện Trung Quốc đứng thứ 6 toàn cầu về giá trị tiêu thụ rượu vang và đứng thứ 10 về sản lượng tính theo lít, theo báo cáo hàng năm vừa được Tổ chức Rượu vang quốc tế công bố hồi tháng 4. Báo cáo lưu ý rằng sản lượng và tiêu thụ rượu của Trung Quốc đã giảm trong vài năm qua, nguyên nhân có thể do điều kiện khí hậu khó khăn và năng suất thấp. Các vấn đề này ”đang làm cho ngành công nghiệp rượu Trung Quốc trở nên kém cạnh tranh hơn so với rượu nhập cảng”, các tác giả cho hay.

 

 

 

Nhập cảng rượu vang Úc vào Trung Quốc giảm mạnh.

 

Việc Bắc Kinh thúc đẩy phát triển vùng rượu vang Ninh Hạ đến tại thời điểm quan hệ Úc - Trung xấu đi rõ rệt.

 

 

Trước năm 2020, Úc là nguồn cung cấp rượu ngoại lớn nhất của Trung Quốc, cao hơn Pháp. Tuy nhiên, những mức thuế nhập cảng mà Trung Quốc áp đặt với rượu vang Úc hồi tháng 3 năm nay do nghi vấn bán phá giá đã làm giảm mạnh lượng rượu vang Úc vào thị trường tỷ dân.

 

 

Hiệp hội ngành công nghiệp rượu vang của Úc, Wine Australia, cho biết trong một báo cáo tuần này rằng chỉ có 12 triệu AUD (9,3 triệu USD) rượu vang đã vào được thị trường Trung Quốc trong khoảng thời gian tháng 12/2020 đến tháng 3/2021. Con số này giảm mạnh từ mức 325 triệu AUD cùng kỳ năm trước.

 

 

Sự sụt giảm kỷ lục xuất hiện sau khi vào tháng Tám năm ngoái, Bắc Kinh tuyên bố sẽ bắt đầu hai cuộc điều tra về hoạt động bán phá giá và trợ cấp cho các doanh nghiệp rượu vang Úc do nhận được đơn khiếu nại từ Hiệp hội Công nghiệp Rượu Trung Quốc. Đơn khiếu nại chỉ ra rằng chính phủ Úc đã đưa ra 40 chương trình trợ cấp, cho phép các nhà sản xuất rượu Úc cung cấp mặt hàng rượu giá rẻ vào thị trường Trung Quốc, tạo nên môi trường cạnh tranh không lành mạnh. Trong một tuyên bố, Bộ Thương mại Trung Quốc quyết định sẽ tiến hành điều tra 37 chương trình trợ cấp trên tổng số 40 chương trình bị kiến nghị.

 

 

Kết thúc cuộc điều tra, phía Trung Quốc đưa ra kết luận hiện tượng bán phá giá gây ra thiệt hại thị trường lớn với ngành công nghiệp rượu trong nước, đồng thời áp đặt mức thuế chống bán phá giá từ 107,1% đến 212,1%.

 

 

Ông Tony Battaglene, Giám đốc điều hành Hiệp hội Rượu vang và Nho Úc cho biết mặc dù các nhà sản xuất Úc đã chuyển hướng sang tìm kiếm những thị trường mới ở Anh, Mỹ và Đông Nam Á nhưng sẽ mất một khoảng thời gian để phục hồi các khoản thiệt hại do rào cản xuất cảng sang thị trường Trung Quốc.