* Bản tin cập nhật lúc 17h35 ngày 31-3
Thụy Sĩ có hơn 300 ca tử vong vì COVID-19
Số người chết vì COVID-19 ở Thụy Sĩ đã tăng lên 373 từ 295 người từ hôm qua, theo cơ quan y tế công cộng nước này. Số ca bệnh COVID-19 cũng tăng từ 15.575 lên 16.176.
Belarus ghi nhận ca tử vong đầu tiên
Hãng tin Belta dẫn lời Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cho biết một bệnh nhân COVID-19 đã qua đời, là ca tử vong đầu tiên vì dịch bệnh do virus corona ở nước này. Hiện Belarus có 152 ca bệnh COVID-19.
Indonesia thêm 114 ca bệnh mới, tổng số 1.528 ca
Bộ Y tế Indonesia hôm nay 31-3 cho biết nước này đã có thêm 114 ca nhiễm corona, nâng tổng số người bệnh lên 1.528 trường hợp.
Cũng đã có thêm 14 người chết, nâng tổng số người chết vì COVID-19 của Indonesia là 136, mức cao nhất tại khu vực Đông Nam Á.
Ngày 31-3, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi thông báo chính phủ nước này quyết định cấm nhập cảnh và quá cảnh đối với toàn bộ hành khách nước ngoài để ngăn chặn COVID-19 lây lan. Hiện chưa rõ lệnh cấm kéo dài bao lâu.
Tây Ban Nha tăng hơn 9.000 ca nhiễm mới và gần 850 người chết trong 1 ngày
Theo số liệu mới công bố hôm nay 31-3 của Bộ Y tế Tây Ban Nha, trong vòng 24 tiếng vừa qua, nước này đã tăng thêm 9.222 ca nhiễm. Cụ thể, tổng số ca bệnh ngày 31-3 là 94.417 ca, tăng 9.222 ca so với 85.195 ca ngày trước đó.
Bên cạnh đó, số người chết vì COVID-19 trong vòng 24 giờ qua cũng đã tăng thêm 849 người. Theo đó, tổng số người chết tại Tây Ban Nha tính tới hôm nay 31-3 là 8.189, tăng 849 người so với 7.340 người của ngày trước đó.
Bé gái 12 tuổi chết vì COVID-19 tại Bỉ
Hãng tin AFP hôm nay 31-3 dẫn nguồn tin từ giới chức y tế Bỉ xác nhận một bé gái 12 tuổi bị COVID-19 đã chết. Người phát ngôn chính phủ Bỉ, bác sĩ Emmanuel Andre, thừa nhận độ tuổi còn nhỏ của người bệnh vừa qua đời “là điều rất hiếm xảy ra”, đồng thời nói thêm cái chết của cô bé “làm chúng tôi sửng sốt”.
Chưa rõ cô bé xấu số này có bị bệnh nền gì khác không. Đây cũng là trường hợp đầu tiên một em nhỏ chết vì COVID-19 tại Bỉ. Quốc gia này hiện có tổng cộng 705 người chết vì COVID-19 theo thống kê mới nhất.
Pháp vượt 3.000 người chết
Theo hãng tin Reuters, các trực thăng quân đội đã được huy động để chở những người bệnh nặng nhất từ khu vực phía đông tới các bệnh viện ở nước ngoài cứu chữa.
Vùng Grand Est là nơi đầu tiên của Pháp quá tải trước số lượng ca nhiễm tăng vọt. Các bệnh viện đều phải khẩn trương bổ sung giường bệnh để giải quyết tình trạng này.
Số người chết vì COVID-19 từ 1-3 ở Pháp đã tăng 16%, lên 3.024 ca. Trong khi đó, số ca phải nằm phòng hồi sức tích cực tăng hơn 10%, lên 5.107 ca, tăng sau 2 ngày giảm.
Thủ tướng Pháp đã cảnh báo với 67 triệu dân trong nước những tuần chống dịch căng thẳng nhất vẫn còn ở phía trước. Trong khi đó, các bác sĩ tại Paris ngày 30-3 cho biết bệnh viện của họ đã gần như không thể tiếp nhận được thêm người bệnh.
Pháp đã tăng số giường bệnh tại các phòng hồi sức tích cực từ 5.000 lên khoảng 10.000 kể từ khi khủng hoảng dịch bệnh bắt đầu và đang nỗ lực đạt tới 14.500 giường.
Các nhân viên y tế tin rằng những tác dụng từ lệnh phong tỏa toàn quốc đã được áp dụng từ 17-3 sẽ bắt đầu cảm nhận được vào cuối tuần này.
Iran có thêm 141 người chết vì COVID-19, hơn 3.700 người đang nguy kịch
Theo hãng tin Reuters, người phát ngôn Bộ Y tế Iran, ông Kianush Jahanpur, hôm nay 31-3 phát biểu trên đài truyền hình quốc gia cho biết nước này có thêm 141 người chết vì virus corona. Như vậy tổng số người chết vì COVID-19 của Iran tới nay là 2.898, tổng số ca nhiễm cũng tăng lên 44.606.
Trong vòng 24 giờ qua, Iran cũng ghi nhận thêm 3.111 ca nhiễm mới. Theo ông Jahanpur, đáng lo ngại khi có tới 3.703 người bệnh COVID-19 của nước này đang trong tình trạng nguy kịch.
Hơn 93% người bệnh COVID-19 ở Hồ Bắc bình phục
Tính tới 31-3, theo Thời báo Hoàn Cầu, hơn 63.000 người bệnh COVID-19 ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc đã bình phục và được ra viện.
Theo nhóm chỉ đạo chống đại dịch của chính phủ trung ương Trung Quốc, tỉ lệ khỏi bệnh ở tỉnh này đã đạt hơn 93%.
Đức tăng thêm 4.615 ca nhiễm và 128 người chết trong 24 giờ
Hãng tin Reuters dẫn số liệu của Viện Robert Koch (RKI) của Đức hôm nay 31-3 cho biết tổng số ca bệnh COVID-19 đã xác định của nước này tăng lên 61.913 người, trong đó tổng số người chết là 583.
Như vậy, so với ngày trước đó (30-3), số ca nhiễm mới tăng thêm là 4.615, số ca chết tăng thêm là 128.
Theo hãng tin Reuters, thành phố Jena ở miền đông nước Đức đã học theo cách làm của Áo, vừa phát lệnh yêu cầu toàn dân phải đeo khẩu trang khi đi siêu thị hay đi trên các phương tiện giao thông công cộng.
Trong hai tuần qua, nhiều bang của Đức cũng đã đóng cửa trường học, nhà hàng, quán bar, cấm tụ tập đông người. Thành phố Jena có 119 ca nhiễm.
Hàn Quốc lại xuất hiện ổ dịch ở một nhà thờ
Chính quyền Hàn Quốc hôm nay 31-3 thông báo ghi nhận tổng cộng 32 trường hợp nhiễm virus corona chủng mới có liên quan tới một nhà thờ thuộc một nhánh của đạo Tin lành ở thủ đô Seoul.
Theo hãng tin Yonhap, trong số đó, 25 người bệnh là tín đồ của nhà thờ trung tâm Manmin nằm ở phường Guro, phía tây nam Seoul. 7 người còn lại là các thành viên trong gia đình và bạn bè họ. Số ca bệnh COVID-19 được xác định tại nhà thờ này đã tăng lên nhanh kể từ khi ca bệnh đầu tiên ghi nhận ngày thứ tư tuần trước (25-3).
Nhà chức trách đã truy lại những người có tiếp xúc gần với 487 tín đồ của nhánh tôn giáo này và những người quen của họ. Trong số này, 444 người có kết quả âm tính với virus corona, 11 người đang chờ kết quả.
Theo giới chức thành phố, nhà thờ đã tổ chức các hoạt động online từ đầu tháng 3, nhưng một số tín đồ vẫn tổ chức tụ tập để quay phim và sản xuất các nội dung online.
Nga tăng 500 ca nhiễm mới trong một ngày
Theo hãng tin Reuters, trong hôm nay 31-3, số ca nhiễm virus corona ở Nga tăng thêm 500 người, đây cũng là mức tăng cao nhất theo ngày trong 7 ngày liên tiếp. Như vậy tổng số người bệnh của Nga hiện là 2.337, trong đó 18 người đã chết và 121 người đã khỏi bệnh.
6 nước châu Phi vẫn đang ‘miễn nhiễm’ corona
Theo hãng tin AFP, tới giờ, trong số 54 quốc gia của châu Phi, vẫn còn 6 nước chưa công bố có ca nhiễm virus corona chủng mới nào. Đó là Nam Sudan, Burundi, Sao Tome và Principe, Malawi, Lesotho và Comoros.
Chính quyền những nước này nói họ đã được Chúa che chở khỏi dịch bệnh, hoặc vì mạng lưới đi lại đường không quốc tế có rất ít chuyến bay tới họ. Tuy nhiên cũng có ý kiến lo ngại cho rằng có thể vì thiếu thốn điều kiện xét nghiệm ở đây nên tình hình dịch bệnh thực tế đã không được phản ánh đúng.