Thủ tướng Úc Scott Morrison khẳng định không bao giờ ủng hộ thỏa thuận thương mại giữa tiểu bang Victoria và Trung Quốc liên quan đến "Sáng kiến Vành đai và Con đường". Ảnh: ABC ÚC

 

Thủ tướng Scott Morrison phải lên tiếng sau khi Mỹ dọa ngừng chia sẻ thông tin tình báo với Úc với lý do tiểu bang Victoria của nước này ký "Sáng kiến Vành đai và Con đường" với Trung Quốc.

 

Ngày 24-5, Thủ tướng Scott Morrison khẳng định không bao giờ ủng hộ thỏa thuận thương mại giữa tiểu bang Victoria của Úc và Trung Quốc sau khi tiểu bang này ký kết "Sáng kiến Vành đai và Con đường" (BRI) do Bắc Kinh khởi xướng, tờ Daily Mail cho hay.

 

Phát biểu trên một tờ báo địa phương, Thủ tướng Morrison nhấn mạnh: "Chúng tôi đã không ủng hộ quyết định đó vào thời điểm họ ký kết BRI. Lợi ích quốc gia có liên quan đến các vấn đề đối ngoại cần phải do chính phủ liên bang quyết định”.

 

Thủ tướng Úc, Scott Morrison, không ủng hộ tiểu bang Victoria ký kết các thỏa thuận thương mại liên quan đến Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Ảnh: DAILY MAIL

 

 

Ông Morrison nói thêm."Tôi mong muốn cần thực thi pháp luật về các vấn đề như vậy, và họ (tiểu bang Victoria) phải chịu trách nhiệm. Đó phải luôn là một thông lệ cho các bang tôn trọng và công nhận vai trò của chính phủ liên bang trong việc thiết lập chính sách đối ngoại"

 

Những bình luận của Thủ tướng Morrison được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo dọa loại Canberra khỏi nhóm chia sẻ thông tin tình báo Five Eyes (gồm Anh, Canada, Mỹ, New Zealand và Úc) nếu thỏa thuận của tiểu bang Victoria trong BRI có thể làm ảnh hưởng đến hạ tầng viễn thông Úc, theo Daily Mail.

 

Ông Pompeo nói  “Tôi không biết chính xác bản chất những dự án đó là gì. Nhưng trong một phạm vi nào đó, chúng có tác động tiêu cực đến khả năng bảo vệ mạng viễn thông trước các yếu tố nước ngoài, đến mạng lưới an ninh trong quốc phòng và cộng đồng tình báo chúng ta”

 

Ngoại trưởng Mike Pompeo dọa loại Úc khỏi liên minh chia sẻ thông tin tình báo Five Eyes. Ảnh: AFP

 

 

Nói về việc tiểu bang Victoria ký kết BRI, ông Pompeo nhấn mạnh: "Mỗi công dân Úc nên biết những dự án liên quan đến BRI cần phải được xem xét kỹ lưỡng”.

 

Daily Mail dẫn lời ông Pompeo nói rằng trong một số trường hợp, các khoản vay với lãi suất ưu đãi hoặc những điều kiện trong các văn bản ký nợ và cả những nhượng bộ của Trung Quốc thường "có những rủi ro cho người dân ở vùng đó, quốc gia đó".

 

Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại Úc, Arthur Culvahouse, nói rằng Washington vẫn tin tưởng Caberra sẽ có các biện pháp cụ thể và cần thiết nhằm bảo vệ an ninh của các mạng viễn thông.

 

Ông Culvahouse nói "Chúng tôi không giấu giếm những lo ngại của mình về mạng 5G nhưng chúng tôi khen ngợi sự lãnh đạo của họ về vấn đề này. Chúng tôi không biết tiểu bang Victoria có tham gia bất kỳ dự án cụ thể nào theo BRI hay không, huống chi những dự án ảnh hưởng các mạng viễn thông”

 

Hiện Victoria là tiểu bang duy nhất của Úc ký BRI để có thể nhận các khoản vay và đầu tư vào những dự án cơ sở hạ tầng. Việc ký kết này của bang tiểu Victoria cũng hứng chịu nhiều chỉ trích.

 

Về vấn đề này, Thủ hiến tiểu bang Victoria, Daniel Andrews, từ chối trả lời các bình luận từ Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.

 

Theo Daily Mail, ông Andrew chỉ nói về người dân Victoria và bảo vệ thỏa thuận nhằm bảo đảm việc làm.

 

Ông Andrews nói "Quan điểm của chúng tôi cần được hiểu rõ rằng: đó là tất cả liên quan đến việc làm của người dân Victora. Chúng tôi sẽ tiếp tục các hành động trong một mối quan hệ đối tác mạnh mẽ. Điều đó không có nghĩa chúng tôi đồng ý về mọi thứ, sẽ có nhiều điều chúng tôi hoàn toàn không đồng ý”

 

Ông Daniel Andrews - Thủ hiến tiểu bang Victoria. Ảnh: GETTY IMAGES

 

 

Ông Andrews còn nhấn mạnh: “Tất cả chúng ta và các bên trong mối quan hệ giữa tiểu bang Victoria, nước Úc và Trung Quốc đều phải thừa nhận rằng một quan hệ đối tác mạnh mẽ là vì lợi ích của mọi người”.

 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã công bố BRI vào năm 2013. Đây được xem là một dự án cơ sở hạ tầng đầy tham vọng trong lịch sử thế giới hiện đại với mong muốn "xâu chuỗi" các quốc gia từ Nam Thái Bình Dương đến châu Á, qua châu Phi, Trung Đông và châu Âu.

 

Trong đó, những dự án nhiều triệu USD đa phần sẽ do các nhà thầu Trung Quốc đảm nhận và được tài trợ bằng các khoản vay từ các ngân hàng của nước này, theo Daily Mail