Phi cơ Rafale tại triển lãm phi cơ quân sự Aero India 2025, ở căn cứ Yelahanka, tại Bengaluru, ngày 11/02/2025. © ARUN SANKAR / AFP
NAM Á - Trung Quốc khẳng định ủng hộ Pakistan « bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ ». Dù chuyến công du ba ngày từ 19-21/05/2025 của ngoại trưởng Pakistan được lên lịch từ lâu nhưng trùng thời điểm Pakistan sử dụng vũ khí của Trung Quốc đã bắn hạ chiến đấu cơ Rafale mà Ấn Độ mua của Pháp. Tiềm năng hai nước láng giềng thắt chặt quân sự khiến Ấn Độ dè chừng nhưng cũng không thể phản ứng thái quá.
Quân đội Pakistan trở thành nhà quảng cáo bất ngờ cho vũ khí của Trung Quốc. Ba chiến đấu cơ Rafale do tập đoàn Dassault của Pháp sản xuất bị bắn hạ, phía Ấn Độ khẳng định chỉ có một, bằng vũ khí và hỏa tiễn do Trung Quốc sản xuất. Đối với giới chuyên gia, có thể coi đây là bằng chứng về tiến bộ của ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc, « một cơ hội hiếm có để cộng đồng quốc tế đánh giá thiết bị quân sự Trung Quốc trên thực địa trước vũ khí Tây phương », theo nhà phân tích Lyle Morris, Viện Asia Society Policy.
Thực vậy, chuyên viên nghiên cứu Siemon Wezeman, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (Sipri), lưu ý với AFP đây là « lần đầu tiên kể từ thập niên 1980, một nước sử dụng một số lượng lớn vũ khí Trung Quốc với nhiều chủng loại khác nhau tấn công vào một nước khác ». Còn giáo sư Lin Minwang, phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu Nam Á, Đại học Phúc Đán, cho rằng sau thành công này, Bắc Kinh và Islamabad « có thể tìm cách thắt chặt mối quan hệ quân sự và quốc phòng ». Pakistan chủ yếu sử dụng vũ khí của Trung Quốc, chiếm đến 81% khối lượng nhập cảng của nước này từ 2020 đến 2024, theo thống kê của Sipri.
Trung Quốc trong thế tế nhị giữa Ấn Độ và Pakistan
Việc chọn Bắc Kinh là điểm xuất ngoại đầu tiên của ngoại trưởng kiêm phó thủ tướng Pakistan cũng mang đầy ý nghĩa. Ivan Lidarev, nhà nghiên cứu khách mời của Viện Nghiên cứu Nam Á, Đại học Singapore, được báo mạng Hồng Kông South China Morning Post trích dẫn ngày 20/05, phân tích : « Đối với Ấn Độ, Pakistan gửi đi thông điệp là nước này nhận được sự ủng hộ của Trung Quốc trong trường hợp leo thang căng thẳng, và đối với Mỹ, là trong trường hợp Washington ngừng làm nhà hòa giải hoặc ủng hộ Ấn Độ thì sẽ đẩy Islamabad vào sâu quỹ đạo của Trung Quốc ».
Không chỉ dừng ở hợp tác quân sự, Bắc Kinh và Islamabad còn nổi tiếng về mối quan hệ thương mại trong đó phải kể đến Vành đai Kinh tế Trung Quốc-Pakistan trong khuôn khổ Những con đường tơ lụa mới. Bắc Kinh cũng giữ vai trò quan trọng trong việc tái lập ổn định ở các nước láng giềng. Điều này được giải thích trong việc ngoại trưởng Pakistan công du Bắc Kinh còn nhằm tham gia Đối thoại chiến lược ba bên với Afghanistan, trong khi giới lãnh đạo Taliban không được cộng đồng quốc tế công nhận.
Ấn Độ thận trọng
Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng sẽ phải hết sức thận trọng với mối quan hệ với New Delhi vì chuyến thăm của ngoại trưởng Pakistan diễn ra chỉ vài ngày sau vụ tấn công khủng bố và vụ đụng độ đẫm máu giữa hai nước Nam Á. Nhà nghiên cứu Ivan Lidarev cho rằng « nhìn từ quan điểm này, các nhà ngoại giao Ấn Độ có thể coi đây là sự cam kết giữa Trung Quốc và Pakistan » và là một lời cảnh báo tinh tế từ phía Bắc Kinh. Điểm này cũng được giáo sư Lin Minwang, Đại học Phúc Đán, đồng tình khi cho rằng « Trung Quốc cần phải đứng giữa, tránh để bị coi là thiên về một bên » cho dù « Tiềm năng Trung Quốc đóng vai trò hòa giải là rất hạn chế và có ít cơ hội New Delhi chấp nhận nỗ lực của Bắc Kinh ».
Thực vậy Ấn Độ cũng có tranh chấp lãnh thổ với cả Pakistan và Trung Quốc, phản ứng thái quá sẽ chỉ đẩy hai kẻ thù xích lại gần nhau hơn. Cho dù Bắc Kinh khẳng định ủng hộ Islamabad « bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ », New Delhi có thể sẽ tránh phản ứng thái quá về chuyến công du của ngoại trưởng Pakistan. Nhà nghiên cứu Li Hongmei, Trung tâm Nghiên cứu Nam Á của Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải cho rằng « mối quan hệ giữa Trung Quốc và Pakistan không nên được coi là điều kiện tiên quyết cho mối quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ ». Đặc biệt trong bối cảnh, nhà hòa giải Mỹ, với tổng thống Donald Trump khó đoán, chủ trương « Nước Mỹ trên hết », đối với Ấn Độ, ưu tiên cấp bách là tái lập ổn định trong khu vực và tạo thuận lợi cho mối quan hệ được cư xử tốt với một cường quốc như Trung Quốc.
(Theo RFI)