Từ trái sang : Phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Quốc Phòng Úc Richard Marles, ngoại trưởng Úc Penny Wong, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin, trong cuộc họp báo tại Annapolis, Hoa Kỳ, ngày 06/08/2024. AP - Susan Walsh

 

 

THÁI BÌNH DƯƠNG - Mỹ sẽ gia tăng hiện diện quân sự ở Úc. Vào năm 2025, Canberra sẽ cùng Washington sản xuất nhiều loại vũ khí hiện đại để tăng cường khả năng cung cấp cho các đồng minh ở Ấn Độ-Thái Bình Dương. Trong buổi họp báo ngày 06/08/2024 sau hội nghị 2+2 (AUSMIN), được tổ chức tại Annapolis, Maryland, Hoa Kỳ, ngoại trưởng và bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ-Úc nhấn mạnh đến « sức mạnh phi thường của liên minh » cũng như « tầm nhìn chung về một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở ».

 

Theo thông cáo chung được Reuters trích dẫn, từ năm 2025, Úc sẽ cùng Mỹ sản xuất nhiều loại hỏa tiễn dẫn đường, trong đó có hệ thống phóng rôc-két hàng loạt (GMLRS) được sử dụng tại Ukraina. Ngoài ra, Úc cũng đang thử nghiệm hỏa tiễn hành trình tấn công siêu thanh (HACM) với Hoa Kỳ. Loại vũ khí này được Canberra dự kiến khai triển làm vũ khí siêu thanh đầu tiên cho phi đội chiến đấu cơ.

 

Sau hội nghị, bộ trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin cho biết Mỹ sẽ tăng cường lực lượng đồn trú luân phiên ở Úc. Trước đó, hai nước đã tiến hành hiện đại hóa một số căn cứ không quân ở miền bắc và tây Úc, nằm gần những điểm nóng tiềm tàng với Trung Quốc ở Biển Đông.

 

Theo bộ trưởng Quốc Phòng Úc Richard Marles, « sự hiện điện của quân đội Mỹ ở Úc tạo cơ hội lớn để hợp tác với các nước láng giềng trong vùng ». Còn đồng nhiệm Mỹ đánh giá hai nước đang phải đối mặt với nhiều thách thức an ninh chung, trong đó có hành động « bắt chẹt » của Bắc Kinh, ví dụ hoạt động quân sự của Trung Quốc quanh đảo Đài Loan, « thái độ nguy hiểm và leo thang của Trung Quốc đối với tàu thuyền Philippines hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines ».

 

Trong thông cáo chung, lần đầu tiên, hai nước nhắc đến quần đảo Cocos, được coi là vùng lãnh thổ chiến lược, cách phía tây Úc đến 3.000 km. Đây được coi là tiền đồn quan trọng giúp giám sát hoạt động hàng hải ở Ấn Độ Dương, nơi Trung Quốc đang gia tăng hoạt động tàu ngầm. Úc đã khởi công mở rộng một sân bay trên đảo để có thể có thể đón máy báy trinh sát và phát hiện tàu ngầm P-8A Poseidon.

 

Canberra cũng phải cạnh tranh ảnh hưởng với Bắc Kinh ở khu vực Nam Thái Bình Dương. Ngày 07/08, bộ trưởng Thái Bình Dương Pat Conroy kêu gọi Trung Quốc « minh bạch hơn » về các khoản viện trợ để các đảo quốc nhỏ « có thể thực thi chủ quyền của họ mà không bị ép buộc, phù hợp với luật pháp quốc tế ».

 

(Theo RFI Việt ngữ)