Trọng tâm thương mại của Đức đang chuyển từ Trung Quốc sang Hoa Kỳ. Trong hình là tháp đỗ xe tại nhà máy Volkswagen ở Wolfsburg. (Ảnh: Alexander Koerner/Getty Images)

 

 

 

Hôm thứ Sáu (ngày 21/06), Bộ trưởng Kinh tế Đức bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc. Trong cùng ngày, Bắc Kinh đã cảnh báo rằng, căng thẳng về vấn đề nhập cảng xe điện giữa Trung Quốc và Âu châu đang không ngừng leo thang, có thể dẫn đến một cuộc chiến thương mại. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng các yếu tố kinh tế và chính trị ngày càng có lợi để Đức giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc và chuyển hướng sang Hoa Kỳ.

 

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck đã đến Bắc Kinh thăm Trung Quốc. Vấn đề đánh thuế quan lên xe điện của Liên minh Âu châu (EU) là một trong những nghị trình quan trọng trong chuyến thăm kéo dài ba ngày này.

 

Gần đây, EU đã đề xướng áp đặt các mức thuế quan cao đối với xe điện nhập cảng giá rẻ từ Trung Quốc, để chống lại sự cạnh tranh không công bằng do chính phủ nước này trợ cấp quá mức. Ông Habeck là quan chức cấp cao đầu tiên của Âu châu đến thăm Trung Quốc kể từ khi đề xướng này được đưa ra. Hành động chống trợ cấp của EU khiến Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thực hiện các biện pháp trả đũa, và khởi xướng một cuộc điều tra về việc bán phá giá thịt heo nhập cảng từ EU trong tuần này.

 

Theo Reuters, chuyến thăm Trung Quốc lần này của ông Habeck nhằm giải thích cho các quan chức ĐCSTQ về lý do EU gần đây quyết định tăng thuế, đồng thời giảm thiểu rủi ro về các biện pháp trả đũa của ĐCSTQ có thể gây thiệt hại cho các doanh nghiệp Đức – nền kinh tế lớn nhất EU.

 

Các biện pháp thuế quan tạm thời của EU sẽ có hiệu lực vào ngày 04/07, trong khi cuộc điều tra chống trợ cấp bắt đầu vào tháng Mười năm ngoái sẽ tiếp tục kéo dài cho đến ngày 02/11 năm nay. Mức thuế cuối cùng, thường có thời hạn 5 năm, có thể được xác định khi cuộc điều tra kết thúc.

 

Các hãng sản xuất xe hơi của Đức dễ bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trả đũa của Bắc Kinh nhất, vì gần ⅓ ba doanh thu của họ trong năm ngoái là đến từ Trung Quốc. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định rằng Đức đang thoát khỏi các hành vi thương mại “không công bằng” của ĐCSTQ và hướng tới Hoa Kỳ.

 

Dữ liệu mới nhất từ Văn phòng Thống kê Liên bang Đức cho thấy, xuất cảng của Đức sang Trung Quốc trong tháng Năm giảm 14% so với cùng thời kỳ năm ngoái, xuống còn 7.5 tỷ euro. Trong khi đó, xuất cảng của Đức sang Hoa Kỳ trong tháng Năm đạt 13 tỷ euro, tăng 4.1% so với cùng thời kỳ năm trước. Trong quý đầu tiên của năm nay, Hoa Kỳ đã vượt qua Trung Quốc trong thương mại hàng hóa với Đức.

 

 

 

EU tăng thuế quan

Vào thứ Tư ngày 12/06, Ủy ban Âu Châu thông báo rằng sau nhiều tháng điều tra chống trợ cấp, EU sẽ áp dụng thêm mức thuế cao nhất lên tới 38.1% đối với xe điện nhập cảng từ Trung Quốc bắt đầu từ tháng tới.

 

Phó Chủ tịch Ủy ban Âu châu, Margaritis Schinas, cho biết trong một cuộc họp báo rằng, xe hơi sản xuất tại Trung Quốc được hưởng lợi từ các tiêu chuẩn trợ cấp không công bằng, gây ra mối đe dọa cho các hãng sản xuất của EU.

 

Hành động này được đưa ra khi các hãng sản xuất xe hơi Âu Châu đang đối mặt với thách thức từ việc xe điện giá rẻ của Trung Quốc tràn vào thị trường EU.

 

Theo dữ liệu từ tổ chức phi chính phủ Giao thông và Môi trường, năm 2023, 19.5% xe điện bán ra ở Âu châu được sản xuất tại Trung Quốc. Trong đó có nhiều chiếc mang thương hiệu của các hãng sản xuất xe hơi phương Tây như Tesla, Dacia, hay BMW. Nhưng năm nay, thị phần của các thương hiệu Trung Quốc như BYD và MG dự kiến có thể đạt 11%.

 

Các biện pháp thuế quan đối với xe điện của EU đã khiến mối quan hệ thương mại giữa EU và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới rơi xuống mức thấp mới.

 

Truyền thông nhà nước ĐCSTQ loan tin rằng chuyến thăm lần này của ông Habeck có thể làm dịu tình hình căng thẳng giữa Trung Quốc và EU. Thời báo Hoàn Cầu của ĐCSTQ đưa tin vào hôm thứ Sáu rằng một số chuyên gia cho rằng Đức nên tìm kiếm đối tác có chung nhận thức.

 

Sau khi đến Bắc Kinh, ông Habeck dự kiến sẽ gặp gỡ các đại sứ của một số quốc gia EU. Sau đó, ông sẽ có các cuộc thảo luận với Thủ tướng Lý Cường (Li Qiang) và các quan chức ĐCSTQ khác.

 

Trước khi đến Thượng Hải và Hàng Châu, ông Habeck sẽ gặp Bộ trưởng Công nghiệp Kim Tráng Long (Jin Zhuanglong) và Bộ trưởng Thương mại Vương Văn Đào (Wang Wentao).

 

Vào rạng sáng hôm thứ Sáu, ông Habeck đã giảm kỳ vọng về việc có thể giải quyết vấn đề trong chuyến thăm lần này. Ông nói rằng ông không mong đợi sẽ đạt được giải pháp cho tình hình căng thẳng thương mại.

 

 

‘Đức buộc phải lựa chọn đồng minh NATO’

Đức cho biết nước này có ý định giảm thiểu sự phụ thuộc vào thương mại với Trung Quốc. Trong tài liệu chiến lược đầu tiên đối với Trung Quốc được công bố vào năm ngoái, Đức cáo buộc ĐCSTQ có các “hành vi không công bằng.”

 

Các chuyên gia thương mại cho rằng, cả yếu tố kinh tế và chính trị vào thời điểm này đều ngày càng có lợi cho sự phát triển quan hệ giữa Đức và Hoa Kỳ.

 

Trong quý đầu tiên của năm 2024, kim ngạch thương mại giữa Đức và Trung Quốc đạt 60 tỷ euro (tương đương 64 tỷ USD), thấp hơn so với kim ngạch thương mại giữa Đức và Hoa Kỳ là 63 tỷ euro. Điều này đã phá vỡ vị thế đối tác thương mại lớn nhất với Đức trong suốt tám năm liên tiếp của Trung Quốc.

 

Dữ liệu chính thức được công bố vào hôm thứ Sáu vừa rồi đã làm nổi bật sự chuyển đổi này: Xuất cảng của Đức sang Trung Quốc trong tháng Năm giảm 14% so với cùng thời kỳ năm trước, trong khi xuất cảng sang Hoa Kỳ tăng 4.1%.

 

Theo tin tức từ Reuters, ông Jürgen Matthes, người đứng đầu chính sách kinh tế quốc tế của Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức (IW), cho rằng mối quan hệ giữa Đức và Trung Quốc đã bắt đầu chuyển đổi, không còn là mối quan hệ “thân mật” được cựu Thủ tướng Angela Merkel phát triển trong những năm 2000.

 

Ông nói rằng: “Cũng do động cơ địa chính trị nên có một sự tái định vị dường như đang diễn ra: Đức rời xa đối thủ cạnh tranh hệ thống là Trung Quốc (ĐCSTQ), hướng tới đối tác xuyên Đại Tây Dương là Hoa Kỳ.”

 

Nếu ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vào tháng Mười Một và đẩy mạnh nghị trình “nước Mỹ vĩ đại trở lại” bằng cách tăng thuế đối với tất cả hàng nhập cảng để thúc đẩy và bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước, thì điều đó sẽ mang lại những hậu quả nghiêm trọng cho các nền kinh tế định hướng xuất cảng như Đức về kinh doanh và lựa chọn địa chính trị.

 

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), về lâu dài, điều này có thể chia thế giới thành hai khối thương mại không tương thích với nhau.

 

 

Theo tin tức từ Reuters, ông Stefan Schaible, đối tác quản lý toàn cầu của công ty tư vấn Roland Berger, cho biết: “Ông Trump sẽ buộc người Âu Châu phải quyết định đứng về phía nào – Trung Quốc hay Hoa Kỳ.” Ông nói thêm rằng, không còn nghi ngờ gì nữa, Đức sẽ buộc phải lựa chọn đồng minh NATO của mình.

 

Đức cũng bày tỏ kỳ vọng tăng cường mối quan hệ hợp tác với các đối tác như Nam Hàn.

 

 

(Epochtimes Việt ngữ; Lý Ngôn thực hiện - Hoa Hưng biên dịch)

(Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ)