Ảnh tư liệu: Một khu công nghiệp tại vùng tự trị Tân Cương, có vọng gác và tường rào dây thép gai bao quanh. Đây là một trong nhiều trại giam người Duy Ngô Nhĩ, mà số lượng được ước tính lên đến 1 triệu người. AP - Ng Han Guan

 

 

 

 

 

Tại Đức, hôm ngày 06/09/2021, một tổ chức phi chính phủ thông báo đã khởi kiện các công ty dệt may Hugo Boss, C&A và các chuỗi siêu thị giá rẻ như Lidl, Aldi Nord và Aldi Sud về việc các công ty này “lợi dụng” lao động cưỡng bức người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc. Trung Tâm Âu Châu về Các Quyền Hiến Định và Nhân Quyền (European Center for Constitutional and Human Rights - ECCHR), tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Đức, cho biết đã khởi kiện nhiều công ty Đức với cáo buộc “đồng lõa với các tội ác chống nhân loại”.

 

 

ECCHR chỉ trích các công ty Đức nói trên đã “lợi dụng” và “trở thành đồng lõa, một cách trực tiếp hay gián tiếp, với nạn lao động cưỡng bức người thiểu số Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương”.

 

 

Tổ chức phi chính phủ ECCHR khẳng định rất khó mà có được bằng chứng cụ thể về việc các nhà cung ứng cho các doanh nghiệp Đức khai thác lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ, nhưng đặt câu hỏi là việc duy trì quan hệ làm ăn có phải là “cách hỗ trợ và khuyến khích các tội ác” đó không. Theo luật sư Miriam Saage-Maass, giám đốc Trung tâm Âu Châu về các Quyền Hiến Định và Nhân Quyền, trường hợp của 5 công ty Hugo Boss, C&A, Lidl, Aldi Nord và Aldi Sud chỉ là “một ví dụ về một vấn đề lớn hơn và mang tính hệ thống hơn”.

 

 

AFP nhắc lại Bắc Kinh vẫn bị Tây phương tố cáo giam giữ trong các trại cải tạo lao động quy mô lớn hàng triệu người thuộc các sắc tộc thiểu số, chủ yếu là người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở miền tây, nhất là Tân Cương, nơi tập trung nhiều nhà máy, đặc biệt nhà máy dệt may cung cấp hàng cho nhiều công ty đa quốc gia.

 

 

Mỹ từng khẳng định Bắc Kinh tiến hành chiến dịch diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ và các sắc dân khác nói ngôn ngữ gần giống tiếng Thổ ở Tân Cương. Bắc Kinh đã bác bỏ từ “diệt chủng” và khẳng định đó chỉ là các trung tâm dạy nghề.

 

 

Trong các thông cáo gửi đến hãng tin Pháp AFP, hãng C&A khẳng định “không dung túng việc sử dụng lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng”. Công ty Aldi thì bảo đảm “đã thiết lập các tiêu chuẩn mang tính ràng buộc đối với mọi đối tác thương mại”. Trong khi đó, Hugo Boss nhắc lại cách nay vài tháng đã đề nghị các nhà cung ứng tìm hiểu và khẳng định là việc sản xuất cung ứng cho hãng phải đảm bảo tôn trọng nhân quyền. Còn chuỗi siêu thị giá rẻ Lidl khẳng định với AFP là tổ chức ECCHR vẫn dựa vào danh sách các nhà cung ứng cũ. Hồi tháng 04/2021, hiệp hội chống tham nhũng Sherpa ở Pháp cũng đã đệ đơn kiện tương tự như ở Đức nhắm vào 4 công ty dệt may, trong đó có Uniqlo và Zara. Bộ phận chuyên trách về “Tội ác chống nhân loại” của Viện công tố Quốc gia chống Khủng bố (PNAT) đã mở điều tra vào cuối tháng 06/2021.