Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 136.185 trường hợp mắc COVID-19 và 4.439 ca tử vong. Mỹ và Brazil vẫn ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức trên 20.000 ca/ngày, trong khi Ấn Độ và Chile trải qua một ngày có số ca lây nhiễm virus tăng kỷ lục.

 

 

Nhóm tình nguyện đào huyệt mộ giả trên bãi biển Copacabana để tưởng nhớ những người đã tử vong vì dịch COVID-19 tại Rio de Janeiro, Brazil, ngày 11/6/2020. Ảnh: AFP

 

 

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 13/6 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 7.721.283 ca, trong đó có 427.525 người thiệt mạng.

 

Các nước trên thế giới cũng ghi nhận 3.914.203 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch hiện ở mức 53.830  và 3.378.138 ca đang điều trị tích cực.

 

Tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến nghiêm trọng tại Mỹ, các nước Mỹ Latin như Brazil, Mexico, Peru, Chile và các nước Nam Á như Ấn Độ, Pakistan, với số ca lây nhiễm mới chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt".

 

 

 

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19 sau ca ghép phổi tại bệnh viện Northwestern Memorial ở Chicago, Mỹ. Ảnh: AFP

 

 

Mỹ: Hai tiểu bang tạm dừng mở cửa trở lại 

Thống đốc các tiểu bang Oregon và Utah quyết định tạm dừng mở cửa trở lại trong bối cảnh bùng phát các đợt nhiễm mới do đại dịch COVID-19. Chính quyền tiểu bang Oregon đã thông báo về 178 ca mắc COVID-19 mới trong ngày 11/6. Đây là mức tăng cao kỷ lục ở tiểu bang này kể từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát. Trong khi đó, tiểu bang Utah cũng ghi nhận số ca mắc mới ở mức "đỉnh" hồi tuần trước, với 556 trường hợp. Cả hai tiểu bang này hiện đang trong quá trình mở lại nền kinh tế theo từng giai đoạn nhưng sẽ không đẩy nhanh các giai đoạn này do sự gia tăng các ca nhiễm COVID-19 mới. 

 

Trong khi đó, thống đốc tiểu bang Florida và tiểu bang Arizona, những nơi cũng đang ghi nhận số ca mắc mới gia tăng, cho biết vẫn sẽ tiếp tục mở cửa trở lại.

 

Ngày 12/6, Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Trump, ông Larry Kudlow đã bác bỏ sự xuất hiện của "làn sóng dịch thứ hai". Ông Kudlow cho biết ông đã trao đổi với các chuyên gia y tế và họ khẳng định không có làn sóng dịch thứ hai nào cả. Trước đó, lo ngại về một làn sóng các ca lây nhiễm mới, thị trường chứng khoán Mỹ đã giảm điểm mạnh nhất trong vòng 3 tháng trong phiên giao dịch ngày 11/6, trước khi hồi phục trong ngày 12/6. 

 

Đến 6 giờ sáng 13/6 (GMT+7), nước Mỹ ghi nhận 2.115.624 ca mắc COVID-19, tăng 25.923 ca trong vòng 24 giờ qua, trong đó có 116.796 ca tử vong, tăng 762 ca.

 

 

 

Người dân tắm biển tại thành phố Miami, bang Florida, Mỹ ngày 10/6/2020. Ảnh: AFP

 

 

Liên quan đến dịch COVID-19, các bác sĩ phẫu thuật ở Mỹ mới đây đã thực hiện thành công ca cấy ghép lần đầu tiên cả 2 lá phổi cho một nữ bệnh nhân mắc COVID-19, đem lại hy vọng cứu sống nhiều ca bệnh nặng khác. Theo các bác sĩ Mỹ, phẫu thuật ghép phổi không chỉ cứu sống các ca bệnh nặng, mà còn giúp ích cho các bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục nhưng vẫn chịu những tổn thương hệ hô hấp vĩnh viễn. Tuy nhiên, tại Mỹ không có đủ người hiến phổi, khiến thời gian chờ đợi có thể lên tới 3-6 tháng. 

 

Brazil: Tổng thống Bolsonaro bác bỏ cáo buộc thay đổi số liệu COVID-19

 

 

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đeo khẩu trang khi tới dự lễ Thượng cờ tại Dinh Alvorada ở Thủ đô Brasilia ngày 9/6. Ảnh: Getty Images

 

 

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã bác bỏ các cáo buộc rằng ông đã tìm cách hạ thấp tình hình dịch COVID-19 hiện nay tại Brazil bằng cách không thông báo các dữ liệu tích luỹ hàng ngày. Theo CNN, Chính phủ Brazil đã ngừng báo cáo các trường hợp tử vong và mắc bệnh, với lý do ông Bolsonaro đưa ra là chúng không phản ánh tình trạng hiện tại của đại dịch ở Brazil. Tuy nhiên, Tòa án Tối cao sau đó đã ra phán quyết chính phủ phải cung cấp các dữ liệu toàn diện.

 

Trong khi đó, tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến nghiêm trọng tại Brazil, với con số mắc bệnh đã lên tới 828.810 (tăng 23.161 ca trong 24 giờ qua) và 41.828 trường hợp tử vong (tăng 770 ca).

 

Các nước Trung Mỹ và Mỹ Latinh khác như Mexico, Peru, Chile, Ecuador... cũng tiếp tục chứng kiến dịch diễn biến nghiêm trọng, với số ca nhiễm mới trong ngày vẫn ở mức 4 con số. Bộ Y tế Chile thông báo nước này ghi nhận 6.754 ca nhiễm virus trong ngày 12/6, đây là mức tăng trong ngày cao kỷ lục kể từ ngày 3/3 khi Chile thông báo ca lây nhiễm đầu tiên. Đến nay, Chile có 160.846 ca bệnh và 2.870 ca tử vong. 

 

 

 

Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Mexico City, Mexico, ngày 26/5/2020. Ảnh: AFP

 

 

Hầu hết các nước EU đã qua đỉnh dịch 

Theo báo cáo mới nhất của Liên minh châu Âu (EU), làn sóng nhiễm đại dịch COVID-19 đã vượt qua đỉnh điểm ở tất cả các nước trong khối, trừ Ba Lan và Thụy Điển. Báo cáo của Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) cho biết, nhờ các biện pháp hạn chế, các nước EU đã giảm được 80% số ca mắc COVID-19 so với thời điểm đỉnh của đại dịch. Tuy nhiên, báo cáo cũng cho biết tỷ lệ mắc COVID-19 ở Ba Lan và Thụy Điển hiện vẫn ở mức cao nhất. Tại các nước EU, tỷ lệ lây nhiễm mới trong thời gian 14 ngày hiện dưới 20 trường hợp trên 100.000 dân, trong khi Thụy Điển là quốc gia duy nhất có tỷ lệ lên tới trên 100 trường hợp trên 100.000 dân.

 

 

 

Làn sóng biểu tình chống phân biệt chủng tộc lan ra nhiều nước châu Âu đang gây lo ngại về nguyy cơ lây lan virus SARS-CoV-2. Trong ảnh là cuộc biểu tình tại Rome, Italy, ngày 7/6/2020. Ảnh: AFP

 

 

 

Ukraine: Phu nhân Tổng thống Zelensky dương tính với SARS-CoV-2

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thông báo đã chuyển sang "chế độ làm việc đặc biệt" sau khi vợ ông, bà Olena có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.  Ông Zelensky cũng được làm xét nghiệm nhưng có kết quả âm tính.

 

 

 

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: Getty Images

 

 

Theo hiến pháp Ukraine, tổng thống không thể uỷ quyền cho bất kỳ ai. "Đó là lý do tại sao một giao thức đặc biệt trong chế độ làm việc của Tổng thống đã được thông qua, đáp ứng cả các tiêu chuẩn của pháp luật hiện hành và các yêu cầu dịch tễ vệ sinh", tuyên bố từ văn phòng Tổng thống Ukraine cho biết. Theo thông báo, Tổng thống Zelensky sẽ phải làm xét nghiệm và kiểm tra y tế hàng ngày. "Ông sẽ giới hạn phạm vi giao tiếp vật lý, tổ chức các cuộc họp trực tuyến. Các cuộc gặp mặt trực tiếp liên quan đến giao tiếp cá nhân với Nguyên thủ quốc gia sẽ bị huỷ bỏ trong những ngày tới" tuyên bố cho biết. 

 

Tới nay, Ukraine ghi nhận 29.753 ca nhiễm bệnh và 870 ca tử vong.  

 

Anh: 42.000 người tham gia thử vắc-xin COVID-19 giai đoạn 3

Giai đoạn 3 thử nghiệm vắc-xin COVID-19 do Đại học Oxford phát triển bắt đầu diễn ra và dự kiến sẽ có 42.000 người tham gia. Trong giai đoạn này, Oxford sẽ thử nghiệm trên 10.000 người ở Anh và đối tác AstraZeneca thử nghiệm trên 30.000 người Mỹ. Hôm 2/6, chính phủ Brazil cũng cho phép tình nguyện viên thử nghiệm vắc-xin này, với 2.000 người tham gia tại nước này.

Những người tham gia giai đoạn 3 sẽ được tiêm 1 hoặc 2 liều vắc-xin COVID-19 thử nghiệm.

 

 

 

Khách hàng dùng bữa tại một nhà hàng ở Budapest, Hungary, ngày 19/5/2020. Ảnh: THX

 

 

Nga ghi nhận gần 9.000 ca bệnh mới 

Trong khi đó, cùng ngày, Trung tâm Ứng phó dịch COVID-19 của Nga thông báo nước này đã ghi nhận thêm 8.987 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua, nâng tổng số mắc COVID-19 tại đây lên 511.423. 

 

Cũng theo thông báo, với 183 ca tử vong mới trong một ngày qua, tổng số ca tử vong vì dịch COVID-19 tại Nga hiện là 6.715 ca. Ngoài ra, đã có thêm 8.220 bệnh nhân phục hồi, nâng tổng số ca khỏi bệnh lên 269.370. Thủ đô Moskva là khu vực chịu tác động nặng nề nhất trên cả nước do đại dịch COVID-19 khi ghi nhận tới 1.714 ca bệnh mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại đây lên 202.935. 

 

 

 

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nghi mắc COVID-19 từ xe cứu thương vào một bệnh viện ở Saint Petersburg, Nga ngày 3/6/2020. Ảnh: AFP

 

 

Armenia gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm 1 tháng

Cũng trong ngày 12/6, Armenia đã gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm một tháng do số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này gia tăng khiến các bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải. Phát biểu tại một cuộc họp chính phủ, Bộ trưởng Tư pháp Rustam Badasyan tuyên bố kéo dài thời hạn áp đặt tình trạng khẩn cấp tới ngày 13/7.

 

Armenia bắt đầu ban bố tình trạng khẩn cấp vào ngày 16/3. Tuần trước, bất chấp số ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng, chính phủ nước này vẫn hủy bỏ các kế hoạch nhằm tái áp đặt các biện pháp phong tỏa được dỡ bỏ hồi đầu tháng Năm vừa qua. Tính đến nay, quốc gia khoảng 3 triệu dân này đã ghi nhận tổng cộng 15.281 ca mắc COVID-19, trong đó có 258 ca tử vong.

 

Cùng ngày, Viện Nghiên cứu Robert Koch (RKI) thông báo số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 tại Đức tiếp tục duy trì dưới mức trung bình của tuần qua và nước này chỉ ghi nhận thêm 258 ca bệnh mới trong 24 giờ qua. Theo RKI, số ca vẫn dương tính với virus SARS-CoV-2 tại Đức cũng đã giảm và hiện ở mức 14.050. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại nước này hiện là 8.763, với tỷ lệ tử vong trên tổng số ca mắc bệnh là 4,7%.

 

Đầu tuần này, Đức đã tăng đáng kể hoạt động xét nghiệm virus SARS-CoV-2, bất kể người dân có biểu hiện triệu chứng của bệnh hay không.

 

Ấn Độ vượt Anh về số ca mắc COVID-19

 

 

 

Đeo khẩu trang phòng COVID-19 tại một cửa hàng cắt tóc ở Agartala, Tripura, Ấn Độ, ngày 11/6/2020. Ảnh: THX

 

 

Trong 24 giờ qua, Ấn Độ ghi nhận 11.320 ca mắc COVID-19, mức cao nhất trong 1 ngày và là ngày liên tiếp thứ hai vượt qua mốc 10.000 ca. Tổng số ca COVID-19 tại nước này hiện là 309.603, trong đó có 8.890 ca tử vong.  Như vâỵ Ấn Độ đã vượt qua Anh trở thành nước bị ảnh hưởng nặng nề thứ tư thế giới, xét về số ca mắc bệnh được ghi nhận. Anh hiện có 292.950 ca bệnh COVID-19. 

 

Quốc hội Nhật Bản chính thức phê chuẩn ngân sách bổ sung kỷ lục

Ngày 12/6, Quốc hội Nhật Bản đã phê chuẩn dự thảo ngân sách bổ sung có giá trị cao kỷ lục 31.910 tỷ yên (tương đương 298 tỷ USD). Đây là dự thảo ngân sách bổ sung thứ hai trong tài khóa 2020 mà Chính phủ đã đệ trình lên Quốc hội hôm 8/6. Dự kiến, nguồn tiền từ ngân sách này sẽ cho phép Chính phủ Nhật Bản tăng cường biện pháp nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực của dịch COVID-19 đối với nền kinh tế. Trong cuộc khảo sát do hãng tin Reuters công bố ngày 12/6, có 23 trong tổng số 40 nhà phân tích nhận định khả năng kinh tế Nhật Bản tái giảm phát là "cao" hoặc "rất cao".

 

Với việc hoạt động kinh doanh chịu ảnh hưởng nặng nề do các biện pháp phong tỏa, kinh tế Nhật Bản được dự báo sẽ suy giảm 21,3% trong quý II, đánh dấu quý thứ ba liên tiếp rơi vào suy thoái. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) được dự báo sẽ phục hồi 8% trong quý III và 5,4% trong quý cuối cùng của năm. Tính trong tài khóa 2020, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới được dự báo sẽ giảm 5,2% trước khi phục hồi lên mức 3,2% trong năm 2021.

 

 

Giao thông trên đường phố thủ đô Tokyo ngày 18/5/2020. Ảnh: AFP

 

 

Trung Quốc: Thủ đô Bắc Kinh lùi thời điểm cho học sinh tiểu học trở lại trường

Chính quyền thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đã quyết định lùi thời điểm cho phép các học sinh tiểu học đi học trở lại do vừa phát hiện thêm 3 ca mắc bệnh COVID-19 sau 2 tháng không ghi nhận trường hợp lây nhiễm nào. Trong thông báo ngày 12/6, Sở Giáo dục thành phố Bắc Kinh cho biết đã hủy kế hoạch cho phép hơn 520.000 học sinh lớp 1, lớp 2 và lớp 3 trở lại trường học từ ngày 15/6 tới. Học sinh các lớp lớn hơn đã đi học trở lại trước đó sẽ tiếp tục đến trường, nhưng phải tuân thủ các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt hơn. 

 

Cùng ngày, một quan chức của tỉnh Hồ Bắc, địa phương từng là tâm dịch COVID-19, cho biết chính quyền tỉnh này có kế hoạch hạ cấp độ ứng phó khẩn cấp với dịch bệnh từ mức 2 xuống mức 3. Tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc ghi nhận 83.064 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.637 ca tử vong.

 

 

 

Học sinh cấp 3 sau khi tan học tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 12/6/2020. Ảnh: AFP

 

 

 

Tại Nam Hàn, số ca mắc COVID-19 trong ngày không có chiều hướng đi xuống, buộc chính phủ nước này phải gia hạn biện pháp giãn cách xã hội tại Seoul và vùng phụ cận, lẽ ra hết hiệu lực vào cuối tuần này, cho đến khi tình hình ổn định trở lại. Một loạt ca nhiễm mới ở thủ đô Seoul và vùng phụ cận xuất hiện khi Nam Hàn hoàn thành việc mở lại các trường học vào ngày 8/6 vừa qua. Tính đến thời điểm hiện tại, với 56 ca nhiễm mới được phát hiện, tổng số ca nhiễm ở Nam Hàn đã lên thành 12.003 ca, trong khi số ca tử vong là 277 ca.

 

Tại khu vực Đông Nam Á, chính phủ Thái Lan đang cân nhắc mở cửa biên giới với các nước có nguy cơ lây lan dịch COVID-19 ở mức thấp nhằm vực dậy ngành du lịch. Cùng ngày, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã chấp thuận tạm thời dỡ bỏ lệnh giới nghiêm ban đêm, đồng thời cho phép hầu hết dịch vụ quay hoạt động bình thường trở lại trừ các điểm giải trí.

 

Ngày 12/6, Thái Lan công bố thêm 4 ca mắc COVID-19 và không có thêm ca tử vong nào, theo đó tổng số ca mắc tại nước này đến nay là 3.129 ca với 58 ca tử vong. 

 

 

Hành khách đang ngồi trên xe lửa với nhiều ghế trống vì quy định giãn cách xã hội tại nhà ga xe lửa Tanyong Mat, phía nam tỉnh Narathiwat, Thái Lan, ngày 11 tháng Sáu, theo sau lệnh dỡ bỏ hạn chế. Madaree Tohlala/AFP/Getty Imag

 

 

Cùng ngày, Indonesia ghi nhận có thêm 1.111 ca mới nhiễm virus SARS-CoV-2 và 48 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và tử vong do COVID-19 tại đây lên lần lượt là 36.406 và 2.048. Nước này cũng có thêm 577 bệnh nhân COVID-19 phục hồi, nâng tổng số ca khỏi bệnh lên 13.213. 

 

Tại Trung Đông, tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp ở Iran khi trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 2.369 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc lên 182.545 người. Số ca tử vong cũng tăng thêm 75 ca, đưa tổng số ca tử vong lên thành 8.659 ca. 

 

Saudi Arabia ghi nhận 3.921 ca nhiễm trong ngày 12/6, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 lên 119.942 người. Số bệnh nhân tại Qatar hiện là 76.588 người sau khi tăng thêm 1.517 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua.

 

Theo số liệu tổng hợp của hãng tin AFP dựa trên thông tin từ Bộ Y tế các nước và Tổ chức Y tế thế giới (WHO), toàn khu vực Trung Đông có 11.208 ca tử vong trong số 524.433 ca bệnh. Trong khi đó, con số này ở châu Phi lần lượt là 5.904 ca và 217.590 ca.

 

 

 

Người dân xếp hàng chờ nhận thực phẩm và hàng hóa cứu trợ tại Johannesburg, Nam Phi, ngày 5/6/2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh: THX

 

 

Úc: Nới giãn cách hơn nữa từ đầu tháng Bảy.

Thủ tướng Úc, Scott Morrison, ngày 12/6 cho biết nước này sẽ tiếp tục nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội trong tháng Bảy. Trong giai đoạn 3 này, Úc sẽ cho phép các quán rượu, nhà hàng tăng lượng khách lên 1 người/4 m2 diện tích và các sự kiện tổ chức tại sân vận động được phép có 10.000 khán giả. Giai đoạn 3 cũng bao gồm dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đường ranh giới nội bộ giữa các tiểu bang. Tiểu bang Queenland cùng ngày thông báo sẽ mở cửa bang vào 10/7, tiểu bang Nam Australia mở từ 20/7.