Gia tộc Shinawatra đang hứng chịu nhiều sóng gió chính trường. Ảnh: Getty Images

 

 

Tác giả, Vũ Lâm

Vai trò, Gửi cho BBC News Tiếng Việt từ Canberra, Úc

 

 

Vụ rò rỉ cuộc điện đàm gần đây giữa Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra và cựu Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã thu hút nhiều sự chú ý, nhưng ý nghĩa thực sự của việc này vượt khỏi tầm mức của một sai lầm ngoại giao nhất thời.

 

Trong khi rõ ràng cuộc điện đàm này đã không được tham mưu kỹ lưỡng – bỏ qua các kênh chính thức và tiến hành mà không có những bảo đảm ngoại giao cần thiết – nó cũng là lời nhắc nhở rõ ràng về tính dễ tổn thương kinh niên của nền chính trị Thái Lan. Điều này không hẳn xuất phát từ sự can thiệp bên ngoài, mà chủ yếu từ sự tự mãn thâm căn cố đế của giới tinh hoa và sự yếu kém có hệ thống về mặt thể chế.

 

Trong suốt hơn hai thập niên qua, chính trường Thái Lan đã chứng kiến những cuộc xáo trộn liên tục trong giới tinh hoa hơn là các cải cách mang tính nền tảng. Đảo chính quân sự, viết lại hiến pháp, sự can thiệp của tư pháp và các làn sóng dân túy đã không ngừng định hình lại bức tranh chính trị. Tuy nhiên, bên dưới những biến động ấy, quyền lực thực thụ vẫn tập trung vào tay một nhóm nhỏ các tinh hoa – gồm các gia tộc chính trị, các phe nhóm quân sự và các mạng lưới doanh nghiệp. Những nhân vật như Thaksin Shinawatra và Prayut Chan-o-cha có thể đến rồi đi – và thường tái xuất thông qua các lực lượng ủy nhiệm – nhưng cấu trúc quyền lực nền tảng vẫn tồn tại. Thay vì dựa vào các thiết chế minh bạch, nền quản trị ở Thái Lan vẫn tiếp tục vận hành dựa trên các liên minh mập mờ và những thỏa thuận phi chính thức.

 

Điều đó khiến Thái Lan đặc biệt dễ bị tổn thương trước các hệ quả ngoại giao tiêu cực khi những mạng lưới ấy bị phơi bày hoặc vận hành yếu kém. Bà Paetongtarn quyết định gọi điện riêng cho ông Hun Sen không chỉ là một sai sót đơn thuần; nó phản ánh một kiểu hành xử mang tính có hệ thống. Các lãnh đạo Thái Lan lâu nay đã dựa vào quan hệ cá nhân để thực hiện hoạt động ngoại giao. Nhưng khi không có các cơ chế chính thức hỗ trợ, mô hình này có thể phản tác dụng. Ngoại giao phi chính thức có thể phổ biến ở Đông Nam Á, nhưng khi không được thiết lập một cách hợp lý, rủi ro sẽ tăng lên gấp bội

 

Việc Hun Sen ghi âm và tiết lộ nội dung cuộc điện đàm là một sự vi phạm niềm tin nghiêm trọng. Nó không chỉ gây tổn hại đến vị thế của Paetongtarn mà còn ảnh hưởng uy tín quốc tế của Thái Lan. Nó cũng đặt ra những câu hỏi đáng ngại về bộ máy nhà nước Thái Lan: ai thực sự kiểm soát chính sách ngoại giao – và điều gì xảy ra khi sự kiểm soát đó nằm trong tay cá nhân? Việc thiếu vắng các thiết chế vững chắc để hấp thụ và quản lý các cú sốc ngoại giao đã bộc lộ một cách trọn vẹn.

 

Thương tổn sâu xa này không chỉ bắt nguồn từ một cuộc gọi đơn lẻ. Chính trị Thái Lan vận hành thông qua sự tương tác phức tạp giữa các mạng lưới cạnh tranh: giới tinh hoa quân sự-bảo hoàng, các viên chức lãnh đạo, giới doanh nghiệp và các triều đại dân túy như gia tộc Shinawatra. Các phe nhóm này thường hành động độc lập, và sự hợp tác giữa họ chủ yếu mang tính chiến thuật (thủ thuật - DV) hơn là chiến lược (sách lược - DV). Các quyết sách ngoại giao vì thế trở nên phân mảnh, mang tính đối phó và dễ bị lợi dụng.

 

 

Quân đội Thái Lan tại Bangkok sau cuộc đảo chính năm 2006. Ảnh: Getty Images

 

 

Thái Lan được coi là một "nền dân chủ khiếm khuyết" – nơi có bầu cử nhưng vẫn tồn tại các thiếu sót nghiêm trọng về cách thức quyền lực được thực thi. Trong bối cảnh ấy, các nhân vật chính trị thường dựa nhiều hơn vào danh tiếng cá nhân và các dàn xếp sau hậu trường, thay vì dựa vào luật lệ và cơ chế trách nhiệm giải trình công khai. Điều này giải thích tại sao các sai lầm ngoại giao tại Thái Lan thường nhanh chóng dẫn đến khủng hoảng quốc nội. Một ví dụ là cuộc tranh cãi với Campuchia vào năm 2003 xoay quanh phát ngôn về đền Angkor Wat, dẫn đến bạo loạn và tòa đại sứ Thái Lan tại Phnom Penh bị đốt phá. Vào năm 2011, các cuộc đụng độ quân sự với Campuchia quanh khu vực đền Preah Vihear xảy ra trùng với làn sóng bất ổn chính trị trong nước liên quan đến các phong trào áo đỏ và áo vàng. Lúc bấy giờ, ASEAN đã vào cuộc và thúc đẩy đối thoại – một sự tương phản rõ rệt so với sự im lặng của khối này vào năm 2025.

 

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều vụ khủng hoảng ngoại giao dẫn tới rối ren trong nước của Thái Lan lại có dính dáng đến Campuchia. Hai nước láng giềng này có những căng thẳng sâu xa, được định hình từ những bất bình trong lịch sử và thứ chính trị dân tộc chủ nghĩa. Tầm quan trọng mang tính biểu tượng của các địa điểm như Preah Vihear, cộng với các mối quan hệ cá nhân giữa gia tộc Shinawatra và gia đình Hun, khiến cho mối quan hệ này dễ biến động một cách dị thường. Khi không có các cơ chế cân bằng đủ mạnh, những căng thẳng này rất dễ bùng phát.

 

Để thoát khỏi vòng luẩn quẩn này, giới lãnh đạo chánh trị Thái Lan cần suy xét lại cách làm việc đối với quyền lực. Xây dựng các thiết chế vững mạnh hơn, thiết lập các chuẩn mực rõ ràng hơn về ngoại giao và giảm thứ chính trị do cá nhân kiểm soát không phải là những lý tưởng mơ hồ. Đó là những cơ chế bảo vệ thiết yếu trong một hệ thống mà sự bất ổn đã trở thành chuyện thường nhật. Một cách thực tiễn thì điều này đòi hỏi phải cải cách vai trò của quân đội trong chính trị, cải thiện tính minh bạch trong chính sách ngoại giao và thúc đẩy một văn hóa chính trị vượt lên trên các mạng lưới gia tộc.

 

Với gia tộc Shinawatra, vụ việc lần này có thể là một bước ngoặt. Sự non nớt của bà Paetongtarn vốn đã bị giám sát kỹ lưỡng; sự cố này càng làm vấn đề trầm trọng thêm, làm dấy lên nghi ngờ về tầm phán đoán và năng lực thi hành ngoại giao ở cấp độ cao. Việc bà Paetongtarn bị đình chỉ chức thủ tướng mới đây càng làm gia tăng đồn đoán. Giữa lúc đó, ông Thanksin đang đối mặt với vụ án khi quân liên quan đến một cuộc phỏng vấn vào năm 2015, càng tăng thêm áp lực pháp lý cho một gia tộc vốn đã chìm trong tai tiếng. Việc Thaksin tái lập ảnh hưởng chính trị hay thoái lui khỏi đời sống chính trị có thể sẽ định hình chương tiếp theo của triều đại gia tộc này. Nếu cả hai bị gạt ra rìa, cỗ máy Shinawatra có thể bước vào một giai đoạn triệt thoái được kiểm soát – hoặc tìm cách tái tạo hình ảnh. Lộ trình nào cũng đều làm nổi bật sự phụ thuộc mong manh của chính trị Thái Lan vào các nhân vật di sản – và cái giá phải trả cho mô hình quản trị đất nước mang tính gia tộc trong một nền dân chủ phân mảnh.

 

Ở tầm bối cảnh rộng lớn hơn, cuộc khủng hoảng hiện tại một lần nữa phơi bày sự mong manh của một nền chính trị do tầng lớp tinh hoa dẫn dắt. Hệ thống này vẫn dựa rất nhiều vào quyền năng cá nhân và các dàn xếp phi chính thức, mà hầu như không có các cơ chế bảo vệ hữu hiệu khi xảy ra vấn đề. Trong một bước đi mang tính tiết lộ, bà Paetongtarn đã được bổ nhiệm làm bộ trưởng khi đang bị đình chỉ chức thủ tướng, điều này cho thấy nền chính trị gia tộc tiếp tục làm lu mờ các ranh giới của trách nhiệm và giải trình.

 

 

Với Campuchia, thông điệp là không rõ ràng. Hành động của Hun Sen có thể cho thấy sức mạnh trong ngắn hạn – củng cố sự nắm quyền của ông ta đối với ngoại giao và gạt con trai ông ta ra rìa – nhưng điều này có nguy cơ gây ra tổn hại lâu dài. Vụ lùm xùm này đặt ra câu hỏi về vị thế thực sự của Hun Manet và có thể làm phức tạp thêm các nỗ lực của Campuchia trong việc tạo dựng một quá trình chuyển giao ổn định. Nếu quan hệ đối ngoại vẫn dựa vào bản năng chiến lược của một người, ngay cả sau khi người đó đã rút khỏi ghế thủ tướng, thì quá trình chuyển tiếp quyền lực ở Campuchia rõ ràng vẫn chưa hoàn tất.

 

Và đối với ASEAN, đây không hẳn là lời kêu gọi vào cuộc, mà là lời nhắc cần tự soi xét. Việc khối này không thể đưa ra phản ứng, thậm chí là một bình luận, về một sự kiện gây bất ổn tự thân đã nói lên vấn đề. Giống như ở Myanmar, vấn đề không nằm ở sự can thiệp, mà ở sự không liên quan. Khi ngoại giao trở nên quá phi chính thức đến mức thoát khỏi bất kỳ khuôn khổ tập thể nào, mô hình ngoại giao thầm lặng của ASEAN trở nên hoàn toàn im tiếng. "Phương thức ASEAN" có thể đề cao sự linh hoạt, nhưng nếu thiếu các kỳ vọng cơ bản về hành xử, khối này có nguy cơ bị gạt ra ngoài lề – không chỉ bởi các cường quốc toàn cầu, mà bởi chính các thành viên của mình.

 

  • Tác giả Vũ Lâm là nhà phân tách chánh sách và là chuyên viên nghiên cứu đang công tác tại Đại học New South Wales Canberra (Úc). Nội dung bài viết không phản ánh quan điểm của cơ quan nơi ông công tác.

 

 

(Nguổn BBC)