Ảnh tư liệu: Phó thủ tướng Ukraine, Oleksiï Tchernichov, lúc còn là bộ trưởng Phát triển Vùng quê Ukraine, trước Cổng Brandenburg ở Berlin, Đức, ngày 07/06/2022. AP - Fabian Sommer
Vụ bắt giữ phó thủ tướng Ukraine, Oleksiï Tchernichov, hôm 27/06/2025 với cáo buộc tham nhũng không chỉ là một cú sốc chính trị lớn, mà còn là lời cảnh báo nghiêm trọng về mức độ nghiêm trọng của nạn tham nhũng trong bộ máy chính quyền Kyiv, kể cả ở những cấp cao nhất và gần gũi với tổng thống Volodymyr Zelenskyy.
Tchernichov không phải là một viên chức bình thường. Là người thân cận của tổng thống Zelenskyy, từng giữ vai trò tổng giám đốc tập đoàn năng lượng Nhà nước Naftogaz, một thế lực kinh tế lớn tại Ukraine, và mới được bổ nhiệm vào vị trí phó thủ tướng phụ trách bộ “Đoàn Kết Quốc Gia”, ông từng được xem là ứng viên tiềm năng cho vị trí thủ tướng.
Việc một nhân vật như vậy bị bắt vì chiếm đoạt bất động sản và gây thiệt hại khoảng 20 triệu euro cho Nhà nước không chỉ đặt ra câu hỏi về sự liêm chánh của cá nhân ông, mà còn làm dấy lên nghi vấn về toàn bộ hệ thống tuyển chọn và kiểm soát quyền lực trong nội bộ chánh quyền Zelenskyy.
Vụ việc xảy ra trong bối cảnh có tin đồn về khả năng Kyiv cải tổ nội các vào giữa tháng Bảy. Nhiều người cho rằng đây không đơn thuần là việc “làm trong sạch hàng ngũ”, mà là kết quả của đấu đá chánh trị nội bộ, một cách loại bỏ ứng viên nặng ký cho chiếc ghế thủ tướng trong tương lai.
Dù tổng thống Zelenskyy chưa đưa ra phát ngôn chính thức, việc ông từng công khai bảo vệ Tchernichov trước đó có thể làm giảm mức độ tin cậy vào cam kết chống tham nhũng mà ông từng mạnh mẽ đưa ra với người dân và cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các đối tác Tây phương đang viện trợ cho Ukraine trong cuộc chiến tranh hiện nay.
Vụ việc đã chia rẽ xã hội dân sự Ukraine. Nhật báo Pháp la Croix, trích dẫn nhà nghiên cứu chánh trị Ukraine, Dmitry Vasylev, khẳng định: “Đây là một tín hiệu tuyệt vời cho thấy chánh quyền không cố gắng che giấu vấn đề tham nhũng bất chấp chiến tranh”, tuy nhiên ông thừa nhận rằng vụ bê bối này đang gây tác động xấu trong dư luận và các đối tác nước ngoài mà Ukraine phụ thuộc. Trong khi đó, Daria Kaleniouk, giám đốc Trung tâm Hành động Chống tham nhũng (Ukraine), nhận định: “Trên hết, đây là bằng chứng nữa cho thấy giới tinh hoa của chúng ta không thể ngừng ăn cắp bất chấp tình hình cấp bách của cuộc chiến tranh đang diễn”. Mặc dù các cáo buộc chống lại Oleksiï Tchernichov đã có từ trước cuộc xâm của Nga, nhưng nó vẫn được lặp lại trong hàng loạt vụ bê bối, đặc biệt là trong lĩnh vực quốc phòng kể từ năm 2022.
Vụ việc vừa xảy ra đã phơi bày một sự thật đáng lo ngại là ngay cả khi đất nước Ukraine đang phải chiến đấu sinh tử vì chủ quyền, chính quyền Kyiv phải đôn đáo khắp nơi tìm kiếm nguồn tiền viện tợ từ các đồng minh, thì một bộ phận không nhỏ trong giới lãnh đạo vẫn không cưỡng lại cám dỗ của quyền lợi cá nhân.
Điều khôi hài trong vụ này là Oleksiï Tchernichov là người được giao trọng trách giữ gìn sự “đoàn kết quốc gia”. Hàng loạt các cuộc thăm dò dự luận gần đây ở Ukraine đều cho thấy tham những vẫn nằm trong số những mối lo ngại của người dân Ukraine. Một khảo sát của Viện nghiên cứu Xã hội học Quốc tế tại Kyiv, công bố đúng ngày Tchernichov bị bắt giữ, cho thấy 41% người dân Ukraine lo ngại đất nước đang trượt theo hướng chế độ độc đoán. Nạn tham nhũng, tình trạng thiếu minh bạch và các biểu hiện đấu đá quyền lực vẫn được xem là những yếu tố cấu thành một chế độ toàn trị.
Nếu chính quyền Kyiv không nhanh chóng có hành động quyết liệt và minh bạch, không chỉ trừng phạt mà còn cải tổ thể chế kiểm soát quyền lực, thì nguy cơ mất lòng tin từ trong nước đến quốc tế là hoàn toàn hiện hữu. Và trong bối cảnh Ukraine vẫn phụ thuộc nặng nề vào nguồn viện trợ Tây phương, sự suy giảm niềm tin này có thể kéo theo hậu quả nghiêm trọng hơn cho đất nước rất nhiều so với một vụ bê bối cá nhân.
Như vậy, hiện nay Ukraine phải đối mặt cùng lúc với hai cuộc chiến: Chống Nga xâm lược và nạn tham nhũng từ bên trong.
(Theo RFI)