Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky bắt tay sau khi ký thỏa thuận an ninh song phương bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G7 do Ý đăng cai vào ngày 13 tháng Sáu năm 2024. (Ảnh: Mandel Ngân/AFP thông qua Getty Images)

 

 

 

QUỐC TẾ - Hôm ngày 13 tháng Sáu, 2024, Tổng thống Hoa Kỳ, Joe Biden, đã ký thỏa thuận an ninh song phương 10 năm với Tổng thống Ukraina, Volodymyr Zelensky, biểu thị sự cam kết tiếp tục của Hoa Kỳ trong việc hỗ trợ Ukraina chống lại cuộc xâm lược của Nga.

 

 

Hai nhà lãnh đạo đã ký thỏa thuận này bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G7 ở miền nam nước Ý. Trong đó bao gồm cam kết của Hoa Kỳ nhằm nâng cao sự hợp tác quân sự với Ukraina theo tiêu chuẩn của NATO và giúp nước này đẩy nhanh quá trình chuyển đổi thành một quốc gia phù hợp với mục tiêu gia nhập Liên minh Âu Châu (EU).

 

Trong cuộc họp báo chung sau khi ký thỏa thuận, Tổng thống Biden cho biết: “Mục đích của chúng tôi là tăng cường khả năng phòng thủ và răn đe đáng tin cậy của Ukraina trong dài hạn”“Chúng tôi đã có ba bước đi lớn tại G7 để cùng nhau cho ông Putin thấy rằng ông ta không thể đợi cho đến khi chúng tôi kết thúc. Ông ta không thể chia rẽ chúng tôi và chúng tôi sẽ ở bên cạnh Ukraina cho đến khi họ chiến thắng trong cuộc chiến tranh này”.

 

 

Thỏa thuận này cũng phác thảo ra cam kết của Mỹ đối với việc phát triển nhiều khía cạnh của các lực lượng của Ukraina, bao gồm các lực lượng phòng không và hỏa tiễn của họ, xác nhận việc sử dụng hệ thống hỏa tiễn Patriot trong quá trình này.

 

Tòa Bạch Ốc cũng đã tuyên bố ý định cung cấp huấn luyện và cố vấn dài hạn cho các lực lượng của Ukraina, đồng thời, mời họ tham gia các cuộc tập trận của Mỹ và đa phương “khi thích hợp”.

 

Tuy nhiên, Tổng thống Biden đã tái khẳng định rằng Hoa Kỳ sẽ không gửi binh sĩ Mỹ đến Ukraina để tham gia chiến đấu, mà thay vào đó, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí và đạn dược, mở rộng chia sẻ thông tin tình báo và tiếp tục huấn luyện quân đội Ukraina ở Âu Châu và Hoa Kỳ.

 

Thỏa thuận này được ký kết sau khi các nước G7 đồng ý về kế hoạch dỡ bỏ phong tỏa đối với những tài sản bị của Nga bị đóng băng để sử dụng như tài sản thế chấp cho khoản cho vay trị giá hàng tỷ USD cho Ukraina. Tổng thống Biden mô tả thành tựu đó là “một lời nhắc nhở nữa với ông Putin rằng chúng tôi sẽ không lùi bước. Trên thực tế, chúng tôi đang sát cánh cùng nhau chống lại hành vi xâm lược bất hợp pháp này”.

 

Thỏa thuận an ninh được đưa ra sau khi Tổng thống Biden và lãnh đạo các nước G7 đồng ý tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 năm ngoái, rằng mỗi bên sẽ thiết lập các điều khoản an ninh trực tiếp của riêng mình với Ukraina.

 

Theo Tòa Bạch Ốc, cho đến nay, 15 nước đã ký kết các thỏa thuận an ninh song phương trực tiếp với Ukraina, thể hiện sự ủng hộ của họ khi lực lượng Ukraina chống lại cuộc xâm lược của Nga.

 

Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan đã công bố kế hoạch hoàn tất thỏa thuận song phương này trong cuộc thảo luận với các phóng viên trên chiếc chuyên cơ của Tổng thống Mỹ (Air Force One) hôm thứ Tư (12/6), ông mô tả thỏa thuận này là một cột mốc quan trọng.

 

Ông Sullivan nói, "Chúng tôi nghĩ đây là một vấn đề lớn, một thời điểm mang tính cột mốc trong mối quan hệ đối tác giữa Hoa Kỳ và Ukraina",

Ông nói thêm rằng thỏa thuận này là “một điểm đánh dấu thực sự” cho cam kết lâu dài của Mỹ “cả trong việc bảo vệ chống lại cuộc xâm lược của Nga và ngăn chặn sự xâm lăng trong tương lai để Ukraina có thể trở thành một nền dân chủ có chủ quyền, khả thi và thịnh vượng”.

 

Việc sử dụng hệ thống hỏa tiễn Patriot đã được xác nhận trong thỏa thuận: “Dựa trên phạm vi khả năng phòng không mà Hoa Kỳ đã cung cấp cho đến nay, bao gồm cả hệ thống hỏa tiễn Patriot, Hoa Kỳ cam kết hỗ trợ Ukraina trong việc phát triển hệ thống phòng không và phòng thủ hỏa tiễn tích hợp, nhiều lớp”.

 

Theo ông Sullivan, thỏa thuận an ninh này không bao gồm số liệu cụ thể về đồng USD dành cho việc hỗ trợ Ukraina.

 

 

Ông nói với các phóng viên trên chiếc chuyên cơ của Tổng thống Mỹ (Air Force One) trên đường tới Ý vào hôm thứ Tư (12/6), “Nó bao gồm cam kết làm việc với Quốc hội về nguồn tài trợ bền vững trong tương lai, đây là điều mà chúng tôi sẽ thực hiện”,

“Và nó đặt ra một khuôn khổ về cách chúng tôi làm việc với Ukraina cũng như với các đồng minh và đối tác khác nhằm bảo đảm Ukraina có những gì họ cần về năng lực vật chất cũng như thông tin tình báo và các năng lực khác để có thể tự vệ một cách hiệu quả và ngăn chặn Nga”.

 

Trong vòng một tuần, Tổng thống Joe Biden đã gặp Tổng thống Zelensky hai lần. Hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau tại Paris vào ngày 7 tháng Sáu trong lễ kỷ niệm 80 năm D-Day. Trong cuộc họp này, ông Biden đã xin lỗi Tổng thống Ukraina vì sự chậm trễ trong việc thông qua biện pháp viện trợ nước ngoài, trong đó có 61 tỷ USD hỗ trợ cho Ukraina.

 

“Chúng tôi sẽ không rời xa các bạn”, Tổng thống Biden nói với ông Zelensky trong khi công bố khoản hỗ trợ mới trị giá 225 triệu USD cho nước này.

 

Vào ngày 13 tháng Sáu, tại Puglia, Ý, Tổng thống Biden bắt đầu cuộc gặp với các nhà lãnh đạo của G7, bảy nước dân chủ giàu có trên thế giới, để thảo luận về nhiều chủ đề, bao gồm các cuộc xung đột ở Ukraina và Dải Gaza, an ninh kinh tế và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo (A.I).

 

Hội nghị Thượng đỉnh kéo dài ba ngày này đang diễn ra tại khu nghỉ dưỡng Borgo Egnazia sang trọng, tọa lạc giữa những lùm cây ô liu dọc theo bờ biển Adriatic ở thị trấn Savelletri di Fasano.

 

Hội nghị Thượng đỉnh năm nay do Thủ tướng Ý, Giorgia Meloni, chủ trì. Trong những nhà lãnh đạo tham gia hội nghị còn có Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron, Thủ tướng Anh, Rishi Sunak, Thủ tướng Đức, Olaf Scholz, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Thủ tướng Canada, Justin Trudeau.

 

 

(Theo The Epoch Times tiếng Anh; Emel Akan , và T.J. Muscaro)

(ntdvn.net; Đức Huệ biên dịch)