WHO tiếp tục kêu gọi Trung Quốc chia sẻ dữ liệu thô từ các ca Covid-19 ban đầu để nối lại cuộc điều tra nguồn gốc đại địch.

 

 

 

Trong thông cáo hôm 12/8 về các giai đoạn tiếp theo của cuộc điều tra nguồn gốc đại dịch Covid-19, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhấn mạnh việc tìm ra nguồn gốc loại virus lần đầu được phát hiện ở thành phố Vũ Hán, miền trung Trung Quốc, là "cực kỳ quan trọng". WHO yêu cầu Trung Quốc chia sẻ dữ liệu thô và cấp phép kiểm tra lại các mẫu trong phòng thí nghiệm.

 

 

"Việc chia sẻ phản ánh sự đoàn kết khoa học ở mức tốt nhất và không khác những gì chúng tôi khuyến khích tất cả quốc gia, bao gồm Trung Quốc, hỗ trợ để chúng tôi có thể thúc đẩy nghiên cứu nguồn gốc nhanh chóng và hiệu quả", thông cáo nêu. "Chúng tôi kêu gọi cung cấp tất cả dữ liệu và quyền truy cập cần thiết để có thể bắt đầu loạt nghiên cứu tiếp theo càng sớm càng tốt".

 

 

Đây không phải lần đầu WHO đặt vấn đề về việc chia sẻ thông tin của Trung Quốc. Đầu năm nay, nhóm 25 chuyên gia quốc tế đã đến Trung Quốc tìm hiểu cách thức đại dịch bùng phát, nhưng WHO cho biết nhóm nghiên cứu gặp "khó khăn" trong tiếp cận dữ liệu thô.

 

 

Kỳ vọng của WHO  là các nghiên cứu trong tương lai sẽ bao gồm "chia sẻ dữ liệu toàn diện và kịp thời hơn". Tuy nhiên, hiện chưa rõ liệu Trung Quốc có kế hoạch hợp tác hay không.

 

 

 

 

Nhóm điều tra do WHO dẫn đầu tới Viện Virus học Vũ Hán, Trung Quốc xem xét nguồn gốc Covid19 hồi tháng Hai. Ảnh: Reuters.

 

 

 

 

 

Tháng trước, yêu cầu của WHO về cuộc điều tra giai đoạn hai nguồn gốc Covid-19, bao gồm kiểm tra các phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, đã khiến Bắc Kinh tức giận. Tăng Ích Tân, phó chủ nhiệm Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC), nói rằng kế hoạch của WHO "cho thấy sự ngạo mạn đối với khoa học và thiếu tôn trọng lẽ thường".

 

Nga, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, ghi nhận số ca tử vong hàng ngày cao nhất kể từ khi dịch bùng phát với 808 trường hợp được báo cáo trong 24 giờ qua. Nước này cũng ghi nhận thêm 21,932 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 6,402,564 và 163,301.

 

 

Chiến dịch tiêm chủng ở Nga gặp khó khăn khi nhiều người dân hoài nghi vaccine. Cuộc thăm dò của Trung tâm Levada độc lập tuần này cho thấy 55% người Nga không có kế hoạch tiêm phòng.

 

 

Nga đang đối phó sóng Covid-19 thứ ba bắt đầu từ tháng 6, chủ yếu do biến chủng Delta dễ lây lan. Moskva, tâm điểm đợt bùng phát dịch bệnh ở Nga, và một số khu vực đã đưa ra các biện pháp tiêm chủng bắt buộc để đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng. Tổng thống Vladimir Putin cũng đã nhiều lần kêu gọi người dân đi tiêm phòng.

 

 

Tính đến 12/8, mới 28,8 triệu trong số khoảng 146 triệu người Nga đã được tiêm chủng đầy đủ.

 

 

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 36,434,548 ca nhiễm và 632,618 ca tử vong do nCoV, tăng 118,626 ca nhiễm và 725 ca tử vong so với một ngày trước đó.

 

 

Biến chủng Delta khiến ca nhiễm mới ở Mỹ liên tục vượt mức 100,000 trong những ngày qua, trong khi ca nhập viện cũng tăng nhanh. Số ca nhập viện trung bình 7 ngày tính đến 3/8 là 7,707, tăng 40% chỉ trong một tuần, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh.

 

 

Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ yêu cầu tất cả nhân viên chăm sóc sức khỏe tiếp xúc trực tiếp với công chung phải tiêm vaccine Covid-19. Chính sách này sẽ áp dụng cho khoảng 25,000 nhân viên của bộ, những người có thể tiếp xúc với bệnh nhân, chiếm gần 1/3 tổng số nhân viên của cơ quan này.

 

 

Bộ trưởng Y tế Xavier Becerra cho biết trong một tuyên bố rằng "Mục tiêu số một của chúng tôi là sức khỏe và sự an toàn của công chúng Mỹ, bao gồm cả lực lượng lao động liên bang của chúng tôi. Và vacicne là công cụ tốt nhất mà chúng ta có".

 

 

Đây là bộ thứ ba của Mỹ yêu cầu nhân viên tiêm chủng, sau Bộ Cựu chiến binh và Bộ Quốc phòng.

 

 

Trái với dự đoán của nhiều chuyên gia, tình hình dịch bệnh ở Anh có dấu hiệu tích cực sau khi nới hạn chế tháng trước. Nước này báo cáo 6.014.023 người nhiễm và 130.178 người chết, tăng lần lượt 31.808 và 92 trường hợp.

 

 

Dữ liệu chính thức được công bố hôm qua cho thấy nền kinh tế Anh phục hồi 4,8% trong quý II khi chi tiêu của người tiêu dùng tăng lên nhờ việc nới lỏng các hạn chế ngăn Covid-19.

 

 

Argentina hôm 12/8 bắt đầu phân phối lô đầu tiên gồm hơn một triệu liều vaccine Sputnik V của Nga được sản xuất trong nước. Hồi tháng 6, quốc gia Nam Mỹ này thông báo công ty dược phẩm Laboratorios Richmond sẽ sản xuất vaccine này bằng cách sử dụng kháng nguyên do nhà sản xuất Sputnik có trụ sở tại Moskva cung cấp.

 

 

Laboratorios Richmond hiện đã sản xuất được 995.000 lọ vaccine cho liều đầu tiên và 152.000 lọ cho liều thứ hai. Công ty dự kiến sản xuất thêm hai triệu liều trong tháng 8.

 

 

Tháng 12 năm ngoái, Sputnik V trở thành vaccine Covid-19 đầu tiên được triển khai ở Argentina. Hiện 59% trong dân số 45 triệu của Argentina đã được tiêm ít nhất một mũi và 20% tiêm đủ hai mũi.

 

 

Tại một diễn đàn ở Wellington hôm 12/8. Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern thông báo kế hoạch mở cửa trở lại biên giới, 17 tháng sau khi đóng biên hồi tháng 3/2020. Từ đầu năm tới, du khách đã tiêm chủng từ các quốc gia nguy cơ thấp sẽ được phép nhập cảnh và không cần cách ly.

 

 

Du khách đến từ quốc gia nguy cơ trung bình sẽ thực hiện một số hình thức tự cách ly hoặc cách ly tại khách sạn trong thời gian ngắn hơn. Những người đến từ quốc gia nguy cơ cao hoặc chưa được tiêm chủng vẫn phải cách ly bắt buộc.

 

 

Lộ trình mở lại biên giới của New Zealand mang lại cho các doanh nghiệp và gia đình niềm hy vọng vào tương lai, dù các chuyên gia y tế cảnh báo việc này phụ thuộc vào việc đất nước cải thiện chiến lược tiêm chủng để tiếp cận các cộng đồng dễ bị tổn thương.