Một chiếc thuyền của Hải cảnh Trung Quốc di chuyển gần Sandy Cay, Biển Đông, ngày 24/01/2025. © AP
BIỂN ĐÔNG - Truyền hình Nhà nước Trung Quốc hôm 26/04/2025, loan tin Hải cảnh Trung Quốc đã đổ bộ và cắm quốc kỳ tại đá Hoài Ân, tên tiếng Anh là Sandy Cay, phía đông quần đảo Trường Sa giữa tháng Tư vừa qua, khu vực mà Việt Nam đòi hỏi chủ quyền.
Đài truyền hình Trung Quốc CCTV, được AFP dẫn lại, công bố hình ảnh bốn binh sĩ thuộc lực lượng Hải cảnh Trung Quốc đã cắm cờ Trung Quốc trên đá Hoài Ân, mà người Trung Quốc gọi là đá Thiết Tuyến (Tiexian). Đài truyền hình Trung Quốc cho biết lực lượng này có mặt ở đây là để « thực thi chủ quyền và quyền tài phán » của Bắc Kinh tại thực thể địa lý nói trên.
Báo Anh Financial Times dẫn lời một giới chức Philippines xin ẩn danh, theo đó lực lượng Hải cảnh Trung Quốc đã rời khỏi địa điểm này sau khi cắm cờ, và chưa có dấu hiệu nào cho thấy phía Trung Quốc triển khai lực lượng thường trực hay tiến hành xây dựng tại đá Hoài Ân.
Sandy Cay có tên gần giống với Sand Cay (đảo Sơn Ca) mà Việt Nam kiểm soát.
Việt Nam chưa có phản ứng
Đá Hoài Ân nằm cách đảo Thị Tứ, Philippines kiểm soát, khoảng vài cây số. Việt Nam, Trung Quốc và Philippines cùng đòi hỏi chủ quyền tại khu vực bãi Hoài Ân. Hiện tại, chính quyền Việt Nam và Philippines chưa có phản ứng chính thức về vụ việc này.
Hành động cắm cờ và khẳng định chủ quyền tại bãi Hoài Ân của Hải cảnh Trung Quốc diễn ra vào lúc một số đơn vị quân đội Trung Quốc đến Việt Nam tham gia lễ diễu binh kỷ niệm dịp 50 năm ngày kết thúc chiến tranh và thống nhất đất nước 30/04. Hồi tháng 03/2024, bộ Ngoại Giao Việt Nam đã từng lên tiếng phản đối các hành động của Trung Quốc và Philippines tại bãi Hoài Ân, sau khi Hải cảnh Trung Quốc xua đuổi tàu chở các nhà khoa học Philippines tiếp cận đảo.
Theo AFP, việc Trung Quốc đưa quân đến đá Hoài Ân diễn ra vào lúc Philippines cùng Mỹ tiến hành cuộc tập trận chung thường niên Balikatan, kéo dài ba tuần kể từ 21/04, với sự tham gia của khoảng 17.000 binh sĩ. Chủ đề chính năm nay là chuẩn bị cho một « kịch bản chiến tranh quy mô lớn » trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Philippines tại nhiều khu vực ở Biển Đông.
Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền với gần như toàn bộ các đảo và rạn san hô ở Biển Đông. Tuy nhiên, năm 2016, Tòa Trọng tài Thường trực quốc tế, có trụ sở tại La Haye, đã ra phán quyết bác bỏ các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc, trong vụ Manila kiện Bắc Kinh, điều mà Trung Quốc tuyên bố không chấp nhận.
Thủ tướng Nhật công du Việt Nam và Philippines: Biển Đông là trọng tâm
Theo Channel News Asia, thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba có chuyến công du Việt Nam và Philippines trong 4 ngày kể từ hôm nay, Chủ Nhật, 27/04. Trước khi lên đường, ông Ishiba đã kêu gọi Việt Nam và Philippines - cùng với phần còn lại của Đông Nam Á – tiếp tục là « trung tâm tăng trưởng » của nền kinh tế thế giới.
Chuyến đi của ông Ishiba diễn ra sau khi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công du Đông Nam Á, khẳng định Bắc Kinh có thể trở thành « điểm tựa của thế giới » chống lại chính sách thuế quan của tổng thống Trump. Việt Nam cũng là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du của ông Tập Cận Bình.
Thủ tướng Nhật cho biết tại Biển Đông « Trung Quốc đang có những nỗ lực đơn phương thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực và chúng tôi muốn tăng cường hơn nữa hợp tác an ninh » với Hà Nội và Manila.
(Theo RFI)