Ảnh chụp màn hình từ báo SCMP cho thấy 1 cảnh sát ghì gối lên cổ một cô gái, trong khi 1 cảnh sát khác ghì gối lên eo cô.

 

 

Một cảnh sát Hồng Kông đã ghì đầu gối vào cổ một nữ sinh 16 tuổi trong cuộc biểu tình hôm 12/6 tại Vịnh Causeway, khiến cô phải nhập viện.

 

Cảnh quay từ video của tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) cho thấy, một cô gái bị hai cảnh sát Hồng Kông đẩy xuống đất ở Vịnh Causeway. Một cảnh sát ghì đầu gối lên cổ cô, trong khi viên cảnh sát kia ghì đầu gối vào eo cô (video dưới).

 

Kênh Hành động của học sinh trung học Hồng Kông (The Hong Kong Secondary Students’ Action Platform), hậu thuẫn bởi đảng dân chủ Demosisto, xác nhận cô gái bị cảnh sát khống chế là một học sinh 16 tuổi và là thành viên của đảng này. Nữ sinh này sau đó đã được đưa đến bệnh viện.

 

Hôm Chủ nhật (14/6), nữ sinh 16 tuổi nói với kênh Apple Daily rằng cô đã được xuất viện. Cô cho biết thêm rằng cô vẫn cảm thấy “bất bình và buồn” về hành động của cảnh sát. Tuy nhiên, nữ sinh này không gửi đơn khiếu nại.

 

Nữ sinh kể lại  “Khi họ đẩy tôi xuống, cảm giác đầu tiên là tôi không thể thở được, và rất đau đớn”.

 

 

 

 

Cảnh sát ghì đầu gối vào cổ cô nữ sinh (ảnh chụp màn hình Youtube/SCMP).

 

 

Trả lời các câu hỏi của hãng Stand News hôm 14/6, phát ngôn viên cảnh sát tuyên bố rằng các sĩ quan phải giải tán đám đông ở Vịnh Causeway và thiết lập các rào chắn vì một nhóm lớn người biểu tình đang tiến đến và la hét.

 

Lực lượng này tuyên bố, nữ sinh đã chống lại và cố gắng trốn thoát, do đó, các sĩ quan đã sử dụng “một lực tối thiểu” để cưỡng chế cô, và quá trình bắt giữ này “khá nhanh chóng”. Tuy nhiên, cảnh sát Hồng Kông đã không trả lời trực tiếp khi được hỏi về việc ghì gối vào cổ nữ sinh.

 

Isaac Cheng, phát ngôn viên Kênh Hành động của học sinh trung học Hồng Kông, hôm 13/6 lên án hành động bạo lực của cảnh sát, và nói thêm rằng đoạn video quay lại vụ việc cho thấy nữ sinh không cố kháng cự cảnh sát.

 

Cheng nói  “Có phải điều này cho thấy mạng sống của những học sinh trung học Hồng Kông không quan trọng?”.

 

Vụ việc điển hình của nữ sinh trên một lần nữa nhấn mạnh đến 1 trong 5 yêu cầu của người biểu tình – điều tra việc lạm dụng bạo lực của cảnh sát Hồng Kông khi đối mặt với những người biểu tình ôn hòa.

 

KHẨU HIỆU “TÔI KHÔNG THỂ THỞ” TRONG BIỂU TÌNH SẮC TỘC Ở MỸ

Một tháng trở lại đây chứng kiến các cuộc biểu tình rầm rộ nổ ra trên khắp nước Mỹ và ở nhiều quốc gia phương Tây, theo sau vụ ngộ sát một người đàn ông da màu tên George Floyd khi bị cảnh sát bắt giữ tại thành phố Minneapolis, bang Minnesota, Mỹ. Cảnh sát đã ghì lên cổ anh Floyd trong gần 10 phút, khiến anh này tử vong do ngạt thở. Trong quá trình giằng co, George Floyd đã nhiều lần kêu lên: “Tôi không thể thở được”.

Các cuộc biểu tình chống phân biệt sắc tộc kèm khẩu hiểu “Tôi không thể thở được (I can’t breathe)” và “Black Lives Matter (Mạng người da đen cũng quý giá)” đã nổ ra ở khắp nơi.

Bên cạnh các cuộc biểu tình ôn hòa, cũng xảy ra các cuộc cướp bóc và đốt phá, mà nguyên nhân chính là do sự kích động của các nhóm phần tử cực đoan nhằm đạt mục đích chính trị riêng, mà Antifa – một nhóm do Liên Xô bồi dưỡng và kiến lập – là một trong số đó. Hôm 31/5, Tổng thống Trump đã chỉ định Antifa là “một tổ chức khủng bố”.

Lợi dụng cuộc biểu tình này, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã phát động một chiến dịch tuyên truyền rầm rộ, đánh đồng cuộc biểu tình sắc tộc với phong trào biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông, vốn có sự khác biệt về căn bản.

Một số tờ báo Trung Quốc còn đăng tải các đoạn clip so sánh để cho thấy cảnh sát Hồng Kông hành xử “có kiềm chế” so với các đồng nghiệp Mỹ khi trấn áp bạo động. Trên thực tế, cảnh sát Hồng Kông, với sự hậu thuẫn của chính quyền đại lục, thường sử dụng bạo lực quá khích để trấn áp biểu tình dù không gặp phản kháng thích đáng, trong khi cảnh sát Mỹ, trong nhiều tình huống, chỉ thực thi nhiệm vụ của họ khi đối mặt với các phần tử bạo lực cực đoan như Antifa.


(Theo daikynguyen.tv/Hải Lam)