Nông dân Pháp lái xe kéo biểu tình để phản đối hiệp định Mercosur, chặn đường nối giữa Pháp và Đức, tại Strasbourg, Pháp, ngày 18/11/2024. AFP - FREDERICK FLORIN
Hôm ngày 26/11/2024, với đa số phiếu áp đảo, Hạ Viện Pháp đã ủng hộ lập trường của chính phủ, phản đối dự thảo hiệp định mậu dịch tự do giữa Liên Âu và 5 nước Nam Mỹ (Mercosur).
Theo bộ trưởng Thương Mại Pháp, Sophie Primas, kết quả bỏ phiếu nói trên giúp lập trường phản đối dự thảo thỏa thuận Mercosur của chính phủ Pháp có thêm trọng lượng trước Ủy Ban Âu Châu và Hội Đồng Âu Châu. Hôm ngày 26/11, ngay sau khi Hạ Viện Pháp bỏ phiếu chống, thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cũng tuyên bố bác bỏ dự thảo. Thông tín viên Adrien Sarlat từ Varsava cho biết cụ thể :
« Paris và Vacxava cùng chống lại các sản phẩm từ Nam Mỹ. Thủ tướng Ba Lan phát biểu : ‘‘Nói một cách đơn giản là Ba Lan không chấp nhận Hiệp ước thương mại với các quốc gia Nam Mỹ với hình thức hiện tại’’. Ba Lan, hôm ngày 26/11, đã chính thức đứng về phía Pháp để phản đối một hiệp ước thương mại được cho là “nguy hiểm” đối với Âu châu.
“Hôm thứ Sáu, ngày 22/11, bộ trưởng Nông Nghiệp Pháp Annie Genevard đã tới Vacxava để vận động chính phủ Ba Lan ủng hộ mục tiêu này. Paris và Vacxava cùng phản đối việc nhập cảng nông phẩm được trồng ở Nam Mỹ theo các tiêu chuẩn ít ngặt nghèo hơn so với tiêu chuẩn của Liên Âu. “
“Đây là một mối nguy hiểm tiềm tàng đối với sức khỏe của người tiêu dùng cũng như đối với nông dân Ba Lan. Các nhà sản xuất thịt bò, thịt gia cầm và đường đặc biệt lo ngại không thể kháng cự lại được cạnh tranh không lành mạnh, sẽ khiến giá giảm và khiến họ không thể bán sản phẩm. “
“Bởi vì ở đây mọi người đều nhớ đến việc dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với ngũ cốc Ukraina vào năm ngoái. Thủ tướng Ba Lan nói : ‘‘Vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến nông dân Ba Lan. Và rõ ràng Ba Lan không phải là nước duy nhất phản đối, nhiều quốc gia thành viên cũng có quan điểm tương tự.’’
“Kể từ thứ Bảy, nông dân Ba Lan đã duy trì áp lực để bảo đảm được chính phủ hỗ trợ và bảo vệ. Họ đã phong tỏa một cửa khẩu biên giới với Ukraina từ 4 ngày nay, và cảnh báo các cuộc biểu tình dự kiến sẽ tiếp diễn cho đến cuối năm nay. »
Theo báo chí Pháp, Ý và Hà Lan cũng có thể phản đối dự thảo này. Theo quy định của Liên Âu, dự thảo hiệp định Mercosur có thể bị ngăn chặn, nếu phe phản đối tập hợp được tối thiểu bốn quốc gia thành viên, với tổng dân số chiếm 35% dân số toàn khối.
(Theo RFI Việt ngữ)