Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trong chuyến thăm trụ sở quân đội ở khu vực Kursk, Nga, ngày 12/03/2025. AP

 

 

CHIẾN SỰ NGA-UKRAINE, Tổng thống Nga Vladimir Putin, hôm 21/04/2025, khẳng định sẵn sàng nói chuyện trực tiếp với « chế độ Kyiv » về khả năng ngừng oanh kích vào cơ sở hạ tầng dân sự. Đây là lần đầu tiên tổng thống Nga « mở cánh cửa » cho các cuộc đàm phán song phương với Ukraine. Liệu đây có phải một « cái bẫy » giăng ra cho Kyiv?

 

 

Cho dù sự thay đổi của tổng thống Nga chưa chắc dẫn tới một thỏa thuận hòa bình toàn phần, nhưng Will Kingston-Cox, một chuyên gia về Nga tại Nhóm nghiên cứu an ninh quốc tế (ITSS) Verona, được trang mạng đài France 24 ngày 22/04 trích dẫn, nhận định, « đây cũng là một diễn biến đáng chú ý bởi vì lần đầu tiên từ khi cuộc chiến xâm lược Ukraine nổ ra, Vladimir Putin có một bước tiến theo hướng này ».

 

 

Ông Putin từ trước tới nay vẫn luôn bác bỏ ý tưởng đàm phán trực tiếp với tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskyy. Đối với Matxcơva, đó là một nhà lãnh đạo « không chính danh », « đứng đầu một chế độ phát xít ». Jeff Hawn, một chuyên gia về Nga tại Trường Kinh tế Luân Đôn, nhấn mạnh là bộ máy tuyên truyền của Nga thậm chí còn cho rằng việc lật đổ chính phủ Ukraine là một trong những mục tiêu của cuộc chiến mà họ xem là nhằm đẩy lùi mối đe dọa « phát-xít ».

 

Vậy điều gì đã thay đổi? Chắc chắn không phải là Vladimir Putin đã thay đổi cái nhìn về Volodymyr Zelenskyy. Theo chuyên gia Jeff Hawn, chủ nhân điện Kremlin nói tới khả năng « đàm phán với chế độ Kyiv », chứ không phải với chính phủ hay các nhà chức trách của Ukraine. Đây là một sắc thái ngữ nghĩa quan trọng, bởi vì « chế độ » không nhất thiết là « chính quyền hợp chính danh ».

 

 

Còn đối với chuyên gia Stephen Hall, một chuyên gia về Nga tại Đại học Bath của Anh, chắc chắn thông báo của Putin « chỉ nhắm đến 1 người duy nhất: tổng thống Mỹ Donald Trump ». Putin muốn chiều lòng Trump, bởi vì tổng thống Mỹ từng dọa là ông muốn thấy « sự nhiệt tình để chấm dứt » chiến tranh từ cả hai phía tham chiến, nếu không, Mỹ sẽ « từ bỏ » các nỗ lực để đúc kết thỏa thuận hòa bình. Đề nghị mới đây của Vladimir Putin về cuộc gặp trực tiếp với chế độ Kyiv là nhằm cho thấy lòng « nhiệt tình » đó của tổng thống Nga. Do vậy, tuyên bố của tổng thống Nga « chủ yếu là một chiêu trò quảng bá », bởi vì về quân sự, Nga vẫn nắm thế chủ động trên mặt trận và « tình hình của Ukraine vẫn rất mong manh ».

 

Liệu Putin có thực tâm sẵn sàng đàm phán với Ukraine hay không? Các chuyên gia được France 24 phỏng vấn cho rằng điều này là hoàn toàn có thể. Theo Will Kingston-Cox, trước tiên « đó dường như là cách để Vladimir Putin trấn an những nhóm có tư tưởng dân tộc mạnh mẽ nhất ở Nga, vốn xem việc Washington gây áp lực đối với Kyiv cũng là cách để Moscow đặt tương lai của nước Nga vào tay Hoa Kỳ ».

 

Đây dường như cũng là thời điểm lý tưởng đối với Nga. Theo truyền thông Mỹ, trong kế hoạch hòa bình do chính quyền Trump đề xuất với Ukraine, có việc Hoa Kỳ công nhận chủ quyền của Nga đối với bán đảo Crimée của Ukraine mà Moscow đã sáp nhập từ năm 2014. Ngoài ra còn có đề xuất đóng băng xung đột dọc theo chiến tuyến. Có nghĩa là Nga sẽ duy trì quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ mà họ đã chiếm đóng ở Donbass. Washington dường như cũng sẵn sàng bảo đảm không xem xét đến khả năng cho Ukraine gia nhập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương nữa. Hiện giờ, chính quyền Mỹ của Donald Trump không xác nhận, mà cũng không phủ nhận những « thông tin bị rò rỉ ».

Chuyên gia Jeff Hawn tóm lược là kế hoạch nói trên mang lại « gần như mọi thứ mà Nga có thể mơ tới ». Và giờ là lúc Vladimir Putin chuyển sang giai đoạn tiếp theo để định đoạt số phận của Ukraine, bởi vì « tổng thống Nga biết lập trường của Hoa Kỳ và biết rằng chúng phù hợp với các mối ưu tiên của mình, biết rằng Washington sẽ sẵn sàng hỗ trợ ông ta và gây áp lực đối với Kyiv, nên có thể muốn tham gia đàm phán trực tiếp với Ukraine ».

 

Một lợi thế khác của đàm phán song phương là Nga có thể « cắt đứt Ukraine khỏi sự hỗ trợ của Liên Âu », theo nhận định của chuyên gia Will Kingston. Kể từ khi Donald Trump trở lại Nhà Trắng, các nước đồng minh Âu châu của Ukraine đang hình thành một mặt trận mới để bù đắp cho việc Mỹ ngừng viện trợ cho Kyiv. Do đó, có thể là Vladimir Putin muốn nhanh chóng đàm phán song phương trước khi Âu châu nhất trí hoàn toàn hậu thuẫn Kyiv.

 

Nhưng đề xuất đàm phán trực tiếp cũng có thể là một cái bẫy Putin giăng ra cho chính quyền Ukraine của tổng thống Zelenskyy. Chuyên gia về Nga, Stephen Hall, được France 24 trích dẫn, nói: « Volodymyr Zelenskyy đã nhiều lần tuyên bố rằng Ukraine không thể đàm phán trực tiếp với Nga chừng nào Vladimir Putin còn nắm quyền, trong khi hầu hết các điểm trong kế hoạch của Hoa Kỳ bị rò rỉ cho giới truyền thông đều vi phạm các lằn ranh đỏ mà Kyiv đã đặt ra ».

 

Chuyên gia Stephen Hall cho rằng: « Không có chính phủ Ukraine nào có thể chấp nhận một thỏa thuận hòa bình bảo vệ quyền kiểm soát của Nga đối với một số khu vực ở vùng Donbass và bán đảo Crimée ». Thế nên, trong bối cảnh hiện nay, Ukraine có thể sẽ không chấp nhận đề xuất đàm phán song phương này. Và khi đó, « Vladimir Putin sẽ có thể tuyên bố rằng ít nhất thì ông cũng đã cố gắng ».

 

 

 

(Theo RFI)