Một chiếc xe tăng của Armenia bị bên Azerbaijan bắt giữ trong cuộc giao tranh trước đó ở Nagorno-Karabakh vào năm 2020 (AAP), Nguồn: Kommersant Photo Agency/Sipa USA

 

 

TÂY Á - Leo thang xung đột tại biên giới Armenia và Azerbaijan đang làm dấy lên mối lo ngại về những nỗ lực hướng tới hòa bình lâu dài trong khu vực. Trong vụ bùng phát xung đột đầu tiên kể từ khi Azerbaijan tấn công vào tháng 9, 4 binh sĩ Armenia đã bị quân đội Azerbaijan giết chết.

 

Một cuộc bùng phát xung đột dọc biên giới Armenia và Azerbaijan đang làm dấy lên căng thẳng giữa hai đối thủ lâu năm, lo ngại sự leo thang đang đe dọa các cuộc đàm phán hòa bình cho khu vực.

 

Bốn binh sĩ Armenia bị thiệt mạng hôm thứ Ba 13/2 và một người bị thương trong một cuộc giao tranh ở biên giới, mà cả hai nước đều cáo buộc nhau là kích động.

 

Đây là vụ xung đột gây chết người đầu tiên kể từ khi hai nước bắt đầu đàm phán hòa bình vào năm ngoái, nhằm chấm dứt xung đột kéo dài 30 năm qua.

 

Một thành viên Quốc hội Armenia, Hayk Mamijanyan, cho hay các cuộc tấn công diễn ra bên trong lãnh thổ Armenia.
 

"Những người lính Armenia, đã bị quân đội Azerbaijan giết chết, từ căn cứ của Azerbaijan nằm bên trong Armenia. Đây là những vùng lãnh thổ đã bị lực lượng của Azerbaijan xâm chiếm, đây là một phần của chính sách mang tính hệ thống tiếp diễn của Azerbaijan. Azerbaijan luôn tạo ra những căn cứ cho sự xâm lược và tấn công, cho tội ác chống lại người Armenia."

 

Viên chức báo chí Bộ Ngoại giao Azerbaijan, Aykhan Hajizada nói Azerbaijan đang phát động một chiến dịch 'trả thù' chống lại Armenia, cáo buộc Armenia đã nổ súng dọc theo biên giới và làm quân sự hóa khu vực mở rộng hơn về phía bắc.
 

"Như các bạn đã biết, quận đội Armenia đã có hành động khiêu khích chống lại lực lượng Azerbaijan. Điều đó dẫn đến việc một quân nhân Azerbaijan bị thương. Hôm nay, Bộ Ngoại giao Armenia tuyên bố kết quả của các biện pháp trả đũa của Azerbaijan là một hành động leo thang có chủ ý, điều này không đúng. Azerbaijan thực hiện các biện pháp này do sự khiêu khích của phía Armenia. Azerbaijan cam kết tiến trình hòa bình."

 

Đây là đợt bùng phát căng thẳng lớn nhất giữa hai nước láng giềng kể từ cuộc di cư Nagorno-Karabakh vào tháng 9 năm 2023.

 

Cuộc di cư chứng kiến các lực lượng Azerbaijan phong tỏa lãnh thổ Nagorno-Karabakh, nơi được quốc tế công nhận là của Azerbaijan, nhưng lại là quê hương của hơn 120.000 người Armenia giành được độc lập, sau một cuộc chiến kéo dài trong thời kỳ Liên Xô sụp đổ.

 

Sau chín tháng bị phong tỏa quân sự, lo ngại về nạn đói và thanh lọc sắc tộc đã khiến 99% dân số Armenia ở Nagorno-Karabakh phải rời bỏ nhà cửa, gây ra cuộc khủng hoảng người tị nạn ở Armenia.

 

Ông Mamijanyan nói những nỗ lực giải quyết của Azerbaijan là không thành thật.
 

"Tất cả những ý định, vốn gọi là ý định hòa bình mà Azerbaijan đang thể hiện đều là giả mạo và nhằm đánh lừa cộng đồng quốc tế. Trên thực tế, Azerbaijan tiếp tục các chính sách thù địch và bài trừ người Armenia với mục tiêu tiêu diệt toàn bộ người Armenia."

 

 

Trong khi đó, trong cuộc họp lần thứ năm của Hội đồng đối tác Armenia-EU, Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh Âu Châu, Josep Borrell, đã lên án hành động gây hấn từ cả hai bên.
 

"Vụ bắn chết người lính Azerbaijan của Armenia ngày hôm qua thật đáng trách, nhưng phản ứng của Azerbaijan dường như không tương xứng, đã phớt lờ thông báo của Bộ quốc phòng Armenia rằng vụ việc này sẽ được điều tra đầy đủ."

 

 

Các cuộc tấn công xảy ra chưa đầy một tuần sau khi Armenia chính thức được chào đón với tư cách là Quốc gia thứ 124 tham gia Quy chế Rome của Tòa án Hình sự Quốc tế, một hành động mà đồng minh truyền thống của Armenia là Nga cho là nước này đã coi thường Moscow.

 

Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan nói với các phóng viên Đài phát thanh Armenia rằng nước này không còn có thể dựa vào Nga với tư cách là đối tác quốc phòng chính, sau thất bại của Moscow trong việc bảo vệ người Armenia ở Nagorno-Karabakh.

 

Ông nói việc Armenia phê chuẩn Quy chế Rome không nhằm mục đích nhắm vào Moscow mà thay vào đó là giải quyết các cáo buộc tội ác chiến tranh do nước láng giềng Azerbaijan gây ra.

 

Ngoại trưởng Armenia Ararat Mirzoyan đã nói về những lo ngại tại buổi lễ chào mừng việc Armenia phê chuẩn Quy chế Rome.
 

"Thật không may, trong khu vực của chúng tôi, chúng tôi không chỉ phải đối mặt với việc hoàn toàn không sẵn lòng giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình, mà còn phải đối mặt với ý định rõ ràng là gia tăng chiến tranh, hận thù và khủng bố, tiếp tục xâm lược Cộng hòa Armenia và chiếm đóng lãnh thổ có chủ quyền của chúng tôi. Tội ác tàn bạo ghê gớm đã gây ra cho người Armenia."

 

 

Ông nói bằng cách phê chuẩn Quy chế Rome, Armenia hy vọng sẽ củng cố sự cai trị của luật pháp quốc tế.
 

"Việc thanh lọc sắc tộc ở Nagorno-Karabakh khiến hơn 100.000 người Armenia phải rời bỏ nhà cửa để tìm nơi trú ẩn, đã gây ra những hậu quả nhân đạo tàn khốc và tiếp tục gây ra những rủi ro sắp xảy ra cho khu vực. Trong bối cảnh này, chúng tôi tin rằng Quy chế Rome, cùng với các cơ chế khác, có tiềm năng thực sự để ngăn chặn bất kỳ sự leo thang và hành động tàn bạo nào, và trở thành một cột mốc quan trọng hướng tới sự ổn định và hòa bình bền vững trong khu vực của chúng ta."

 

 

Cả Nga và Iran hiện nay đang kêu gọi Azerbaijan và Armenia thể hiện sự kiềm chế.

 

Iran và Nga đều có chung lợi ích ở miền nam Caucasus và trước đây đã tham gia vào nỗ lực hòa giải giữa các nước láng giềng.

 

Phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Matthew Miller, nói cuộc đụng độ gần đây làm suy yếu các cuộc đàm phán vì hòa bình.
 

"Chúng tôi lo ngại trước các báo cáo về các cuộc đụng độ chết người giữa hai quân đội dẫn đến nhiều thương vong. Chúng tôi gửi lời chia buồn chân thành tới gia đình của những người thiệt mạng và bị thương. Việc sử dụng vũ lực làm suy yếu các cuộc đàm phán. Cách duy nhất để giải quyết hòa bình bền vững đang ở trên bàn đàm phán. Bất kỳ hành vi vi phạm lệnh ngừng bắn nào cũng cần được điều tra và giải quyết thỏa đáng. Như Ngoại trưởng liên tục nhấn mạnh, Hoa Kỳ cam kết đàm phán hòa bình Armenia-Azerbaijan."

 

 

Armenia và Azerbaijan hầu như bị bỏ rơi khi tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình, trong bối cảnh cộng đồng quốc tế tập trung vào Gaza và Ukraine.

 

Nhiều người Armenia vẫn lo ngại rằng nếu không có hòa giải, họ sẽ gặp bất lợi trong các cuộc đàm phán hòa bình, và rằng Azerbaijan có ý định đòi thêm lãnh thổ dọc biên giới phía nam với Iran.

 

Các quan chức Azerbaijan cho rằng các tổ chức hòa giải bên ngoài như Liên minh châu Âu và Mỹ không thể hòa giải vấn đề này một cách hiệu quả vì họ không trung lập.