Washington đã “nhắm vào” Bắc Kinh bằng các biện pháp trên phạm vi rộng, nhằm dịch chuyển chuỗi cung ứng đang phụ thuộc vào Trung Quốc của các công ty Hoa Kỳ (Ảnh: Sean Gallup/Getty Images)

 

 

 

 

 

Các công ty đa quốc gia đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, do những ảnh hưởng từ đại dịch viêm phổi Vũ Hán và các hạn chế thương mại của Hoa Kỳ đối với Bắc Kinh, điều này gây ảnh hưởng lâu dài đến thị phần xuất khẩu toàn cầu của Trung Quốc.

 

 

 

Thị phần xuất khẩu toàn cầu của Trung Quốc đã bị ảnh hưởng bởi cuộc thương chiến Mỹ-Trung. Ngoài ra, những nguyên nhân như đại dịch viêm phổi Vũ Hán, nhu cầu quản trị doanh nghiệp và sự gia tăng của trí tuệ nhân tạo - đang thúc đẩy các công ty đa quốc gia giảm sự phụ thuộc vào cường quốc châu Á này.

 

 

Năm 2019, lượng xuất khẩu 1.200 sản phẩm của Trung Quốc chiếm 22% thị phần xuất khẩu của thế giới, giảm 3 điểm phần trăm so với năm 2018, theo một nghiên cứu mới của công ty luật Baker McKenzie, và công ty tư vấn kinh tế Silk Road Associates. Đối với hàng tiêu dùng, thị phần toàn cầu của quốc gia này giảm 4 điểm phần trăm, xuống mức 42%.

 

 

Washington đã “nhắm vào” Bắc Kinh bằng các biện pháp trên phạm vi rộng, nhằm dịch chuyển chuỗi cung ứng đang phụ thuộc vào Trung Quốc của các công ty Hoa Kỳ, và ngăn cản tham vọng “trở thành cường quốc công nghệ toàn cầu” của Bắc Kinh.

 

 

Hôm thứ Hai (ngày 17/8), Washington đã mở rộng thêm các quy định hạn chế đối với nguồn cung cấp chất bán dẫn cho Huawei (vốn được áp dụng vào đầu năm nay) để cắt giảm gần như tất cả các lô hàng chip cho tập đoàn công nghệ Trung Quốc này.

 

 

Anne Petterd, người đứng đầu về thương mại quốc tế tại Baker McKenzie ở Châu Á Thái Bình Dương, cho biết rằng trước sự gián đoạn do đại dịch gây ra, các công ty đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ về mặt địa lý, xây dựng nhiều “lớp an toàn” hơn và giám sát chúng nghiêm ngặt hơn.

 

 

Bà nói: “Trước đây, lĩnh vực hàng tiêu dùng phải thực hiện những bước chuyển mình nhanh chóng này, thì giờ đây chúng ta đang chứng kiến ​​một loạt các ngành đã bắt đầu làm như vậy”.

 

 

Các công ty sản xuất phần cứng công nghệ (một trong những ngành tập trung sản xuất nhiều nhất ở Trung Quốc) đã chuyển việc sản xuất một số sản phẩm ra khỏi Trung Quốc trong ba năm qua, khi khách hàng của họ ở Mỹ bắt đầu lo ngại về vấn đề bảo mật, và giá thành sản xuất một số linh kiện bị ảnh hưởng bởi thuế quan của Hoa Kỳ.

 

 

Chẳng hạn như: Quanta Computer, nhà sản xuất hợp đồng máy tính xách tay lớn nhất thế giới và là nhà cung cấp phần cứng đám mây lớn cho các công ty như Google, Amazon và Facebook, đã chuyển sản xuất máy chủ ra khỏi Trung Quốc sang Đài Loan và Hoa Kỳ. 

 

 

Dữ liệu do Silk Road Associates tổng hợp cho thấy thị phần xuất khẩu máy tính và máy tính bảng trên toàn thế giới của Trung Quốc đã giảm 4 điểm phần trăm xuống còn 45% vào năm 2019. Trong ngành công nghiệp thiết bị cầm tay (nơi Trung Quốc thậm chí còn chiếm ưu thế hơn) thị phần của quốc gia này đã giảm 3 điểm phần trăm xuống còn 54%.

 

 

Vào tuần trước, Liu Young-way, Chủ tịch Foxconn - nhà cung cấp lớn nhất cho Apple và là nhà sản xuất điện tử lớn nhất thế giới với lực lượng lao động lên đến 1 triệu người ở Trung Quốc, cho biết công ty dự kiến rằng ​​chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu sẽ chia thành hai phe: “Một cho Trung Quốc và nhóm liên kết với họ, và một cho Hoa Kỳ và các đồng minh".

 

 

Trong khi đang xây dựng năng lực tại Việt Nam và Ấn Độ, Foxconn cho biết họ đặt mục tiêu tăng tỷ trọng công suất bên ngoài Trung Quốc từ 20% (hiện tại) lên 30%. 

 

 

Nhiều nhà nghiên cứu chỉ ra rằng đại dịch và sự gián đoạn mà nó gây ra cho chuỗi cung ứng toàn cầu (vốn tập trung tại Trung Quốc) đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi. 

 

 

Giám đốc điều hành của Silk Road Associates Ben Simpfendorfer, cho biết: “Chuỗi cung ứng được xây dựng ở Trung Quốc trong 20 năm qua sẽ được thay thế dần - nhưng mọi việc cần có thời gian".

(Theo ntdvn.com)