Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương tham dự một cuộc họp báo tại Media Center ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 07/03/2023. (Ảnh: Lintao Zhang/Getty Images)

 

 

Tung tích của ông Tần Cương (Qin Gang), người đã bị cách chức Ngoại trưởng Trung Quốc và Ủy viên Quốc vụ Đảng Cộng sản Trung Quốc, vẫn đang là một bí ẩn. Theo tin tức mới nhất, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Andrey Rudenko đã mật báo cho ông Tập Cận Bình rằng ông Tần Cương đã cung cấp thông tin tình báo cho phương Tây và dính vào một vụ bê bối nghiêm trọng.

 

Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương đã không xuất hiện trước công chúng kể từ sau khi ông này gặp Ngoại trưởng Sri Lanka, Ngoại trưởng Việt Nam và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Andrey Rudenko tại Bắc Kinh vào ngày 25/6 năm nay. Khi đó cả thế giới đều đặt câu hỏi: "Ông Tần Cương đã đi đâu?".

 

Mãi đến ngày 25/7, chính quyền Trung Quốc mới chính thức tuyên bố cách chức Bộ trưởng Ngoại giao của ông Tần Cương, và đến ngày 24/10, ông này tiếp tục bị miễn chức Ủy viên Quốc vụ viện. Tuy nhiên, phía Bắc Kinh vẫn chưa công bố lý do cách chức ông Tần.

 

Tờ Politico của Mỹ dẫn lời một số nguồn tin có thể tiếp xúc với các quan chức cấp cao trong Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tiết lộ rằng, nhiệm vụ thực sự của ông Rudenko khi tới Bắc Kinh là thông báo cho ông Tập Cận Bình việc Bộ trưởng Ngoại giao Tần Cương đã cung cấp thông tin tình báo cho phương Tây, cũng như việc một số quan chức cấp cao trong quân đội Trung Quốc đã bị các cơ quan tình báo phương Tây ‘khai thác’.

 

Sau khi ông Tần Cương biến mất, trên mạng lan truyền tin đồn về mối quan hệ giữa ông này với người dẫn chương trình trên Đài truyền hình Phượng Hoàng Hong Kong Phó Hiểu Điền (Fu Xiaotian), rằng hai người này có một đứa con ngoài giá thú là công dân Mỹ. Câu chuyện này được lan truyền rộng rãi trên mạng với sự chấp thuận ngầm của cơ quan kiểm duyệt Internet của ĐCSTQ.

 

 

Bà Phó Hiểu Điền và ông Tần Cương trong một cuộc phỏng vấn truyền hình. (Ảnh chụp màn hình)

 

 

Bắt đầu từ nửa cuối năm nay, các quan chức cấp cao trong hệ thống ngoại giao và quân sự của ĐCSTQ đã lần lượt xảy ra chuyện. Ngoài ông Tần Cương, còn có ông Lý Thượng Phúc (Li Shangfu) bị cách chức Ủy viên Quốc vụ và Bộ trưởng Quốc phòng. Tư lệnh Lực lượng Tên lửa Lý Ngọc Siêu (Li Yuchao) và Chính ủy Lực lượng Tên lửa Từ Trung Ba (Xu Zhongbo) cũng đã lần lượt bị thay thế. Cả 4 người này đều là ủy viên của Trung ương ĐCSTQ khóa XX.

 

Nguồn tin tiết lộ với tờ Politico rằng, lý do thực sự khiến ông Tần Cương biến mất đột ngột là vì ông này dính líu đến một vụ bê bối còn nghiêm trọng hơn, liên quan đến Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc và các tướng lĩnh chỉ huy của Lực lượng Tên lửa - cơ quan giám sát chương trình vũ khí hạt nhân của ĐCSTQ.

 

Sau khi ông Tần Cương biến mất, gần như các tướng lĩnh trong Lực lượng Tên lửa cũng biến mất theo, bao gồm Tư lệnh Lý Ngọc Siêu, Phó Tư lệnh Lưu Quang Bân và Phó tổng tham mưu trưởng Bộ Tham mưu Liên hợp Quân ủy Trung ương (cựu Phó Tư lệnh Lực lượng Tên lửa) Trương Chấn Trung.

 

Theo bài báo trên Politico, một số sĩ quan cấp cao hiện tại và trước đây của Lực lượng Tên lửa cũng đã bị bắt giữ, và ít nhất một cựu phó chỉ huy (ông Ngô Quốc Hoa) đã qua đời vì một căn bệnh không rõ ràng.

 

Bài báo này đề cập rằng, những chỉ huy đã mất tích kia của Lực lượng Tên lửa cuối cùng đều bị cách chức và được thay thế bởi các sĩ quan của Hải quân và Không quân. Đây là một tình huống rất hiếm gặp vì trước đó các chỉ huy cấp cao nhất của Lực lượng Tên lửa hầu như đều là người thuộc đơn vị này được đề bạt lên.

 

Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, ông Tập Cận Bình, người lãnh đạo hiện tại của ĐCSTQ, đã thanh trừng hàng triệu quan chức dưới danh nghĩa chống tham nhũng. Theo thuật ngữ trong giới quan trường Trung Quốc thì các quan chức tham nhũng ở cấp cao được gọi là “hổ”, ở cấp thấp là “ruồi”.

 

Tại Đại hội toàn quốc lần thứ XX của ĐCSTQ vào năm ngoái, cựu lãnh đạo đảng Hồ Cẩm Đào đã bị buộc rời khỏi hội trường, đánh dấu việc phe Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc bị “tiêu diệt” và đội quân nhà ông Tập nắm quyền lực cốt lõi. Nhưng trong một năm qua, bộ máy quan chức của ĐCSTQ đang trở nên hỗn loạn.

 

Điều đáng chú ý là, các quan chức bị thanh trừng gần đây không phải là thành viên của các phe phái chính trị đối địch mà lại là những thân tín của ông Tập. Điều này khiến giới quan sát không khỏi đặt câu hỏi về về sự ổn định của chính quyền Trung Quốc.

 

Tới ngày 27/10, cựu Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, 68 tuổi, đột ngột qua đời khi đang “nghỉ dưỡng ở Thượng Hải”. Sự việc này khiến thế giới bên ngoài không khỏi bàng hoàng, do còn nhiều điểm nghi vấn xung quanh cái chết của ông Lý.

 

Những sự việc trên cho thấy ông Tập đang gặp khủng hoảng về quản trị và cầm quyền.

 

Phó giáo sư Phùng Sùng Nghị (Feng Chongyi) tại Đại học Công nghệ Sydney, Úc, trước đây từng nói với The Epoch Times rằng chính quyền độc tài ĐCSTQ dựa vào các cuộc thanh trừng chính trị liên tiếp để tồn tại. Người lãnh đạo hiện nay của ĐCSTQ không chỉ cảm thấy lo sợ về xã hội, mà còn không dám tin tưởng vào những người xung quanh.

 

Gần đây, nguồn tin thân cận với Trung Nam Hải tiết lộ rằng chính quyền Bắc Kinh đang cố gắng đổ trách nhiệm về vấn đề kinh tế của Trung Quốc cho ông Lý Khắc Cường. Cái chết của ông Lý Khắc Cường đã đặt ông Tập dưới áp lực to lớn, và tình trạng vô phương cứu chữa của nền kinh tế Trung Quốc cũng đang đặt ông Tập vào thế bí.

 

Ông Vương Hách (Wang He), một chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc, cho rằng cái chết của ông Lý Khắc Cường đã trở thành một sự kiện mang tính bước ngoặt, là một cú hích để các lực lượng chính trị ‘chống Tập’ trong ĐCSTQ liên hợp lại, người dân Trung Quốc cũng đang thức tỉnh.

 

(Theo NTD tiếng Trung)

(ntdvn.net; Minh Lý biên dịch)