Người di cư tụ tập lấy đồ uống nóng bên trong một căn lều gần biên giới với Phần Lan tại Salla, một trong những trạm kiểm soát biên giới vẫn còn mở, nằm tại quận Kandalaksha của vùng Murmansk, Nga, ngày 22/11/2023, AP
Chiến tranh Ukraine kéo dài cộng thêm tỷ lệ sinh nở thấp đã khiến tình trạng thiếu lao động tại Nga ngày càng trầm trọng. Chính quyền Moscow đã đề nghị nhiều giải pháp từ gia tăng tuyển dụng người nghỉ hưu, người khuyết tật, giảm tuổi lao động hợp pháp xuống còn 14, cho tới “nhập cảng” nhân công giá rẻ từ Phi châu, Bắc Hàn.
Trong năm ngoái, tỷ lệ thiếu lao động tại Nga đạt mức kỷ lục, theo kết quả của cuộc khảo sát do Viện Chính sách Kinh tế Yegor Gaidar của Nga công bố. Cụ thể, có hơn một phần ba trong số 1.000 giám đốc doanh nghiệp được hỏi, tức 35%, cho biết họ đang thiếu nhân công, đây là tỷ lệ cao nhất được ghi nhận kể từ năm 1996. Đến mức tổng thống Vladimir Putin cũng phải thừa nhận Nga “không có đủ lao động”, trong khi bộ trưởng Phát Triển Kinh Tế Maxime Reshetnikov thì khẳng định rằng đây là “vấn đề sống còn” với đất nước.
Đến năm nay, tình trạng này vẫn không mấy khả quan. Theo ghi nhận từ Reuters, việc thiếu nhân công đã khiến tỷ lệ thất nghiệp của Nga giảm mạnh. Trích dẫn dữ liệu do viện thống kê Rosstat công bố hôm thứ Tư, 27/11, tỷ lệ này đang ở mức thấp kỷ lục 2,3%. Sở lao động vùng Sverdlovsk, nơi tập trung nhiều nhà máy trong lĩnh vực quốc phòng, đã ghi nhận 54.912 cơ hội việc làm vào đầu tháng Mười, trong khi chỉ có 8.762 người thất nghiệp. Còn tại các thành phố lớn phía tây của Nga thì có tới 9 vị trí trống, trong khi chỉ có 1 người thất nghiệp, theo phát biểu hôm thứ Ba, 26/11 của ông Igor Shchegolev, đặc phái viên của tổng thống tại khu vực này. Công ty tuyển dụng Nga Superjob cho biết số lượng vị trí trống ở Nga đã tăng gấp 1,7 lần trong vòng hai năm và gấp 2,5 lần trong ngành công nghiệp, trong khi Ngân hàng Trung ương cho biết 73% doanh nghiệp Nga đang thiếu nhân sự.
Bộ trưởng Nông Nghiệp Oksana Lut ước tính khoảng 200.000 người, tương đương 3,3% tổng số lao động trong ngành nông nghiệp, đã rời bỏ lĩnh vực này trong năm 2023. Trong khi Hiệp hội Các Doanh nghiệp sản xuất Nông nghiệp InterAgroTech cho biết tình trạng thiếu lao động ảnh hưởng đến tất cả các khâu từ gieo trồng đến thu hoạch, và đã tác động đến chất lượng của vụ mùa.
Tình trạng thiếu lao động cũng đang rất nghiêm trọng tại bộ Nội Vụ, cơ quan quản lý lực lượng cảnh sát. Phát biểu trong tuần này, bà Valentina Matvienko, chủ tịch Thượng viện Nga, cho biết số lượng vị trí còn trống trong bộ này đã tăng gấp đôi trong hai năm qua, đạt mức 173.800 vị trí, chiếm 18,8% tổng số nhân viên, tính đến đầu tháng Mười một.
Đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hụt này?
Đầu tiên có thể kể tới tỷ lệ sinh giảm cùng với đó là tỷ lệ di cư tăng cao sau khi chủ nhân Điện Kremlin phát động cuộc chiến xâm lược Ukraine. Theo một nghiên cứu được kinh tế gia Alexander Kolandr tại Trung tâm Phân tích Chính sách Âu Châu (Cepa) và Alexandra Prokopenko, cựu cố vấn của Ngân hàng Trung ương Nga, công bố vào ngày 19/07, 650.000 người Nga đã trốn khỏi nước Nga, đây là số lượng di cư lớn nhất trong ba mươi năm. Hai chuyên gia này cho biết : “Sự vắng mặt của họ đã khiến tình trạng thiếu lao động trong nước càng thêm căng thẳng”. Con số này có vẻ chẳng thấm vào đâu so với một đất nước có 144 triệu dân, nhưng vấn đề ở chỗ đa số những người này là có trình độ học vấn cao (80% có trình độ đại học).
Tuy nhiên, đây không phải là nguyên nhân chính. Việc hàng chục ngàn thanh niên, những thành phần lao động chủ chốt của đất nước được kêu gọi gia nhập quân ngũ với mức lương rất cao mới là tác nhân chủ yếu khiến tình trạng thiếu hụt lao động trở nên trầm trọng.
Tại vùng Sverdlovsk, những người đăng ký đi chiến đấu ở Ukraine sẽ nhận được 2,1 triệu rúp, tương đương 18.560 đô-la, có nghĩa là cao hơn gấp 25 lần mức lương cơ bản tại Nga. Đài France 24 dẫn lời ông Igor Delanoë, chuyên viên nghiên cứu chuyên về các vấn đề an ninh và quốc phòng của Nga, cho biết ngoài việc trả tiền cho những người ghi danh vào quân đội, Moscow còn sẵn sàng chi mạnh tay cho các “tình nguyện viên”. Ông nói : "Mỗi ngày có khoảng 1.000 người tình nguyện viên gia nhập quân đội, bù đắp phần nào tổn thất trên chiến trường. Tuy nhiên, Nga không muốn tiến hành một đợt động viên lần thứ hai như năm 2022, vì về mặt chính thức, Nga đang không tiến hành một cuộc chiến, mà chỉ tiến hành một 'chiến dịch đặc biệt'. Nhưng để tìm thêm tình nguyện viên, Nga buộc phải đưa ra mức lương rất cao và các khoản tiềng thưởng khổng lồ."
Chính quyền đã làm gì để giải quyết vấn nạn này?
Tăng lương, dỡ bỏ những quy định về làm quá giờ, tuyển dụng người nghỉ hưu, người khuyết tật là những gì mà chính quyền Nga đã áp dụng để giải quyết vấn đề này. Thậm chí, đảng cầm Nước Nga Thống Nhất còn đề nghị giảm độ tuổi lao động hợp pháp xuống còn 14 tuổi. "Chín trên mười thanh thiếu niên muốn bắt đầu làm việc trước khi đủ 18 tuổi, nhưng họ không thể tìm được công việc chính thức," Artyom Metelev, chủ tịch Ủy ban Chính sách Thanh niên của Duma (Hạ Viện Nga), cho biết trong một thông cáo báo chí. "Chúng ta có những thanh niên muốn trưởng thành và phát triển, nhưng họ phải trải qua vô số cuộc kiểm tra và xin phép, điều này chỉ không có lợi cho các công ty tuyển dụng."
Ngoài ra, một phần lớn nhân công được tuyển dụng để bù đắp sự thiếu hụt là những lao động nước ngoài, đa phần đến từ Bắc Hàn và Phi châu. Theo tờ Courrier International, vùng Viễn Đông của Nga, giàu tài nguyên nhưng lại thiếu dân cư, trong khi đó Bình Nhưỡng dồi dào lao động nhưng mức lương lại thấp. Sự chênh lệch về mức sống cũng như thu nhập luôn khiến công việc tại Nga trở nên rất hấp dẫn đối với người dân Bắc Hàn. Trong một năm, một công nhân Bắc Hàn có thể tiết kiệm khoảng 1.500 đô-la Mỹ khi làm việc tại Nga. Thông thường, họ sẽ ở lại từ ba đến năm năm. Với số tiền từ 5.000 đến 7.000 đô-la Mỹ tích lũy được, họ có thể mở một cửa hàng nhỏ ở Bình Nhưỡng, có khả năng mang lại thu nhập gấp 3 đến 4 lần mức lương trung bình của cư dân thủ đô.
Vào năm 2015, khoảng 35.000 công nhân Bắc Hàn đã làm việc tại Nga. Tuy nhiên, từ năm 2016, Liên Hợp Quốc đã thông qua các lệnh trừng phạt kinh tế nghiêm ngặt đối với Bình Nhưỡng. Moscow khi đó đã đồng thuận và ký vào nghị quyết. Do vậy, việc sử dụng lao động từ Bắc Hàn tại Nga đã trở thành bất hợp pháp. Nhưng đương nhiên là Nga bất chấp điều đó.
Theo tạp chí Nga Profil, chuyến công du lịch sử của ông Putin tới Bình Nhưỡng hồi tháng Sáu dù không giúp cho khối lượng trao đổi thương mại giữa hai nước tăng cao, nhưng trong một số lĩnh vực, đặc biệt là “nhập cảng lao động”, hai nền kinh tế Nga - Bắc Hàn đã “hoàn toàn bù đắp cho nhau”.
Không chỉ có Bắc Hàn, Phi châu cũng là thị trường nhập cảng lao động ưa thích của Moscow. Bảy trong số mười quốc gia có mức tăng cao nhất về các cơ hội việc làm tại Nga nằm ở Phi châu. Tại Kenya, quốc gia đứng đầu trong số này, số lượng việc làm đã tăng từ 161 trong nửa đầu năm 2023 lên gần 6.500 trong sáu tháng đầu năm 2024. Ông Alexander Kolyandr nhận định dường như “Nga đang cố gắng tuyển dụng người Phi châu tại các khu vực có đông người theo đạo Cơ Đốc ở Sahel.” Lý giải cho điều này, tờ Le Figaro nhắc lại vụ tấn công khủng bố ở Crocus City Hall vào tháng Ba mà Nhà nước Hồi giáo Deach thừa nhận đã tiến hành. Sau vụ đó, Điện Kremlin đã áp đặt các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt hơn đối với những người nhập cảnh, trong bối cảnh các cuộc biểu tình phản đối chống người nhập cư và thù địch với người Hồi Giáo gia tăng
(Theo RFI Việt ngữ)