Ảnh minh họa: Shutterstock.
Phía Trung Quốc đã giải thích nhưng Papua New Guinea vẫn yêu cầu giải trình cụ thể hơn.
Theo Agence France-Presse, ngày 20/8, chính quyền Papua New Guinea đã yêu cầu Trung Quốc giải thích lý do tại sao hàng chục công nhân Trung Quốc trở lại khu mỏ ở Papua New Guinea làm việc đã dương tính với virus viêm phổi Vũ Hán.
Tập đoàn công ty Công nghiệp luyện kim Trung Quốc (MCC) nói với chính quyền địa phương ở Papua New Guinea rằng, 48 công nhân trở lại từ Trung Quốc trong tháng này, qua kiểm tra xét nghiệm có thể đã dương tính với virus, là do họ đã được tiêm vắc-xin trước đó.
Đáp lại điều này, nhà chức trách Papua New Guinea kêu gọi Bắc Kinh “cung cấp thông tin làm rõ ngay lập tức”, đồng thời đã hủy một máy bay thuê chở các nhân viên Trung Quốc dự kiến hạ cánh ở nước này vào hôm thứ Năm (ngày 20/8).
Papua New Guinea là một trong những quốc gia nghèo nhất ở Thái Bình Dương, chuyên khai thác quặng niken, một kim loại quý được sử dụng rộng rãi trong pin dùng cho xe điện. Đại dịch đã làm mất đi một phần doanh thu lợi nhuận dựa vào hoạt động kinh doanh các khu mỏ của quốc gia này.
Phía Trung Quốc nói với nhà chức trách Papua New Guinea rằng: Kết quả xét nghiệm dương tính với virus là “phản ứng bình thường của việc tiêm vắc-xin, không phải do nhiễm bệnh”.
Trước đó, chính quyền Trung Quốc đã tuyên bố rằng, họ sẽ tiến hành thử nghiệm vắc-xin đối với quân nhân và nhân viên của các công ty quốc doanh. Tuy nhiên, không rõ liệu các thử nghiệm vắc-xin này có áp dụng cho các nhân viên Trung Quốc làm việc ở nước ngoài hay không.
Ngoài ra, chính quyền Trung Quốc cũng tuyên bố: “Sau khi tiêm vắc-xin, cần khoảng 7 ngày để cơ thể người được tiêm chủng sản sinh ra kháng thể”. “Nếu họ cần được xét nghiệm lại COVID-19, thì phải thực hiện ít nhất 7 ngày sau ngày tiêm chủng”.
David Manning, quan chức phụ trách về tình hình dịch bệnh ở Papua New Guinea nói với AFP rằng, ông hy vọng nhận được câu trả lời từ Trung Quốc. Phía chính phủ Papua New Guinea cũng đã cho dừng chuyến bay chở khoảng 150 công nhân Trung Quốc đến nước này.
Ông Manning nói: “Tôi yêu cầu Đại sứ quán Trung Quốc giải thích về vấn đề này”. “Tôi đã viết thư cho chính phủ Trung Quốc thông qua Đại sứ Quán, yêu cầu giải thích việc 48 nhân viên Trung Quốc của công ty quốc doanh này đã được tiêm chủng như thế nào”.
Ngày càng có nhiều người lo lắng rằng, những người đến làm việc ở Papua New Guinea có thể đã bỏ qua thủ tục kiểm dịch, cách ly và bọn họ đã tiến hành tiêm vắc-xin bất hợp pháp hoặc đã thử nghiệm trên các công dân của Papua New Guinea.
Người dân ở Palembe, Papua New Guinea (ảnh: Shutterstock).
Trên thực tế, những người đến Papua New Guinea phải được xét nghiệm virus trước khi lên máy bay và được cách ly khi đến.
Manning đã yêu cầu “làm rõ ngay lập tức” trong một bức thư gửi cho đại sứ Trung Quốc, đồng thời nói rằng Papua New Guinea “hiện không công nhận vắc-xin virus Vũ Hán”, trừ khi nó được cơ quan quản lý quốc gia và Tổ chức Y tế Thế giới chấp thuận.
Manning cũng đã ban hành một sắc lệnh cấm chỉ tiến hành khảo sát, thử nghiệm vắc-xin virus Vũ Hán và các phương pháp điều trị bằng vắc-xin không được phê duyệt ở Papua New Guinea.
Quan chức của đại sứ Trung Quốc nói với AFP: “Trước mắt, chúng tôi chưa có bất cứ bình luận gì. Tuy nhiên, chắc chắn rằng Trung Quốc đã không tiến hành thử nghiệm vắc-xin ở Papua New Guinea”.
Papua New Guinea có nguồn lực y tế hạn chế, nhưng cũng đã tránh được đợt bùng phát virus Vũ Hán tồi tệ nhất. Tuy nhiên, số lượng các trường hợp nhiễm virus cũng đã tăng lên trong những tuần gần đây.
Quốc gia này đã phát hiện thêm 12 ca nhiễm mới vào thứ Năm (ngày 20/8), trong tình huống tỷ lệ kiểm tra còn thấp, tổng số ca nhiễm đã lên tới 359 trường hợp và ít nhất ba người đã tử vong vì virus.
(Theo dkn.tv)