Xe điện Xiaomi SU7 chụp từ video của kênh Youtube Xiaomi.
Ngày 28/3, CEO của Xiaomi là ông Lôi Quân ra mắt chiếc xe điện SU7. Bề ngoài chiếc SU7 rất giống Porsche Taycan, ông Lôi Quân gọi đây là sự tôn vinh Porsche.
Xe điện của Trung Quốc đang đi theo con đường cũ của Huawei. Huawei đã dựa vào lợi thế về giá cả của điện thoại thông minh để thâu tóm thị trường quốc tế, họ gần như vượt qua Apple trước khi bị Mỹ trừng phạt.
Xiaomi hay BYD hiện đang đi theo con đường đó. Trên thực tế, từ cuối năm ngoái, BYD đã vượt qua Tesla về doanh số bán hàng theo quý. Các công ty như Tesla khi thực hiện bước đột phá từ 0 đến 1 là điều khó khăn nhất. Nhưng sau khi đã đạt được đột phá từ 0 đến 1, những cải tiến về sau như ngoại thất hay nội thất (có thể làm cho xe đẹp hơn một chút) nhưng lại không phải là bước tiến lớn về mặt công nghệ. Cho nên, cách tiếp cận này là con đường mà nhiều nhà sản xuất trong nước Trung Quốc đang theo đuổi, tức là thông qua việc sao chép và bán phá giá sẽ bóp nghẹt được các nhà sản xuất đã có đột phá từ 0 đến 1. Nortel của Canada đã bị Huawei đưa vào dĩ vãng. Vậy thì liệu xe điện Trung Quốc có đi theo con đường của Huawei năm xưa, đó là xâm chiếm thị trường thế giới hay không?
Trên thực tế CEO Xiaomi là ông Lôi Quân thực sự là một người rất thông minh, có một số điểm rất nhanh trí.
Điểm thứ nhất, đó là Lôi Quân đã chọn Bắc Kinh để làm nơi đặt nhà máy sản xuất xe hơi. Bởi vì đi từ bắc xuống nam có 4 thành phố lớn là Bắc Thượng Quảng Thâm (Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến), ở Thượng Hải đã có có nhà máy Tesla, Quảng Châu có GAC, Thâm Quyến có BYD, cho nên trong 4 thành phố lớn thì Bắc Kinh vẫn chưa có nhà máy lớn sản xuất xe điện. Hiện nay, Lôi Quân đặt nhà máy xe hơi Xiaomi ở Bắc Kinh, thì dự án này sẽ được chính quyền thành phố Bắc Kinh rất coi trọng.
Ông Tập Cận Cận Bình đang rất coi trọng cái gọi là ‘tân tam dạng’ (新三樣: 3 ngành sản xuất mới), đó là xe hơi điện, tấm pin năng lượng mặt trời và pin lithium. Ông Tập coi chúng như là động lực thúc đẩy kinh tế Trung Quốc trong tương lai. Cho nên, nếu ông Tập Cận Bình đề cao xe điện thì việc tạo ra một nhà máy xe điện Xiaomi ở Bắc Kinh sẽ là điều cần thiết cho chính quyền thành phố Bắc Kinh, họ chắc chắn sẽ cung cấp nhiều ưu đãi cho Lôi Quân. Cho nên, việc Lôi Quân chọn Bắc Kinh là một điểm rất thông minh.
Thứ hai, Lôi Quân biết tạo mối quan hệ với chính phủ. Còn nhớ vào năm 2021, khi chính quyền Bắc Kinh ‘đánh’ các công ty Internet lớn như Alibaba và các doanh nhân như Jack Ma, Mã Hóa Đằng, và bắt họ nộp phạt, thời điểm đó Bắc Kinh thường nhắc đến một thuật ngữ gọi là ‘ba phân phối’. Phân phối lần thứ nhất là tiền mà bạn kiếm được khi đi làm. Phân phối lần hai là nộp thuế cho chính phủ. Còn phân phối lần ba là ‘ép’ doanh nghiệp làm từ thiện. Sau khi thấy tình hình như vậy, Lôi Quân đã quyết định góp 2 tỷ USD cổ phiếu Xiaomi cho các tổ chức từ thiện. Lôi Quân đã 'giao' tiền rất kịp thời.
Sau đó, trong điện thoại của Xiaomi có cài đặt phần mềm chống lừa đảo của chính quyền Trung Quốc, mà phần mềm này người dùng không thể xóa được. Điều này đã biến chiếc điện thoại của Xiaomi trở thành một công cụ nghe lén. Đây là những ví dụ rất điển hình về việc tạo mối quan hệ giữa Lôi Quân và chính phủ Trung Quốc.
Thứ tư, Lôi Quân rất giỏi trong việc cạnh tranh. Như đã đề cập ở trước, sự đột phá công nghệ, từ 0 đến 1 rất khó khăn, nhưng từ 1 đến 2 thì dễ hơn nhiều, thậm chí từ 1 đến 10 cũng không khó. Bằng cách liên tục cập nhật, nhà sản xuất có thể tối ưu hóa hiệu suất ngày càng tốt hơn.
Giống như ví dụ về iPhone, người đầu tiên nghĩ ra ý tưởng về iPhone và sản xuất iPhone là Steve Jobs. Sau khi Jobs qua đời, Tim Cook chỉ cần liên tục phát triển trên cơ sở này. Nếu hỏi rằng, sau khi Jobs qua đời, Tim Cook đã làm gì mới hay không? Tim Cook thử nghiệm Apple car nhưng sau đó đã từ bỏ. Còn Apple TV và nhiều thứ khác trên cơ bản là chưa thành hình...
Hiện nay, Tim Cook chỉ là đang dựa vào iPhone để duy trì doanh thu. Điều này trên thực tế cũng không phải là khả năng của ông ấy, bởi vì việc cải tiến iPhone phần nhiều dựa vào hiệu năng của chip. Tim Cook chỉ cần áp dụng các công nghệ mới là được. Cho nên, từ khi Jobs qua đời, hàm lượng công nghệ của Apple đã càng ngày càng giảm.
Điều này dẫn đến việc các công ty khác cũng có thể theo kịp mảng điện thoại thông minh, họ cạnh tranh về giá với Apple. Xiaomi, Huawei cũng có thể làm được điều này, họ thông qua việc bán giá rẻ để chiếm lĩnh thị trường quốc tế.
Nếu không phải vì Huawei là công ty gián điệp, hoặc là nếu Mỹ không hoặc áp đặt lệnh cấm vận chip lên Huawei, thì Huawei có thể đã vượt qua Apple từ lâu, thậm chí họ còn có thể vượt qua cả Samsung để trở thành công ty sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới.
Hiện nay, Trung Quốc thông qua cách thức sao chép, sau đó liên tục cập nhật và tối ưu hóa, từ đó giảm giá thành sản phẩm. Điều này sẽ khiến các công ty có sự đột phá công nghệ từ 0 đến 1 phải đóng cửa. Nếu so sánh giữa Tesla Model 3 và Xiaomi SU7 về các thông số như khả năng lưu điện, tốc độ sạc, tốc độ tăng tốc, công suất đầu ra, thậm chí là kích thước của xe… thì Tesla Model 3 không bằng Xiaomi SU7. Bởi vì, Xiaomi đang tiếp tục cải tiến công nghệ trên cơ sở của người khác.
Elon Musk đã đăng một tweet vào ngày 27/3 với nội dung như sau: Đối với bất kỳ công nghệ nào, nếu bạn muốn đánh giá nó, thì không nên so sánh với đối thủ cạnh tranh của mình, thay vào đó là nên so sánh với những giới hạn vật lý .
Elon Musk đưa ví dụ về độ trễ của của Starlink trong việc truyền phát, ông phát hiện ra rằng có nhiều chỗ cần cải thiện.
Trên thực tế, nhiều điều mà Elon Musk làm phần lớn là những công việc từ 0 đến 1. Ví dụ như xe điện Tesla, tên lửa có khả năng trở về mặt đất của SpaceX, Internet vệ tinh Starlink… Nhưng với Trung Quốc thì họ chỉ sao chép và cạnh tranh để cuốn phăng các đối thủ. Điều này thực sự không có lợi cho châu Âu và Mỹ.
Bởi vì năng lực sản xuất của Trung Quốc thật sự lợi hại. Người Trung Quốc có thể chịu khổ, có thể chịu đựng mức lương rất thấp, thậm chí không có bảo vệ lao động… Điều này dẫn đến những sản phẩm mà Trung Quốc làm ra có giá cả rất thấp. Cho nên, nếu Trung Quốc tiếp tục điều này thì không có nhiều quốc gia, thậm chí không có một quốc gia nào thể cạnh tranh với Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất, các công ty sản xuất xe điện của các quốc gia khác có thể sẽ đoản mệnh.
Hiện nay các nước phương tây đang cố gắng xây dựng hàng rào thuế quan đối với xe điện của Trung Quốc. Tất nhiên, một phần nguyên nhân là vấn đề an ninh quốc gia, bởi vì xe điện thực sự giống như một chiếc iPhone di động, có thể được điều khiển từ xa, có nhiều camera và cảm biến. Một nguyên nhân khác, đó là nếu phương tây phát hiện có nhiều trợ cấp cho xe điện từ chính phủ Trung Quốc, thì đây được xem là cạnh tranh không lành mạnh.
Cách mà Trung Quốc đang thực hiện là đem toàn bộ năng lực sản xuất của thế giới đưa vào một quốc gia Trung Quốc, nói cách khác là không để cho các quốc gia khác tồn tại.
(Theo Thiên Lượng thời phân)
(ntdvn.net; Thuần Phong biên dịch)