Tổng thống Trump thông báo số liệu việc làm khi nền kinh tế cho thấy sự tăng trưởng trở lại, nguồn: AAP
Con số người đi làm trở lại đã gia tăng tại Hoa Kỳ, mặc dù nền kinh tế Mỹ vẫn chưa bù đắp được những thua lỗ do đại dịch coronavirus. Tại những nơi khác, các quốc gia đối phó với virus như thế nào?
Trong tháng 6, các doanh nghiệp tại Mỹ đã thêm được 4,8 triệu công việc và mức thất nghiệp giảm xuống 11,1 phần trăm.
Thị trường nhân dụng được cải thiện liên tiếp trong tháng thứ hai, theo sau trận đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Mỹ.
Tuy nhiên kinh tế Mỹ vẫn chưa phục hồi được những mất mát lớn lao hồi mùa xuân, lúc đại dịch bùng phát.
Ứng cử viên Tổng Thống thuộc đảng Dân chủ là ông Joe Biden nói rằng, tin tức mới nhất không nên xem là một chiến thắng để ăn mừng cuả Tổng Thống Donald Trump, trong khi đại dịch coronavirus vẫn còn hoành hành tại Mỹ.
Ông Joe Biden nói “Chẳng có chiến thắng nào để ăn mừng cả, chúng ta vẫn còn có gần 15 triệu người thất nghiệp, còn đại dịch ngày càng tệ hại hơn chứ chẳng khá hơn chút nào".
'Hàng triệu người Mỹ mất việc vẫn tự hỏi đến bao giờ công việc cho họ trở lại".
"Điều họ lo lắng hiện nay là phải trả tiền bill".
"Ông Trump muốn tuyên bố cuộc khủng hoảng y tế này qua rồi và mức thất nghiệp giảm xuống, thế nhưng không may ông ta sai lầm ở cả hai lãnh vực này”.
Trong khi đó, tại Anh quốc Bộ Trưởng Giáo dục Gavin Williamson loan báo các kế hoạch nhằm đưa học sinh trở lại trường.
Lời loan báo diễn ra trong cùng ngày các trường học tại Leicester bị đóng cửa, trong một phần của việc nới rộng phong tỏa của thành phố.
Các trường học tại nước Anh đã được lệnh giữ học sinh tại lớp và tránh tạo ra các hành lang đông đảo khi học sinh trở lại, trong cố gắng nhằm giới hạn sự lây lan của virus.
Ông hy vọng mọi học sinh trở lại trường vào tháng 9.
Ông Gavin Williamson nói “Từ tháng 9, việc có mặt tại lớp một lần nữa là điều bó buộc và không có học sinh nào không đến trường, trừ khi được phép".
"Việc này rất quan trọng, trong khi chúng ta tối thiểu hóa hậu quả của đại dịch đối với sự phát triển về học vấn của mọi trẻ em trong dài hạn”.
Trong khi đó, chính phủ Anh đã loan báo một ngân khoản trị giá 1 tỷ bảng Anh để giúp học sinh bắt kịp chương trình học.
Còn khoa học gia hàng đầu của Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO nói rằng, một cuộc thử nghiệm cho mọi người hiện ló dạng khi các nhà nghiên cứu và những công ty dược phẫm phát triển thuốc men và vắc xin để chống lại coronavirus trong những tháng sắp tới.
Tiến sĩ Soumya Swaminathan nói rằng, sự đoàn kết trên thế giới rất quan trọng, khi ghi nhận rằng Hoa Kỳ đã mua thuốc Remdesivir dự trữ của cả thế giới, vốn là một loại thuốc chống virus giúp hồi phục từ dịch bệnh COVID-19.
Tuy nhiên bà cũng ghi nhận rằng các thông tin từ Trung Quốc chẳng cho thấy lợi lộc gỉ với loại thuốc này và tính chất hữu hiệu của nó vẫn chưa được rõ.
Bà cho biết có đến 17 loại vắc xin đã tiến sang giai đoạn thử nghiệm thứ hai và loại vắc xin sản xuất tại đại học Oxford đã bước sang giai đoạn 3 khi thử nghiệm lâm sàng.
Bà nói rằng 6 tháng qua quả là thời gian khó tin được.
Tiến sĩ Soumya Swaminathan nói “Hôm nay một điều dường như khó tin được là chỉ 6 tháng trước thôi, chúng ta thực sự học được các trường hợp sưng phổi xuất phát từ Vũ Hán".
"Chẳng có ai trong chúng ta có thể tưởng tượng được rằng, khi thức dậy vào ngày đầu năm dương lịch cho đến nay, chúng ta phải đương đầu với đại dịch này và đã học được rất nhiều”
Tại Âu Châu, nước Đức đã đảm nhận vai trò chủ tịch luân lưu của Hội đồng Liên Âu.
Thủ Tướng Đức Angela Merkel nói rằng, nay là thời điểm cần thiết để 27 quốc gia thành viên bắt đầu phục hồi nền kinh tế và những hậu quả xã hội của trận đại dịch.
Bà Angela Merkel nói “Mọi người biết rằng câu trả lời cho cuộc khủng hoảng chưa từng có trước đây, phải là một giải pháp thích hợp với cách thức lây nhiễm hết sức mạnh mẽ và việc đó thực sự đã tạo ra sự khác biệt".
"Mọi người biết rằng thời gian là hết sức quí báu, bởi vì chúng ta đều biết các cơ hội về tài chính cũng giúp chúng ta an tâm về mặt tâm lý trong việc phát triển kinh tế nữa”.
Còn bà Ursula von der Leyen, chủ tịch Ủy hội Âu Châu nói rằng bà đếm những ngày trôi qua.
Bà Ursula von der Leyen nói “Vì vậy đó là một áp lực lớn lao về thời gian, thế nhưng cuộc khủng hoảng đã tạo ra những bước đột phá".
"Mỗi ngày chúng ta thấy được nhiều người mất việc làm, các công ty đóng cửa, rồi nền kinh tế yếu kém dần dần".
"Vì vậy với những ngày trôi qua, chúng ta chấp nhận áp lực của thời gian như vậy”
Trong khi đó, Liên hiệp Phi Châu cảnh cáo rằng, coronavirus tạo nên hậu quả khủng khiếp đối với kỹ nghệ du lịch tại Phi Châu.
Bà Amani Abu Zaid là Ủy viên về Hạ Tầng Cơ sở của Liên hiệp Phi Châu, cho đài BBC biết châu Phi đã mất hơn 50 tỷ đô la chỉ trong 3 tháng và một số hãng hàng không không thể sống nổi.
Amani Abu Zaid nói “Gần 10 phần trăm GDP hay Tổng Sản Lượng Quốc gia của Phi Châu đến từ du lịch, thế nhưng chúng ta cũng có 24 triệu người Phi Châu có nghĩa là 24 triệu gia đình mà cuộc sống của họ gắn liền với việc đi lại và du lịch".
"Chúng ta mất khoảng 55 tỷ đô la trong 3 tháng qua”
Tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản đã xác nhận có 107 ca nhiễm coronavirus mới, vốn là con số cao nhất kể từ đầu tháng 5.
Việc này gây nhiều quan ngại về một đợt bùng phát dịch bệnh có thể xảy ra khi các doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường.
Thị trưởng thành phố Tokyo là bà Yuriko Koike cho biết, có nhiều vụ nhiễm bệnh liên quan đến những người trẻ ở tuổi 20 và 30, vốn có liên quan đến các sinh hoạt về đêm.
Bà Yuriko Koike nói “Hôm nay con số các trường hợp dương tính là 107 người, hồi còn áp dụng tình trạng khẩn cấp vào ngày 2 tháng 5, có 154 người, thế nhưng nó vượt quá 100 người lần đầu tiên trong 2 tháng".
"Liên quan đến vụ bùng phát dịch bệnh, những người trẻ trong độ tuổi 20 hay 30 cũng gia tăng".
"Tôi đặc biệt yêu cầu mọi người dân Tokyo hãy tự chế, không ra ngoài để tham dự cuộc sống về đêm hay những quận sinh hoạt ban tối".
"Chúng tôi yêu cầu mọi người nên đặc biệt chú ý đến các khu vực sinh hoạt về đêm, như vùng Shinjuku và Ikebukuro”.
Được biết Nhật Bản đã bãi bỏ tình trạng khẩn cấp do đại dịch trong 7 tuần lễ hồi cuối tháng 5.