Hy Lạp cho biết bức tường biên giới của họ với Thổ Nhĩ Kỳ đã ngăn khoảng 260.000 người di cư vào Âu châu vào năm 2022. (AP Photo, Petros Giannakouris, File) Nguồn: AP / Petros Giannakouris/AP

 

ÂU CHÂU - Liên Âu đang xem xét lập trường cứng rắn hơn đối với vấn đề nhập cư, sau khi số lượng người ‘nhập cảnh bất thường’ tăng lên 330,000 vào năm ngoái. Nhưng có thể khó đạt được sự đồng thuận giữa khối 27 quốc gia, khi một số nước gợi lại những ý tưởng gây tranh cãi về kiểm soát biên giới.

 

Liên Âu đang đề xuất một chính sách nhập cư cứng rắn hơn.

 

Ký ức về cuộc khủng hoảng người tị nạn ở Âu châu năm 2015 vẫn còn hiện hữu, nhưng việc đạt được sự đồng thuận giữa 27 quốc gia trong khối sẽ rất phức tạp.

 

Năm ngoái, các quốc gia Âu châu có số lượng người nhập cư trái phép cao nhất kể từ năm 2016, khiến các bộ trưởng gợi lại các ý tưởng gây tranh cãi bao gồm xây hàng rào biên giới và trung tâm tị nạn bên ngoài Âu châu.

 

Làm thế nào để giảm tỷ lệ nhập cư bất thường là ưu tiên hàng đầu của các bộ trưởng Liên Âu tại cuộc họp ở Stockholm vào thứ Năm.

 

Ủy viên Nội vụ EU, Ylva Johansson, cho biết hệ thống di trú đang bị căng thẳng nghiêm trọng.

"Nhiều quốc gia thành viên đang chịu áp lực rất lớn, đặc biệt là về khả năng tiếp nhận và xử lý đơn xin tị nạn. Việc đăng ký xin tị nạn của nhiều người từ các quốc gia không cần sự bảo vệ quốc tế đã làm tắc nghẽn hệ thống. Và điều đó có nghĩa là rất nhiều quốc gia thành viên đang bị áp lực và trên hết, chúng tôi đang tiếp nhận 4 triệu người tị nạn Ukraine, vì vậy có một áp lực lớn ở nhiều quốc gia thành viên."

 

Cơ quan biên giới EU, Frontex cho biết có đến 330.000 người nhập cảnh bất thường trong năm ngoái, mức cao nhất kể từ năm 2016, trong khi số lượng đơn xin tị nạn cao hơn gấp ba lần (924,000).

 

Bà Johansson nói rằng những người không có quyền tị nạn phải được đưa trở lại đất nước của họ.

"Bởi vì chúng tôi biết rằng việc cho hồi hương là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để ngăn chặn việc nhập cảnh bất thường của những người không cần sự bảo vệ quốc tế."

 

Bộ trưởng Di trú Thụy Điển, Maria Malmer Stenergard, đã phản ánh quan điểm này tại các cuộc đàm phán.

"Chắc chắn những người nhập cư bất hợp pháp phải bị trả về là điều cần thiết để bảo đảm độ tin cậy của các chính sách của Liên Âu trong lĩnh vực bảo vệ quốc tế và di trú hợp pháp. Tỷ lệ cho hồi hương thấp là một vấn đề thực sự đối với nhiều quốc gia thành viên. Điều này gây tác động tiêu cực đến khả năng xử lý hồ sơ mới và làm suy yếu tính hợp pháp của hệ thống tị nạn và di trú của Liên Âu."

 

Nhập cư là một chủ đề nhạy cảm đối với Âu châu kể từ cuộc khủng hoảng năm 2015 khiến hơn 3,500 người thiệt mạng trong hành trình đầy nguy hiểm đến lục địa này.

 

Nhưng 27 quốc gia thành viên EU có những ý kiến khác nhau về chính sách nhập cư và tị nạn.

 

Đối với Đức, trọng tâm là củng cố lực lượng lao động lành nghề thông qua các thỏa thuận nhập cư, đặc biệt là với các nước Bắc Phi.

 

Bộ trưởng Nội vụ Đức, Nancy Fraser, cho biết các tuyến đường nguy hiểm qua Địa Trung Hải phải được ngăn chặn.

"Tôi muốn nhấn mạnh rằng việc tiếp nhận người tị nạn một cách nhân đạo là rất quan trọng đối với nước Đức. Phải có lối ra hợp pháp. Chúng ta phải tránh xa những tuyến đường nguy hiểm đến tính mạng qua Địa Trung Hải. Nhưng đồng thời, chúng tôi cũng phải bảo đảm các biện pháp thích hợp khi xảy ra tình trạng nhập cư bất thường."

 

Trong khi đó, Áo đang kêu gọi lập trường biên giới cứng rắn hơn, với một hàng rào trị giá 3 tỷ đô la (2 tỷ euro) dọc theo biên giới của EU giữa Bulgaria và Thổ Nhĩ Kỳ.

 

Hy Lạp có một hàng rào thép cao 5 mét dọc biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, và muốn tăng gần gấp đôi chiều dài hàng rào, trong bối cảnh lo ngại về số di dân bất thường gia tăng.

 

Thủ tướng Áo Karl Nehammer muốn Ủy ban Âu Châu tài trợ xây hàng rào biên giới, nhưng Ủy ban đã nhấn mạnh vai trò của lực lượng biên giới Frontex.

 

Giám đốc điều hành mới của lực lượng biên phòng Âu châu Frontex, Hans Leitjens, hồi tuần trước đã cam kết minh bạch hơn và chấm dứt các hoạt động đưa người tị nạn trở về quốc gia ban đầu của họ.

"Đối với tôi, có ba nguyên tắc hướng dẫn. Trước hết là trách nhiệm giải trình, và điều đó không chỉ có ý nghĩa đối với tổ chức mà còn đối với từng cá nhân nhân viên Frontex. Thứ hai là các quyền cơ bản. Đó là quản lý biên giới và các quyền cơ bản song hành với nhau. Và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, tôi nghĩ đó là nền tảng của mọi thứ, là sự minh bạch. Chúng ta phải nói, chúng ta phải thể hiện những gì chúng ta làm."

 

Điều này được đưa ra khi Ủy viên Nội vụ Âu Châu cho biết lực lượng biên phòng sẽ là một công cụ hữu ích để tăng số lượng người xin tị nạn bị trả về khi cần thiết.

 

Liên Âu chỉ trả về được 21% lượng nhập cảnh bất thường vào năm 2021, theo Ủy ban Âu châu.

 

Tại hội nghị thượng đỉnh tháng 2, các nhà lãnh đạo EU dự kiến sẽ thảo luận thêm về vấn đề nhập cư.