Quang cảnh đổ nát tại một khu phố ở Kiev, Ukraine sau một cuộc tấn công bằng drone của Nga vào ngày 1 tháng 1 năm 2025. AP - Oksana Johannesson

 

Theo phân tích từ các chuyên gia trên tuần san Respekt, có 4 kịch bản có thể xảy ra trong cuộc chiến ở Ukraine trong năm 2025, bao gồm : một là Nga thắng, hai là Ukraine đẩy lùi được đà tiến của quân Nga, ba là hai bên đạt được thỏa thuận ngừng chiến và bốn là cuộc chiến vẫn tiếp tục kéo dài. Liệu đâu sẽ là kết cục cho cuộc chiến tiêu hao này?

 

 

 

Nga thắng và bóng tối che phủ Âu  châu

 

Trước hết với kịch bản đầu tiên, cần phải nói rõ là chiến thắng của Mocow không nhất thiết đồng nghĩa với việc Nga chiếm được toàn bộ lãnh thổ của Ukraine, vì điều này khó có thể xảy ra trong năm 2025. Mặc dù hiện nay Nga rõ ràng đang chiếm ưu thế, nhưng đà tiến của họ vẫn còn chậm và chủ yếu ở các tỉnh phía đông, giáp với biên giới. Do vậy, theo Les Echos, chiến thắng của Nga có thể dưới nhiều hình thức khác. Chẳng hạn như với sự ủng hộ của Donald Trump, Nga đặt “chế độ bảo hộ” đối với Ukraine, hoặc thế giới sẽ được chứng kiến lịch sử lặp lại khi Ukraine bị phân chia theo kiểu Đông Đức và Tây Đức, trong đó phần phía tây sẽ được bảo đảm bởi những “cam kết an ninh”, trong khi phần phía Đông sẽ do Điện Kremlin kiểm soát.

 

 

Nguyên nhân dẫn đến kết cục này phần nhiều đến từ việc quân đội Kiev thiếu vũ khí và đạn dược. Cho đến nay, giới quan sát vẫn không thể đoán được liệu Donald Trump có quyết định chấm dứt viện trợ quân sự cho Ukraine hay không. Theo Respekt, nếu viện trợ từ Hoa Kỳ bị cắt, thì cả ở hiện tại lẫn trong tương lai gần, các quốc gia Âu châu sẽ không thể thay thế các chuyến hàng cung cấp vũ khí từ Mỹ. Khả năng sản xuất của Liên Âu rất hạn chế và họ cũng chẳng thể thống nhất được tất cả các quốc gia thành viên trong việc viện trợ cho Kiev, nhất là khi mà một số nhà lãnh đạo ở các nước như Slovakia và Hungary luôn có thái độ không mấy hợp tác. 

 

 

Và trong bối cảnh đó, Nga sẽ lại càng tiến nhanh hơn và xa hơn, tới các thành phố ở phía tây Ukraine, dẫn đến tâm lý lo sợ và tuyệt vọng của người dân và mong muốn chấm dứt cuộc giao tranh bằng bất cứ giá nào. Theo các cuộc khảo sát dư luận, sự ủng hộ đối với các cuộc đàm phán nhằm đạt được một lệnh ngừng bắn đang tăng lên, ngay cả khi phải hy sinh các lãnh thổ bị chiếm đóng. Số người công khai tuyên bố rằng họ sẵn sàng “chịu đựng chiến tranh cho đến khi cần thiết” cũng giảm đi. Nếu như cách đây một năm, con số này là 75% thì hiện giờ đã giảm xuống chỉ còn dưới 60%. 

 

Trong kịch bản Nga thắng, Ukraine sẽ bị phá hủy nặng nề sau chiến tranh và sẽ không có cuộc tái thiết hoàn chỉnh nào được thực hiện. Nga sẽ tận dụng các nguồn tài nguyên khoáng sản cùng nguồn nhân lực mới. Những người Ukraine có thể sẽ bị ép nhập ngũ và trở thành lá chắn sống cho quân đội Nga. Còn các vùng bị chiếm đóng có thể sẽ bị Nga tập hợp lại và “thành lập một chính phủ giống như ở Minsk”, theo như nhận định từ France 24. Sau khi Liên Xô tan rã, một hiệp định quốc tế giữa Nga và Belarus, được ký vào năm 1997, đã đặt nền tảng cho một liên minh giữa hai quốc gia từng là các nước cộng hòa Xô Viết. Hai quốc gia này giữ nguyên độc lập, nhưng ngay cả khi không tham gia trực tiếp, chính quyền Belarus luôn ủng hộ các sáng kiến quân sự của Nga. 

 

Ngoài ra, an ninh của toàn Âu châu cũng sẽ bị đặt trong tình trạng báo động. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng nhấn mạnh trên kênh France 2 rằng việc Nga chiến thắng sẽ trực tiếp đe dọa hòa bình ở nhiều nước Đông Âu như Ba Lan, Estonia, Rumani, Bulgari và Moldova. Moscow sẽ lấy lại được vị thế siêu cường của mình còn “uy tín của Âu châu sẽ bị giảm xuống còn bằng không”. 

 

 

 

Ukraine đẩy lùi được đà tiến của quân Nga 

 

Theo tất cả các nhà phân tích, kịch bản Nga mất đi khả năng chiến đấu và cùng với đó là mất đi tất cả các lãnh thổ đã chiếm được kể từ tháng 2 năm 2022 là điều rất khó xảy ra. Tuy nhiên, tuần san Respekt nhận định không thể loại trừ hoàn toàn khả năng Nga ngừng tiến quân và bắt đầu mất dần lãnh thổ mà họ đã chiếm được của .

 

Và trong kịch bản này, vai trò của tân chính phủ Hoa Kỳ sẽ mang tính quyết định. Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể chặn các lô viện trợ quân sự cho Ukraine, nhưng cũng có thể gia tăng một cách đáng kể và gỡ bỏ hạn chế trong việc sử dụng những vũ khí này để tấn công vào lãnh thổ Nga. Đây là những gì mà Keith Kellogg, đặc phái viên của Trump về Ukraine, đã đề nghị: đe dọa ngừng giao vũ khí cho Ukraine nếu Kiev phản đối các đề xuất của Mỹ, và đồng thời đe dọa Nga bằng cách gia tăng viện trợ cho Ukraine nếu Moscow từ chối kế hoạch hòa bình mà Washington đưa ra.

 

Hơn nữa, nền kinh tế Nga dường như không mạnh mẽ như nhận thấy ở bề ngoài. Trước đó, chính phủ Nga cho rằng chi tiêu quân sự sẽ đạt đỉnh vào năm 2024, tuy nhiên ngân sách dự kiến cho năm 2025 thậm chí còn tăng cao hơn. Theo đó, quân đội và các lực lượng an ninh chiếm khoảng một nửa tổng ngân sách. Giám đốc Ngân hàng Trung ương Nga, Elvira Nabiullina, tuyên bố rằng nền kinh tế Nga sẽ sớm không còn khả năng đáp ứng nhu cầu của cuộc chiến. Tuy nhiên, không phải tới bây giờ bà mới đưa ra những dự báo bi quan. Ngay từ khi cuộc xâm lược bắt đầu nổ ra vào năm 2022, bà Nabiullina đã có những nhận định tương tự và giới chuyên gia nghi ngờ rằng điều này có thể là một phần trong chiến lược thao túng thông tin của các cơ quan tình báo Nga đối với Tây phương. Ngoài ra, sau những vụ phá hoại nghi ngờ do Nga thực hiện trong thời gian gần đây, Liên Hiệp Âu Châu có thể sẽ đưa ra các lệnh trừng phạt mới, tác động mạnh mẽ đến kinh tế nước này. 

 

Trong tình hình đó, nếu Ukraine nắm bắt được cơ hội và đảo ngược đà tiến của quân Nga, thì Moscow sẽ bị đẩy vào tình thế bất lợi và dẫn đến kịch bản thứ ba : một thỏa thuận ngừng bắn giữa hai bên. 

 

 

Thỏa thuận ngừng chiến 

 

Theo tờ The Wall Street Journal, Donald Trump ủng hộ việc các lực lượng Âu châu giám sát thực hiện một lệnh ngừng bắn tiềm năng. Theo một số ước tính, để có thể làm được điều này sẽ cần phải khai triển tới 200.000 binh lính dọc theo toàn bộ biên giới với Nga. Nếu các quốc gia Âu châu cam kết thực hiện kế hoạch và Điện Kremlin, vì lý do nào đó, cuối cùng đồng ý, thì các cuộc giao tranh sẽ chấm dứt tại các vị trí hiện tại. Một khu vực phi quân sự sẽ có thể được thiết lập, với quân Nga ở một bên, quân Ukraine và Âu châu ở phía bên kia. Và Hoa Kỳ có thể sẽ cung cấp cho Ukraine số lượng vũ khí lớn đến mức khiến Nga không còn muốn mở lại các cuộc tấn công.

 

 

 

Cuộc chiến không hồi kết chống lại Ukraine và Tây phương 

 

Theo Jan Sir, chuyên gia về các vấn đề chính trị và an ninh hậu Xô Viết, tại Viện Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Charles, CH Séc, thì dù cuộc chiến kéo dài khiến cả hai bên đều mệt mỏi “nhưng không đến mức không thể tiếp tục chiến đấu”. Theo ông, ý chí của Nga vẫn không thay đổi từ đầu cuộc chiến, đó là phá hủy và khiến Ukraine phải chịu khuất phục. Mặc dù ngành công nghiệp quân sự của Nga đang đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng, nhưng họ vẫn có thể tiếp tục dựa vào các chuyến cung cấp vũ khí và sự gia tăng lính từ các quốc gia khác như Iran và Bắc Hàn.  

 

Hơn nữa, Jan Sir cho rằng Moscow coi chiến tranh ở Ukraine là một cuộc đấu tranh chống lại Tây phương và là một cách để khẳng định lại vị thế của mình. Chính điều này lại càng khiến Nga không dễ dàng từ bỏ. Và trong bối cảnh đó, Âu châu và Hoa Kỳ sẽ phải tiếp chịu một phần gánh nặng của cuộc chiến, không chỉ qua việc tài trợ vũ khí mà còn phải chịu trách nhiệm tài chính cho việc vận hành Nhà nước Ukraine vì Kiev hoàn toàn không có khả năng chi trả cho một gánh nặng như vậy. 

 

 

 

(Nguồn RFI)